Một tuần ở quê mẹ, tôi ngẩn ngơ với tiềm năng du lịch. Từ bề dày lịch sử, chiều rộng cảnh quan, chiều cao văn hóa và con người. Từ các di tích, đình, đền, chùa đến phong tục, ẩm thực và trò chơi dân gian. Chỉ cách Hà Nội 130km, du lịch Hưng Hà gần như chưa có gì. Ở nhà người quen thì quá chật. Ở nhà nghỉ thì tuyềnh toàng, bí rị. Lâu nay toàn khách phượt, vội đến, vội đi.

Bao giờ du lịch Hưng Hà?

08/03/2020, 10:35

Một tuần ở quê mẹ, tôi ngẩn ngơ với tiềm năng du lịch. Từ bề dày lịch sử, chiều rộng cảnh quan, chiều cao văn hóa và con người. Từ các di tích, đình, đền, chùa đến phong tục, ẩm thực và trò chơi dân gian. Chỉ cách Hà Nội 130km, du lịch Hưng Hà gần như chưa có gì. Ở nhà người quen thì quá chật. Ở nhà nghỉ thì tuyềnh toàng, bí rị. Lâu nay toàn khách phượt, vội đến, vội đi.

Đền thờ Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ

Bố tôi dân Bình Thuận, 10 tuổi, đã thoát ly làm thiếu sinh quân cảm tử. 20 tuổi, tập kết ra Bắc, làm công nhân. Hồ sơ thi đại học bị loại vì chẳng có miếng bằng phổ thông nào lận lưng, chỉ tự học. Ông gởi thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh cầu cứu, được đặc cách dự thi, đỗ cao, rồi qua Nga du học ngành cơ khi thủy lợi, về dạy học. Trong lần giao lưu văn nghệ với trường công nhân, bố gặp mẹ và nên duyên.

Mẹ quê làng Ốc, xã Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình; sinh vào năm lụt lớn, nên gọi là bé Lụt. Mẹ Vân, trùng tên với bố, nghĩa là mây. Mây hay lang thang nên 1976, mây vợ theo mây chồng vào Sài Gòn, về Bình Thuận từ 1980. Mãi tới 2016, tôi mới lần đầu về thăm quê Mẹ.

Con đường làng Ốc

Làng Ốc xưa và nay

Khi theo anh họ ra ruộng, chỉ một loáng là thùng đầy ốc, tôi cứ ngỡ làng Ốc vì có nhiều ốc. Anh bảo, làng xưa có tên Phú Ốc, nghĩa là “Nhà giàu”, gọi gọn thành làng Ốc, một trong tám thôn của xã Thái Hưng.

Làng nhỏ nhưng đình khá lớn, sắc sảo; xây từ thời Lê, tu sửa mấy lần, còn giữ 5 sắc phong; nóc đình ghi “Tự Đức 29” (1876). Đình hướng Đông, trước có mương nước, cửa sau thông ra cầu ao; hậu cung thâm nghiêm với hai sàn gỗ lim chắc chắn. Các trang trí mái, nóc, hoành phi, câu đối, đố đầu rồng, nền và hiên còn nguyên gạch cũ, mái đình cong của kiến trúc xưa.

Đình làng Phú Ốc

Theo sử liệu, ba thôn Phú Ốc, Tống Xuyên và Chiềng xưa, là nơi những quan Lang từ miền núi về. Thần tích thôn Tống Xuyên kể “xưa có vị thần bay ngang, thấy vùng đất quá đẹp, đã giáng xuống và dạy dân ba làng Chiềng, Tống, Phú Ốc nghề dạy học và bốc thuốc. Làng thuần nông, một số hộ có thêm nghề dệt.

Hưng Hà, vùng đất hào kiệt

Vùng đất cổ Hưng Hà, đã sản sinh nhiều danh nhân, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc; trong đó có 3 nữ kiệt lẫy lừng.

Xã Đoan Hùng, có đền Tiên La, thờ Bát Nàn Vũ Thị Thục (Trinh Nương 17 - 43), văn võ song toàn. Bị Tô Định giết cha và chồng, ép làm vợ lẻ, bà dấy binh khởi nghĩa cùng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Xã Tân Lễ có “Nữ học sĩ linh từ” (Đền thiêng Nữ học sĩ), thờ Nguyễn Thị Lộ (? - 1442). Bà nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi thơ văn của làng chiếu Hải Triều; là “Lê triều Lễ nghi học sĩ, Nữ lưu đệ nhất công thần”. Xã Canh Tân có đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (? – 1259), mẹ vua Lý Chiêu Hoàng. Bà đã làm cực tốt việc di tản hoàng gia khỏi kinh thành, thu gom nông cụ rèn đúc vũ khí, góp sức cùng Thái sư Trần Thủ Độ và quân dân Đại Việt, làm nên chiến thắng Nguyên Mông oanh liệt (1258).

