Bắc Kinh đã ra mắt nền tảng điện toán công cộng để hỗ trợ sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc vào thời điểm Mỹ đang siết chặt các hạn chế xuất khẩu với các chất bán dẫn tiên tiến quan trọng để đào tạo và nâng cấp công nghệ AI.
Nền tảng điện toán công cộng AI Bắc Kinh (hay nền tảng điện toán Shangzhuang) được vận hành bởi công ty Beijing Energy Holding (BEH) do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, với mục tiêu giảm nhẹ "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về công suất tính toán" mà các tổ chức giáo dục cao cấp, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thủ đô Trung Quốc đang phải đối mặt, theo một bài đăng trên tài khoản WeChat của BEH.
Sự ra mắt nền tảng điện toán Shangzhuang hôm 27.12 đánh dấu cột mốc quan trọng trong sáng kiến tăng tốc phát triển AI của Bắc Kinh nhằm nuôi dưỡng một nhóm các nhà lãnh đạo địa phương trong ngành công nghệ. Họ là những người có nhiệm vụ xây dựng đối thủ cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI và Google Bard nhưng đang phải đối mặt với những thách thức từ việc Mỹ thắt chặt quyền tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.
Tận dụng thế mạnh của mình trong lĩnh vực năng lượng, BEH cho biết nền tảng điện toán Shangzhuang sẽ cung cấp sức mạnh tính toán 500 petaflop trong giai đoạn đầu của chương trình.
Petaflop là đơn vị đo lường công suất tính toán, thường được sử dụng để đánh giá khả năng xử lý của máy tính. Một petaflop tương đương với một triệu tỉ phép toán mỗi giây. Tên gọi petaflop được tạo ra bằng cách kết hợp tiền tố peta (đại diện cho số 1 triệu tỉ) và flop (Floating Point Operations Per Second - số phép toán dấu chấm động mỗi giây).
Do đó, khi nói rằng hệ thống máy tính có công suất 500 petaflop đồng nghĩa nó có khả năng thực hiện 500 triệu tỉ phép toán dấu chấm động mỗi giây. Đơn vị này thường được sử dụng để đo lường hiệu suất của các siêu máy tính và hệ thống tính toán cỡ lớn khác, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, AI và mô phỏng phức tạp.
Frontier, siêu máy tính mạnh nhất thế giới do Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Bộ Năng lượng Mỹ phát triển, có hiệu suất cao nhất là 1.194 pflop.
BEH đặt mục tiêu tăng sức mạnh tính toán trên nền tảng Shangzhuang của mình lên 1.500 pflop trong giai đoạn thứ hai, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2024.
Ngoài ra, BEH cũng cho biết đang tìm cách cung cấp năng lượng xanh hoàn toàn cho nền tảng điện toán của mình trong tương lai mà không xác định mốc thời gian.
Tại lễ ra mắt nền tảng Shangzhuang, BEH đã ký thỏa thuận với các hãng công nghệ Trung Quốc, gồm cả Alibaba Cloud (đơn vị điện toán đám mây của Alibaba) và công ty khởi nghiệp Zhipu AI, để hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng xanh, đám mây công cộng đến cơ sở hạ tầng điện toán và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Việc thành lập nền tảng điện toán của BEH diễn ra sau khi chính quyền Bắc Kinh cam kết cung cấp tài nguyên máy tính do nhà nước tài trợ cho các công ty AI.
Giữa tháng 5, chính quyền Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tập hợp các nguồn lực và thúc đẩy một hệ sinh thái đổi mới để củng cố vị thế của mình trong việc phát triển AI. Họ cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng hàng đầu hợp tác và tổng hợp sức mạnh tính toán của họ để các cơ sở lẫn công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh sử dụng.
