Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí toàn cầu đã tăng đến 8% trong 5 năm qua.
Mới đây, WHO đã công bố số liệu về tình trạng ô nhiễm không khí của hơn 3.000 thành phố trên thế giới, theo đó, ô nhiễm không khí toàn cầu đã tăng 8% trong 5 năm qua và khiến hàng tỷ người phải sống trong môi trường ô nhiễm này.
Cũng theo số liệu này, chỉ số các hạt trôi nổi đường kính bé hơn 2.5 micromet, hay còn gọi là PM 2,5, cao nhất là tại Ấn Độ. Nước này có đến 16 thành phố góp mặt trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong khi Trung Quốc, quốc gia luôn gặp phải vấn đề này, lại đang cải thiện tình hình và chỉ có 5 thành phố nằm trong 30 thành phố ô nhiễm nhất.
Số liệu của WHO cũng chỉ ra rằng, thành phố ô nhiễm nhất thế giới chính là Onitsha, một thành phố cảng đang phát triển mạnh mẽ tại Nigeria, với chỉ số hạt trôi nổi đường kính bé hơn 10 micromet (PM 10) lên đến 600 microgram trên mỗi mét khối, nhiều gấp 20 lần mức an toàn do WHO đưa ra.
Tại thành phố của các nước phát triển, chỉ số ô nhiễm không khí thấp hơn nhiều. Sydney, New York và London có chỉ số PM 10 lần lượt là 17,16 và 22.
Theo đánh giá của tiến sĩ Maria Neira, giám đốc phụ trách sức khỏe công của WHO, “tình trạng ô nhiễm không khí tại thành thị đang tăng với tốc độ đáng báo động và tàn phá sức khỏe con người. Đây là vấn đề nghiêm trọng và sẽ gây ra những thiệt hại trong tương lai mà chúng ta đang phải đối mặt”.
“Cái giá mà các nước phải trả là rất lớn. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến nền kinh tế lẫn chất lượng cuộc sống của người dân. Nó gây ra các căn bệnh mãn tính cũng như gây tử vong”, tiến sĩ Neira cho biết thêm.
TheoThe Guardian, ô nhiễm không khí khiến 3 triệu người chết mỗi năm, nhiều hơn số ca tử vong do bệnh sốt rét và HIV/AIDS, và là nguyên nhân gây tử vong số 1 thế giới. Nếu như dân cư đô thị ngày càng tăng và số xe hơi toàn thế giới đạt 2 tỷ chiếc vào năm 2050, thì số người chết do ô nhiễm không khí mỗi năm sẽ là 6 triệu người.
Liên Hợp Quốc cho biết, các chất gây ô nhiễm như nitrate, sulphateshay carbon đen khi xâm nhập vào phổi và hệ thống tim mạch sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Theo bà Flavia Bustreo, trợ lý tổng giám đốc WHO, “khi chất lượng không khí tại thành thị suy giảm, nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, các bệnh hô hấp cấp tính như hen suyễn sẽ tăng lên. Những người bị tổn thương chính là cư dân thành thị, trong đó trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người nghèo sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất”.
Tuy nhiên, may mắn là đã có nhiều thành phố đã nhận ra và đang giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Theo WHO, đã có hơn một nửa số thành phố của các nước phát triển và 1/3 số thành phố thuộc các nước đang phát triển cũng như kém phát triển đã giảm được 5% mức độ ô nhiễm của mình trong 5 năm qua. New Delhi, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đã tiến hành cấm xe hơi động cơ diesel chạy vào trung tâm thành phố.
Theo một cơ sở dữ liệu của Liên Hợp Quốc, những đô thị sạch nhất thế giới thường là những đô thị nhỏ, thịnh vượng và nằm cách xa các trung tâm công nghiệp. Muonio (Phần Lan) chính là thành phố có chất lượng không khí tốt nhất thế giới với chỉ số PM 2,5 chỉ là 2 microgram trên mỗi mét khối, theo sau là Norman Wells (Canada), Campisábalos (Tây Ban Nha), Converse County (bang Wyoming, Mỹ).
Tiến sĩ Carlos Dora, điều phối viên của Chương trình Môi trường trong lành (Healthy Environment programme), đã lên tiếng kêu gọi chính quyền các đô thị và quốc gia nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Theo ông Dora, “tăng chất lượng không khí tại các thành phố nên là vấn đề được chính phủ các nơi ưu tiên. Khi chất lượng không khí được cải thiện, chi phí chi cho y tế sẽ giảm đi, năng suất lao động cũng như tuổi thọ người dân sẽ tăng. Giảm ô nhiễm không khí cũng có tác động tốt đến khí hậu toàn cầu”.
Cẩm Bình (theo The Guardian)
Ảnh: New Delhi là một trong những thành phố ô nhiễm không khí lớn nhất thế giới