Tờ Guardian của Anh vừa có bài viết nói về khả năng một số trong hàng trăm tù binh vừa đầu hàng tại Mariupol có thể bị xử tử hình.
Theo Guardian, bất kỳ động thái nào của Nga nhằm truy tố và có thể là xử tử một số trong hàng trăm chiến binh Ukraine đã đầu hàng (nói theo cách của Ukraine là "kết thúc nhiệm vụ chiến đấu") ở Mariupol có thể vi phạm các công ước Geneva, trong đó quy định rằng các tù nhân chiến tranh không bị trừng phạt vì đã tham gia cuộc chiến.
Bộ trưởng các lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh, James Heappey đã nói với đài phát thanh LBC rằng: “Tôi nghĩ rằng đã có đủ tội ác trong cuộc chiến này mà không cần chứng kiến thêm cảnh hành quyết hoặc bất cứ điều gì đối với các tù nhân chiến tranh, điều mà tôi sợ đây chỉ là khúc dạo đầu. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta phải rất rõ ràng, phương tây sẽ cực kỳ lên án sự tàn bạo. Tù nhân chiến tranh có một địa vị được ghi trong công ước Geneva".
Trong số những người kêu gọi truy tố những chiến binh đã “sơ tán” khỏi nhà máy thép Azovstal ngổn ngang ở Mariupol có thủ lĩnh phe ly khai Donetsk thân Nga Denis Pushilin. Hôm 18.5, ông Pushilin cho biết tòa án sẽ quyết định số phận của tù binh.
Công ước Geneva bao gồm bốn hiệp ước và ba nghị định thư thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về đối xử nhân đạo trong các cuộc chiến tranh. Thuật ngữ công ước Geneva thường đề cập đến các hiệp định được đàm phán vào năm 1949 sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Công ước năm 1949 nói rằng tù nhân không bị truy tố vì tham gia trực tiếp vào các hành động thù địch, và nói rõ rằng việc giam giữ sau khi bị bắt không được coi là một hình thức trừng phạt mà chỉ là một biện pháp để ngăn cản việc tham gia lại vào cuộc xung đột.
Ngoại lệ được phép duy nhất là lực lượng giam giữ có thể truy tố tù nhân vì những tội ác chiến tranh có thể xảy ra. Đây chính là một trong những biện minh mà Nga tuyên bố cho cuộc tiến quân vào Ukraine là: các thành viên của trung đoàn Azov ở Mariupol phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh.
Ngay từ đầu trong trận chiến giành thành phố cảng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố: “Chính những tên Quốc xã thuộc trung đoàn Azov này đã tiêu diệt dân thường ở các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk, một cách có chủ ý và với sự tàn ác đặc biệt, trong tám năm”.
Mối quan tâm về số phận của các binh sĩ Ukraine đã được đặt ra sau khi các quan chức Nga đe dọa coi họ là "những kẻ khủng bố" hơn là chiến binh.
Mặc dù người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã hứa rằng các chiến binh đầu hàng sẽ được đối xử "theo các tiêu chuẩn quốc tế", nhưng tuyên bố từ các quan chức Nga khác lại phản ánh thái độ ngược lại.
Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia, cho biết trong một bài phát biểu hôm 18.5, đề cập đến đề nghị trao đổi tù nhân của Ukraine như sau: “Đất nước chúng ta đối xử nhân đạo với những người đầu hàng hoặc bị bắt. Nhưng đối với bọn Quốc xã, lập trường của chúng ta không nên thay đổi: đây là những tội phạm chiến tranh và chúng ta phải làm mọi cách để chúng hầu tòa”.
Bộ Tư pháp Nga vào 17.5 đã gửi lên tòa án tối cao tuyên bố trung đoàn Azov là một tổ chức khủng bố, có thể gây ra một rào cản khác cho một cuộc trao đổi tù binh.
Trung đoàn Azov là một phần quan trọng trong cách giải thích của Nga về cuộc chiến ở Ukraine, vốn ban đầu được đưa ra với mục tiêu được cho là "phi phát xít hóa". Trung đoàn này được thành lập vào năm 2014 với tư cách là một lực lượng dân quân tình nguyện để chống lại các lực lượng do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, và nhiều thành viên ban đầu của nó có quan điểm cực đoan. Kể từ đó, đơn vị này đã được tích hợp vào lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine trong các chỉ huy của lực lượng này khoe họ đã rời xa nguồn gốc cực hữu ban đầu.
Cả hai bên trong cuộc xung đột đã bị cáo buộc vi phạm các công ước Geneva trong việc đối xử với tù nhân. Matilda Bogner, người đứng đầu phái bộ giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraine, cho biết có “thông tin đáng tin cậy” về việc Ukraine ngược đãi tù nhân.
Bogner cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin đáng tin cậy về việc tra tấn, đối xử tệ bạc và giam giữ phi nhân đạo của các lực lượng vũ trang Ukraine đối với các tù nhân chiến tranh thuộc lực lượng vũ trang Nga và các nhóm vũ trang liên quan. Các binh sĩ “bị ép buộc phải tuyên bố, xin lỗi và thú nhận, và phải chịu các hình thức sỉ nhục khác”.