Cụ thể hơn, Bắc Kinh đã triệu tập các hãng công nghệ lớn Trung Quốc, gồm cả Baidu và Alibaba, để thúc đẩy phát triển generative AI (AI tạo sinh), khi quốc gia đang đổ nguồn lực vào lĩnh vực này trong cuộc cạnh tranh công nghệ gia tăng với Mỹ.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Theo trang SCMP, Văn phòng Kinh tế và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh cùng hai cơ quan khác đã công bố "Chương trình đối tác đổi mới ngành công nghiệp generative AI", kêu gọi các đối tác tận dụng nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (nền tảng cho các công cụ generative AI như ChatGPT).
Đợt đầu tiên gồm 39 đối tác của chương trình, trong đó có Alibaba Cloud (một trong hai đối tác về sức mạnh tính toán), nhà điều hành công cụ tìm kiếm internet Baidu, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty an ninh mạng 360 Security Technology, tất cả đều ra mắt các mô hình ngôn ngữ lớn.
Ngoài sức mạnh tính toán và các mô hình lớn, các đối tác sẽ tập trung chủ yếu vào dữ liệu, ứng dụng và đầu tư. Văn phòng Kinh tế và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh cho biết các công ty khác có thể tham gia chương trình theo lời mời hoặc thông qua việc gửi đơn đăng ký của riêng họ.
Chương trình nhắm mục tiêu triển khai hơn 10 ứng dụng thương mại của mô hình ngôn ngữ lớn trong các tình huống chính mỗi năm và nuôi dưỡng nhóm các doanh nghiệp hàng đầu để hình thành “ngành công nghiệp generative AI có công nghệ tiên tiến, hỗ trợ sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế kỹ thuật số”, theo kế hoạch.
Điều này xảy ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy AI để hiện đại hóa các ngành công nghiệp đất nước.
“Đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại được hỗ trợ bởi nền kinh tế thực là rất quan trọng để chúng ta giành được thế chủ động chiến lược trong tương lai phát triển và cạnh tranh quốc tế”, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc cấp cao khác.
Vương Chí Cương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đã kêu gọi các công ty nước này nắm bắt cơ hội trong công nghệ AI và và thành lập một số khu vực nổi bật về AI trên khắp đất nước.
Theo kế hoạch của Bắc Kinh, các công ty đối tác sẽ đảm nhận nhiệm vụ nâng cao sức mạnh tính toán cho thủ đô Trung Quốc trong vòng 5 đến 10 năm tới bằng cách đẩy nhanh các dự án trọng điểm, chẳng hạn như xây dựng Trung tâm Năng lượng Tính toán Công cộng AI Bắc Kinh tại quận Hải Dương và Trung tâm Năng lượng Tính toán Kinh tế Số Bắc Kinh tại quận Triều Dương.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy những đột phá trong quy trình sản xuất chip và khuyến khích sử dụng công nghệ chiplet để thu hẹp khoảng cách trong việc chế tạo chip điện toán tiên tiến.
Chiplet cho phép một khối mạch tích hợp (IC) được kết nối với các IC khác để tạo thành chip lớn hơn và phức tạp hơn. Chiplet được một số nhà nghiên cứu Trung Quốc coi là lựa chọn để nước này tạo ra con đường của riêng mình trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực phát triển ngành công nghiệp AI của mình. Chính quyền đã công bố dự thảo chính sách mới hỗ trợ ngành công nghiệp AI của Bắc Kinh, gồm cả việc cung cấp sức mạnh tính toán do nhà nước tài trợ cho các công ty có liên quan.
Cơ quan xúc tiến công nghệ của Bắc Kinh kêu gọi các dự án nghiên cứu được trợ cấp liên quan đến AI, thực tế tăng cường và thực tế ảo, với 60 triệu nhân dân tệ (8,6 triệu USD) được dành cho tối đa 12 dự án trong hai năm.
Đầu năm nay, chính quyền Bắc Kinh cho biết thủ đô Trung Quốc là nơi đặt trụ sở của 1/3 số công ty khởi nghiệp AI cốt lõi của đất nước.