Việc Singapore kỷ niệm giỗ đầu nhà lập quốc Lý Quang Diệu suốt 7 ngày hồi tháng trước đã dẫn tới bất đồng, công khai chỉ trích nhau giữa hai người con ông.

Anh em thủ tướng Singapore bất đồng vì lễ giỗ đầu thân phụ

Theo Thanh Niên | 11/04/2016, 05:10

Việc Singapore kỷ niệm giỗ đầu nhà lập quốc Lý Quang Diệu suốt 7 ngày hồi tháng trước đã dẫn tới bất đồng, công khai chỉ trích nhau giữa hai người con ông.

Bất đồng âm ỉ ngay trong những ngày Singapore kỷ niệm giỗ đầu cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (16.9.1923 – 23.3.2015) bằng những phát biểu đầy khó chịu trên Facebook cá nhân của con gái ông, bác sĩ Lý Vỹ Linh.

Bà Linh, 61 tuổi, cho hay bài viết của bà cho mục Ý kiến của báo The Straits Times - tờ báo lớn và uy tín nhất đảo quốc - bộc lộ thái độ không đồng tình của bà trước việc Singapore kỷ niệm ngày mất của cha bà một cách quá dài dòng và tốn kém đã bị các biên tập viên của báo này cắt hết những phần bị xem là “nhạy cảm” và kết cục là bỏ luôn không đăng.

Cáo buộc The Straits Times “tước mất của bà quyền tự do ngôn luận”, bà Linh đăng nguyên bản thảo bài viết của mình lên Facebook. Bà Linh, bác sĩ thần kinh nhi, vốn là một cây bút quen thuộc trên báo The Straits Times với những bài xã luận thể hiện ý kiến bộc trực, đôi khi thẳng thắn chỉ trích những yếu kém, bất hợp lý trong các chính sách của các chính phủ do chính cha bà và hiện là anh trai bà, Lý Hiển Long, lãnh đạo.

Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của Singapore, nắm quyền 31 năm và được xem là người có công đưa Singapore từ một hòn đảo ở Thế giới thứ 3 lên tầm các quốc gia phát triển của Thế giới thứ 1.

Du khách đi ngang một bảng tưởng niệm 1 năm ngày mất của ông Lý Quang Diệu ở Singapore ngày 22.3.2016 - Ảnh: AFP

“Vâng, kỷ niệm (một năm ngày qua đời của ông Lý Quang diệu – NV) để ghi nhớ lịch sử cũng tốt. Nhưng nếu chúng ta tôn vinh Lý Quang Diệu bằng cách nỗ lực vì Singapore và đời sống người Singapore thì sẽ tốt hơn. Mọi sự thần thánh hóa đều gây hiệu ứng ngược và có thể khiến các thế hệ tương lai của Singapore nghĩ rằng những hành động của cha tôi là nhằm mưu cầu danh tiếng cá nhân, hoặc nhằm xây dựng một triều đại riêng”, bà viết trong bài xã luận “bị đục bỏ”.

Những phát biểu liên tục của bà Linh trên Facebook nhiều ngày sau đó về vấn đề này bắt đầu tạo dư luận về một sự bất đồng giữa bà và anh trai, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, người dĩ nhiên đã “gật đầu” cho một kế hoạch kỷ niệm ngày giỗ của thân phụ kéo dài suốt 1 tuần.

Bùng nổ

Nhưng sự việc chỉ thực sự bùng nổ vào hôm nay 10.4, bằng việc bà Linh đăng trên facebook một loạt email trao đổi giữa bà và các biên tập viên báo The Straits Times về bài viết không được đăng.

Theo Channel NewsAsia, trong một email, bà Linh viết: “Tôi và HL (tức anh trai Hiển Long – NV) đã bất đồng với nhau về vấn đề nguyên tắc (trong việc kỷ niệm ngày mất của cha – NV)”, và “Hiển Long đã lạm quyền không một chút áy náy để tổ chức lễ kỷ niệm linh đình chỉ một năm sau khi Lý Quang Diệu qua đời”.

Chưa hết, bà Linh còn viết thêm: “Chúng ta nên thực tế một chút. Sự kiện tang lễ năm ngoái vô cùng sống động mà không ai có thể quên được trong vòng một năm. Nhưng nếu kẻ nắm quyền (ám chỉ anh trai bà đang giữ chức thủ tướng – NV) muốn thiết lập một triều đại của mình, thì con gái của Lý Quang Diệu sẽ không để tên tuổi của ông bị vấy bẩn bởi một người con trai thiếu trung thực”.

Thủ tướng Lý Hiển Long tại tang lễ cha mình là Lý Quang Diệu ngày 29.3.2015 - Ảnh: Reuters

Bản “cáo bạch” của bà Linh – đã được xóa ngay trong chiều nay – đã khiến Thủ tướng Lý Hiển Long “nổi đóa” và đẩy sự việc đến tình huống “vô tiền khoáng hậu”. Dùng Facebook cá nhân vốn có trên 1 triệu người “like”, vào 17 giờ 32 phút chiều nay (giờ Singapore), Thủ tướng Lý Hiển Long đã “phản pháo” lại em gái.

“Tôi vô đau buồn sâu sắc với cáo buộc của em gái mình rằng tôi đã lạm quyền để tổ chức lễ kỷ niệm giỗ đầu của ông Lý Quang Diệu nhằm thiết lập một triều đại”, Thủ tướng viết. “Các cáo buộc ấy hoàn toàn sai sự thật”, ông Lý quật lại.

Ông phân minh: “Giỗ đầu của một người là một khoảnh khắc quan trọng để nhớ về người ấy và soi xét lại người ấy đã có ý nghĩa thế nào với mình. Đối với ông Lý Quang Diệu lại càng quan trọng. Nội các đã thảo luận rất nhiều về cách thức chúng ta đánh dấu dịp này. Ý kiến của tôi là chúng ta nên để việc kỷ niệm cho các đơn vị cơ sở. Các nhóm tổ chức việc kỷ niệm theo khả năng của mình và hướng vào tương lai”.

Tuy nhiên, “Nội các nhận thấy nhiều người Singapore thật tâm mong muốn thể hiện sự kính trọng đối với ông Lý và tôn vinh những gì ông đã làm cho chúng ta. Chúng tôi đã duyệt qua các hoạt động kỷ niệm của các nhóm và thấy rằng về cơ bản là hợp lý. Các hoạt động đó thể hiện những tình cảm chân thành của người Singapore mà cá nhân tôi và những đồng nghiệp trong Nội các đánh giá cao”, Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích thêm.

Tâm thư của ông Lý Hiển Long trên Facebook

Kết lại “bức tâm thư” phản tỉnh em gái, ông Lý viết: “Ý nghĩ rằng tôi muốn thiết lập một triều đại riêng thật là vô lý. Trọng hiền tài là một giá trị nền tảng của xã hội chúng ta. Cá nhân tôi, đảng hành động Nhân dân cầm quyền hay công chúng Singapore, không một ai có thể chấp nhận ý đồ tự tung tự tác như vậy”.

Cho đến 20 giờ hôm nay 10.4, tức chỉ sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ, “bức tâm thư” của Thủ tướng Lý Hiển Long nhận được hơn 10.000 người thích (like) và hơn 1.500 chia sẻ (share).

Thục Minh - Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh em thủ tướng Singapore bất đồng vì lễ giỗ đầu thân phụ