Bên trong phòng thí nghiệm chip của Amazon ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ), 6 kỹ sư đang đưa một thiết kế máy chủ mới được bảo vệ chặt chẽ vào thử nghiệm.
Thế giới số

Amazon đặt tham vọng phát triển các chip AI rẻ và nhanh hơn Nvidia

Sơn Vân 26/07/2024 11:05

Bên trong phòng thí nghiệm chip của Amazon ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ), 6 kỹ sư đang đưa một thiết kế máy chủ mới được bảo vệ chặt chẽ vào thử nghiệm.

Máy chủ này được tích hợp các chip trí tuệ nhân tạo (AI) do chính Amazon sản xuất, nhằm cạnh tranh với Nvidia - công ty dẫn đầu thị trường chip AI, ông Rami Sinno cho biết.

Rami Sinno đang giữ vị trí Giám đốc kỹ thuật Annapurna Labs, bộ phận thuộc mảng kinh doanh đám mây Amazon Web Services của Amazon. Annapurna Labs là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển các chip AI của Amazon, gồm cả Trainium và Inferentia.

Amazon đã mua lại Annapurna Labs vào năm 2015 với khoảng 350 triệu USD.

Amazon phát triển chip AI riêng để giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm Nvidia đắt tiền. Hiện chip AI Nvidia cung cấp năng lượng cho một số hoạt động kinh doanh điện toán đám mây AI tại Amazon Web Services - mảng kinh doanh tăng trưởng chính của công ty.

Thông qua các chip tự sản xuất, Amazon muốn giúp khách hàng tính toán các phép tính phức tạp và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ với chi phí thấp hơn. Các đối thủ cạnh tranh của Amazon là Microsoft và Alphabet (công ty mẹ Google) cũng đang làm điều tương tự.

Rami Sinno cho biết khách hàng của Amazon ngày càng yêu cầu các lựa chọn thay thế chip AI Nvidia với giá rẻ hơn.

Trong khi nỗ lực phát triển chip AI của Amazon đang ở giai đoạn khởi đầu, Graviton (chip quan trọng của Amazon thực hiện các tác vụ điện toán không liên quan đến AI) đã được phát triển gần một thập kỷ và hiện ở thế hệ thứ tư. Các chip AI như Trainium và Inferentia là thiết kế mới hơn.

"Amazon sẽ cung cấp các chip AI có thể cải thiện giá cả và hiệu suất lên đến 40%, 50% so với tùy chọn hiện tại. Việc sử dụng các chip AI này để vận hành cùng một mô hình sẽ có chi phí thấp hơn một nửa so với sản phẩm Nvidia", ông David Brown, Phó chủ tịch phụ trách mảng Điện toán và Mạng lưới tại Amazon Web Services, tuyên bố.

amazon-dat-tham-vong-phat-trien-cac-chip-ai-re-hon-va-nhanh-hon-nvidia.jpg
Bên trong phòng thí nghiệm phát triển các chip AI mới của Amazon ở Austin
amazon-dat-tham-vong-phat-trien-cac-chip-ai-re-hon-va-nhanh-hon-nvidia1.jpg
Các chip AI mới của Amazon được trưng bày trong phòng thí nghiệm này
amazon-dat-tham-vong-phat-trien-cac-chip-ai-re-hon-va-nhanh-hon-nvidia2.jpg
Kỹ sư thử nghiệm chip AI của Amazon với mục đích cạnh tranh với Nvidia, Microsoft và Google - Ảnh: Reuters

Doanh số bán hàng tại Amazon Web Services (chiếm gần 1/5 tổng doanh thu của Amazon) đã tăng vọt 17% lên 25 tỉ USD trong quý 1/2024, so với cùng kỳ năm ngoái. Amazon Web Services hiện kiểm soát khoảng 1/3 thị trường điện toán đám mây, trong khi Microsoft Azure chiếm khoảng 25%.

Trong sự kiện sự kiện mua sắm Prime Day gần đây, Amazon đã triển khai 250.000 chip Graviton và 80.000 chip AI tùy chỉnh để xử lý lưu lượng truy cập tăng đột biến trên các nền tảng của mình, công ty cho biết.

Sự kiện mua sắm này đã tạo ra doanh số bán hàng kỷ lục là 14,2 tỉ USD, theo Adobe Analytics.

Adobe Analytics là công cụ phân tích web và marketing trực tuyến mạnh mẽ, được sử dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp lớn để đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing của họ. Adobe Analytics cung cấp một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về hành vi của khách hàng trên website, ứng dụng và các kênh tiếp thị khác.

Amazon dự chi gần 150 tỉ USD vào các trung tâm dữ liệu vì sự bùng nổ AI

Amazon dự chi gần 150 tỉ USD trong 15 năm tới cho các trung tâm dữ liệu, mang lại cho gã khổng lồ điện toán đám mây sức mạnh để xử lý nhu cầu bùng nổ với các ứng dụng AI và dịch vụ kỹ thuật số khác.

