Người phụ nữ tóc bạc trắng, đã 57 tuổi, lam lũ với công việc bán trứng vịt và chuối ở chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) vừa nhận bằng cử nhân Luật vào ngày 10-5.

Bà lão bán chuối 57 tuổi nhận bằng cử nhân Luật

Một Thế Giới | 07/06/2015, 07:14

Người phụ nữ tóc bạc trắng, đã 57 tuổi, lam lũ với công việc bán trứng vịt và chuối ở chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) vừa nhận bằng cử nhân Luật vào ngày 10-5.

Bà là Phạm Thị Kim Hoa, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt. Bà có 4 người con, lập gia đình trễ nên con trai lớn mới học năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), 3 con còn lại đang học bậc phổ thông.
Bà nguyên là giáo viên của Trường Mẫu giáo xã Thạnh Nhựt, năm 1999 do hoàn cảnh gia đình nên bà xin nghỉ dạy để chăm sóc chồng con. Sau đó bà qua nhiều nghề lao động chân tay và hiện nay buôn bán trứng vịt, chuối tại chợ Vĩnh Bình để phụ chồng nuôi con.
Bà Hoa tâm sự: “Chia tay với nghề giáo để phụ chồng nuôi 4 con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tôi tưởng mình không còn nghĩ gì đến chuyện học hành, chữ nghĩa. Năm 2007, đứa em trai (bệnh tâm thần nhẹ) vô cớ bị người ta đánh chết. 3 lần ra tòa, tôi thấy sự việc phân xử chưa “thấu tình đạt lý” nhưng do không hiểu luật, tôi không biết phải trình bày thế nào cho đúng. Nhiều đêm trăn trở, thế là tôi đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên đăng ký học lớp “Đại học Luật đào tạo từ xa” do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tiền Giang tổ chức…”.
Từ đó, ngày ngày bà Hoa mang tài liệu ra chợ vừa bán, vừa nghiên cứu, ôn tập; những đợt thi thì thức đêm học bài. Mỗi năm 6 đợt phải học tập trung, bà đã sắp xếp thời gian dậy sớm dọn hàng, gởi người thân hoặc kêu con gái ra bán giúp.
Các con bà không dám có ý kiến, nhưng chồng bà thì phản đối rất dữ.
Ông bảo: “Người ta là cán bộ Nhà nước đi học để chuẩn hóa trình độ, để nâng lương, để tiến thân…; còn bà là người dân, lại lớn tuổi thì học để làm gì cho tốn thời gian, tiền bạc và liệu có học nổi hay không?….”. Những lời nói của chồng như thúc giục bà quyết tâm hơn, ngoài bán hàng, bà tranh thủ nhặt từng cái ve chai, lon bia, chắt chiu từng đồng phụ chồng lo cho các con và lo cả học phí cho chính mình.
Với chiếc xe cũ kỹ thồ hàng, bà vượt mấy chục cây số để đến trường, mái tóc bạc trắng nổi bật giữa mấy chục mái đầu xanh. Bà đã cố gắng hết sức, vượt qua tất cả những ánh mắt nhìn thiếu khuyến khích của một số người và quý từng lời động viên của những người hiếu học.
Ngày qua ngày, đối đầu với những vất vả, lo toan cho cuộc sống gia đình, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài “đèn sách” ở bất cứ lúc nào và nơi nào thuận lợi. 4 năm quyết tâm làm theo điều ông bà ta thường dạy “có chí thì nên”, ngày 10-5 vừa qua sinh viên cao tuổi nhất lớp Phạm Thị Kim Hoa đã nhận bằng cử nhân trong khi đó còn một số sinh viên trẻ chưa được cấp bằng vì còn nợ môn học.
Bà Hoa chia sẻ: “Nếu có điều kiện tôi sẽ học thêm 6 tháng để trở thành luật sư, tâm nguyện sẽ giúp đỡ người nghèo tìm lại công bằng cho họ hoặc tư vấn luật hay giúp họ viết một lá đơn… Điều trước tiên, tôi học cho biết và hiểu luật để bản thân, gia đình mình sống và thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật”.
Theo Báo Ấp Bắc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà lão bán chuối 57 tuổi nhận bằng cử nhân Luật