Hãng Reuters đưa tin vào ngày 19.10, các bãi biển ở Sydney (Úc) đã mở trở lại sau khi giới chức dọn sạch hàng nghìn quả cầu màu đen trôi dạt vào bờ.
Khoảng 2.000 quả - một số to bằng quả bóng gôn - trôi dạt vào bờ kể từ ngày 15.10 khiến 8 bãi biển phải tạm đóng để thực hiện hoạt động dọn dẹp quy mô lớn. Ngoài ra, còn có sự lo ngại chúng độc hại.
Theo Giám đốc Cơ quan Quản lý hàng hải bang New South Wales Mark Hutchings: “Dựa trên lời khuyên từ Cơ quan Bảo vệ môi trường, chúng tôi giờ đây có thể xác nhận rằng các quả cầu được tạo thành từ axit béo, hóa chất giống với loại dùng trong sản phẩm làm sạch và mỹ phẩm, trộn với ít dầu nhiên liệu”.
Ông cho biết thêm, vào ngày 16.10 quả cầu đen tiếp tục xuất hiện với số lượng ít hơn, không gây hại cho sức khỏe khi để trên cát, tuy nhiên mọi người không nên chạm vào.
Cơ quan Bảo vệ môi trường New South Wales (EPA) tuyên bố họ vẫn đang tiến hành kiểm nghiệm nhằm tìm ra nguồn gốc của những quả cầu bí ẩn. Có lẽ cần mất thêm vài ngày mới rút ra được kết luận. Vài giả thuyết ban đầu cho rằng đây là kết quả của quá trình xả thải công nghiệp, hoặc một con tàu nào đó trên biển vô tình giải phóng chất ô nhiễm.
Theo giới chuyên gia môi trường, dù được xác định không gây hại cho sức khỏe nhưng quả cầu đen bí ẩn vẫn tác động đến môi trường nếu phân hủy ngoài đại dương. Axit béo cùng hóa chất có thể phá vỡ hệ sinh thái biển, ảnh hưởng quá trình ăn uống và sinh sản của sinh vật biển, thậm chí xâm nhập chuỗi thức ăn.
Vài tổ chức bảo vệ môi trường kêu gọi EPA cùng lực lượng chức năng tiến hành điều tra thêm đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình, đảm bảo tình trạng tương tự không lặp lại.
Các bãi biển ở Sydney nổi tiếng thế giới với bãi cát vàng cùng làn nước xanh trong vắt, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Du lịch đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương và loạt hoạt động liên quan đến bãi biển (dịch vụ dạy lướt sóng, quán cà phê ngắm cảnh hay cửa tiệm cho thuê) là nguồn thu của nhiều cơ sở làm ăn trên địa bàn. Vụ việc mới nhất có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế người dân. Việc đóng cửa dù tạm thời các bãi biển chắc chắn khiến lượng khách sụt giảm và gây ra thiệt hại. Bên cạnh đó, bất cứ nguy cơ ô nhiễm nào cũng sẽ khiến uy tín ngành du lịch Sydney bị sụt giảm mạnh, kéo theo đó là sụt giảm doanh thu dài hạn.