Việc chi tiêu mạnh tay là sự phô trương sức mạnh khi Amazon đang tìm cách duy trì sự thống trị của mình trên thị trường dịch vụ đám mây. Tăng trưởng doanh số của Amazon Web Services đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023 do các khách hàng doanh nghiệp cắt giảm chi phí và trì hoãn các dự án hiện đại hóa. Hiện tại, việc chi tiêu bắt đầu tăng trở lại và Amazon đang muốn đảm bảo đất đai, điện cho các cơ sở khổng lồ tiêu tốn nhiều năng lượng của mình.

Kevin Miller, Phó chủ tịch Amazon Web Services - người giám sát các trung tâm dữ liệu của công ty, cho biết: “Chúng tôi đang mở rộng công suất khá đáng kể. Tôi nghĩ điều đó giúp chúng tôi có khả năng tiếp cận gần hơn với khách hàng”.

Trong hai năm qua, Amazon đã cam kết chi 148 tỉ USD để xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, theo thống kê của hãng tin Bloomberg. Công ty có kế hoạch mở rộng các trung tâm máy chủ hiện có ở phía bắc bang Virginia và bang Oregon cũng như mở rộng sang các khu vực mới, bao gồm bang Mississippi (Mỹ), Ả Rập Saudi và Malaysia.

Khoản chi theo kế hoạch của Amazon cho các trang trại máy chủ vượt xa các cam kết công khai từ Microsoft và Google. Cả hai công ty này đều không tiết lộ chi tiêu liên quan đến trung tâm dữ liệu thường xuyên như Amazon. Người phát ngôn Microsoft, Google từ chối cung cấp số liệu so sánh và nói thêm rằng mỗi công ty có thể đưa ra các chi phí khác nhau trong ước tính của họ.

Trang trại máy chủ là tập hợp các máy chủ được kết nối với nhau để cung cấp các dịch vụ và tài nguyên cho người dùng. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng cho điện toán đám mây, giúp các doanh nghiệp và cá nhân truy cập vào các ứng dụng, dữ liệu và tài nguyên điện toán mà không cần sở hữu hoặc quản lý phần cứng của riêng họ.

Trong bối cảnh Amazon cắt giảm chi phí rộng rãi hơn, chi tiêu vốn của Amazon Web Services cho các trung tâm dữ liệu đã giảm 2% vào năm 2023, ngay cả khi Microsoft tăng chi tiêu lên hơn 50%, theo hãng nghiên cứu Dell'Oro Group. Tuy nhiên, giám đốc tài chính Amazon cho biết vào tháng 2 rằng chi tiêu vốn của công ty sẽ tăng trong năm 2024 để hỗ trợ Amazon Web Services tăng trưởng, gồm cả các dự án liên quan đến AI.

Phần lớn việc mở rộng trung tâm dữ liệu của Amazon là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các dịch vụ như lưu trữ file và cơ sở dữ liệu. Thế nhưng, cơ sở vật chất, cùng với những chip tiên tiến và đắt tiền, cũng sẽ cung cấp sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết cho sự bùng nổ về AI.

Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất cho OpenAI) và Google được coi là những công ty hàng đầu trong việc thương mại hóa phần mềm có khả năng tạo văn bản và phân tích. Thế nhưng, Amazon đang xây dựng các công cụ của riêng mình để cạnh tranh với ChatGPT và đã hợp tác với các công ty khác để cung cấp dịch vụ AI bằng máy chủ của mình. Nhờ đó, Amazon kỳ vọng sẽ thu về hàng chục tỉ USD doanh thu liên quan đến AI.

Amazon Web Services đặt trang trại máy chủ đầu tiên của mình tại Virginia (Mỹ), ở rìa của thủ đô Washington. Là nơi có nút giao thông thương mại đầu tiên cho lưu lượng truy cập web, khu vực này vẫn là trung tâm quan trọng cho truyền phát video cũng như dữ liệu của các công ty và chính phủ Mỹ.

Amazon sau đó đã mở các trung tâm dữ liệu ở vùng nông thôn phía đông Oregon, tận dụng nguồn thủy điện giá rẻ và nhiều khoản giảm thuế. Kể từ đó, Virginia và Oregon đã nhận được khoảng 4 trong số mỗi 5 USD mà Amazon Web Services chi cho cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Amazon có kế hoạch chi thêm hàng chục tỉ USD ở những bang này, nhưng việc đảm bảo nguồn điện ở đây ngày càng khó khăn hơn. Các trung tâm dữ liệu đòi hỏi nhiều năng lượng và sự phổ biến ngày càng tăng của chúng đang gây áp lực lên các tiện ích công cộng. Trong vài tháng vào năm 2022, Dominion Energy (công ty cung cấp điện cho khu vực trung tâm dữ liệu của bang Virginia) đã không thể theo kịp, tạm dừng kết nối với các cơ sở đã sẵn sàng hoạt động trực tuyến. Dominion Energy dự kiến nhu cầu sẽ tăng gần gấp đôi trong 15 năm tới, chủ yếu do các trung tâm dữ liệu.

Ở bang Oregon, việc sử dụng điện bởi các trang trại máy chủ Amazon vượt quá tỉ trọng thủy điện của công ty tiện ích địa phương, buộc Amazon phải mua điện được tạo ra từ khí đốt tự nhiên, tờ Oregonian đưa tin vào đầu năm 2024.

Vào tháng 2, Amazon cho biết sẽ chi khoảng 10 tỉ USD cho hai cơ sở trung tâm dữ liệu ở bang Mississippi. Được coi là dự án doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử bang này, nỗ lực của Amazon Web Services sẽ bắt nguồn từ miền nam nước Mỹ, khu vực chứng kiến chi tiêu cho trung tâm dữ liệu tương đối ít.

Đầu tháng 3, nhà điều hành một nhà máy điện hạt nhân 40 năm tuổi trên sông Susquehanna ở bang Pennsylvania (Mỹ) nói Amazon Web Services đã đồng ý chi 650 triệu USD để mua lại khuôn viên trung tâm dữ liệu được kết nối với cơ sở này.

Tại thành phố Round Rock (bang Texas, Mỹ), Amazon Web Services gần đây đã giành được sự chấp thuận quy hoạch để xây dựng một trung tâm dữ liệu và trạm biến áp điện bên cạnh kho giao hàng trên một phần của trang trại cũ mà công ty mua lại trong đại dịch COVID-19. Nếu dự án được tiến hành, đây sẽ là lần đầu tiên Amazon Web Services đưa những cơ sở như vậy vào cùng một khu đất.

Charles Fitzgerald, cựu giám đốc Microsoft chuyên theo dõi chi tiêu của các công ty trên nền tảng đám mây, cho biết: “Hiện tại, đây là cuộc chạy đua điên cuồng để tìm bất kỳ địa điểm nào có nguồn điện trong thời gian sớm nhất”.

amazon-du-chi-150-ti-usd-vao-cac-trung-tam-du-lieu-vi-su-bung-no-ai-duy-tri-loi-the-truoc-microsoft-va-google1.jpg
Các đội xây dựng làm việc trên một trung tâm dữ liệu tương lai của Amazon ở thành phố Hilliard, bang Ohio (Mỹ) - Ảnh: Bloomberg

Ngay cả khi phát triển mạnh mẽ, Amazon và các công ty khác đang gặp phải sự phản đối ngày càng tăng với các trung tâm dữ liệu. Phần lớn sự phẫn nộ hiện nay tập trung ở bang Virginia, nơi cư dân phàn nàn về tiếng ồn không ngừng của các trang trại máy chủ và những nhà bảo tồn than thở về sự xâm lấn của các cơ sở rộng lớn trên các địa điểm chiến trường thời nội chiến. Các nhóm phản đối cũng đang xuất hiện ở những khu vực khác của Mỹ và có thể gia tăng khi ngày càng có nhiều trung tâm dữ liệu trực tuyến, dù chúng có được xây dựng bởi Amazon hay không.

Những người ủng hộ năng lượng tái tạo cũng cho rằng việc vội vàng xây dựng các cơ sở vật chất mới đã làm hồi sinh các nhà máy cũ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch gây nóng lên toàn cầu. Ví dụ, ở bang Mississippi, Amazon sẽ trả tiền để giúp công ty điện lực địa phương xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời, nhưng cũng sẽ vận hành các trung tâm dữ liệu bằng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên mới có thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tới.

Những năm gần đây, Amazon là công ty mua năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, một phần trong cam kết cung cấp năng lượng tái tạo cho tất cả hoạt động của mình vào năm 2025. Thế nhưng, những dự án đó có thể ở xa các trung tâm dữ liệu của Amazon, tạo ra một sự không phù hợp giữa cung và cầu, gây ra vấn đề cho lưới điện Mỹ đang cũ kỹ và bị phân mảnh.

Kevin Miller, Phó chủ tịch Amazon Web Services, nói công ty đang tiếp tục đánh giá các dự án năng lượng sạch ngoài các trang trại điện gió và năng lượng mặt trời, gồm cả bộ lưu trữ pin và năng lượng hạt nhân, có thể thay thế cho các nhà máy nhiên liệu hóa thạch. Ông cam kết hợp tác với các công ty tiện ích và tìm cách “đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng tôi bằng năng lượng tái tạo, không phát thải carbon”.

Bài liên quan
Sau 9 tỉ USD từ Amazon, Singapore được Google đầu tư 5 tỉ USD
Google hôm 3.6 cho biết đã hoàn thành việc mở rộng trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây ở Singapore, đồng nghĩa với việc đã đầu tư 5 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại quốc gia Đông Nam Á này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Amazon đặt tham vọng phát triển các chip AI rẻ và nhanh hơn Nvidia