Đền Tiên La

Hưng Hà là nơi nhà Trần (1225 - 1400) khởi nghiệp, xây Hoàng thành, làm tôn miếu, dựng lăng tẩm. Xã Hồng Minh, từng là cứ địa kháng chiến của Lý Nam Đế (Lý Bôn 503 - 548) và Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục 524 - 571). Xã Canh Tân có Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264); Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung và hai anh em Thái phó Lưu Khánh Đàm, Thái úy Lưu Khánh Ba (nhà Lý). Xã Độc Lập có Tiến sỹ Lê Phú Thứ (1693 - 1783) và con trưởng là Bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Xã Tân Lễ có Tam nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 - 1531), Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Xã Hòa Tiến có Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai (1692 - 1767). Xã Văn Cẩm có chí sỹ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929)...

Đền thờ nhà bác học Lê Quí Đôn

Hưng Hà có 667 di tích lịch sử văn hóa, trong đó khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần là di tích quốc gia đặc biệt; có 26 di tích di tích quốc gia; 89 di tích tỉnh; 138 đình, gần 170 đền, chùa; trên 30 phủ, đường; 25 lăng, văn chỉ… và hàng trăm lễ hội. Ấn tượng nhất là 8 Cụm di tích lịch sử văn hóa gồm - Đền Cổ Trai, đình Thọ Phú (xã Hồng Minh) - Lăng, mộ cụ Lê Phú Thứ và đền thờ Lê Quý Đôn (xã Độc Lập) - Nhà Trần và Hành cung Long Hưng gồm lăng, mộ, đền thờ các vua Trần (xã Tiến Đức) - Các đình đền, lăng thờ Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp) - Đền thờ Phạm Đôn Lễ và Đền thờ Nguyễn Thị Lộ (xã Tân Lễ) - Các đình, đền, miếu làng Riệc (xã Tân Hòa) - Từ đường Nguyễn Tông Quai và đình, chùa Hú (xã Hòa Tiến) - Đền thờ và di tích Vũ Thị Thục (xã Đoan Hùng và Tân Tiến).

Hưng Hà còn lưu giữ nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Thi cỗ cá, tế cá, kéo lửa nấu cơm cần, vật lầu, thả diều, đánh gậy, chọi gà, đi cầu kiều, chơi đu, pháo đất, bắt vịt, vật võ, cờ biển, cờ người, gói bánh chưng... Huyện có 53 làng và 4 xã nghề; gồm 20 làng dệt khăn, 21 làng dệt chiếu, 5 làng mây tre đan, 3 làng bún bánh, 2 làng mộc, 2 làng làm hương với giá trị sản xuất hàng ngàn tỉ. Huyện dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa với những cánh đồng xanh mát hữu cơ, đan xen những vườn cây trái đặc sản như nhãn, cam đường, bưởi, cây cảnh…

Bao giờ du lịch Hưng Hà?

Một tuần ở quê mẹ, tôi ngẩn ngơ với tiềm năng du lịch. Từ bề dày lịch sử, chiều rộng cảnh quan, chiều cao văn hóa và con người. Từ các di tích, đình, đền, chùa đến phong tục, ẩm thực và trò chơi dân gian. Chỉ cách Hà Nội 130km, du lịch Hưng Hà gần như chưa có gì. Ở nhà người quen thì quá chật. Ở nhà nghỉ thì tuyềnh toàng, bí rị. Lâu nay toàn khách phượt, vội đến, vội đi.

Hưng Hà ba mặt giáp sông Hồng, cùng hai phân lưu là sông Luộc và sông Trà Lý với mạng lưới các sông nhỏ và kênh rạch đến tận nhiều xã. Nếu biết cách làm, du lịch đường thủy từ Hà Nội và các tỉnh phụ cận về Hưng Hà sẽ là điểm nhấn độc đáo. Trong khi chờ những khách sạn có sao; các làng xã nông thôn mới, có thể làm du lịch cộng đồng theo chuẩn quốc gia. Làm du lịch là làm làm kinh tế, không phải phong trào kiểu lễ hội, lấy số lượng để báo cáo.

Chịu khó học hỏi kinh nghiệm các homestay Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình); A Chu (Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La); Xuân Diện (Hợp Thành, TP Lào Cai)…Những điển hình nghèo khó vươn lên, làm giàu chính đáng, được Tổng cục Du lịch Việt Nam tuyên dương; các nhà học thuật quốc tế đánh giá là sáng tạo, hiệu quả và đề nghị nhân rộng.

Những homestay thoáng đãng, chân quê, sạch đẹp, tiện nghị cạnh những di tích lịch sử, bờ sông, giữa các làng nghề hay đồng lúa, vườn cây sẽ từng bước đưa Hưng Hà vào bản đồ du lịch Việt Nam. Tôi mong có ngày mời bạn bè, cả trong và ngoài nước, về quê mẹ Hưng Hà ở hẳn vài tuần, tha hồ trải nghiệm mảnh đất hào kiệt và các vùng phụ cận với những khám phá bất ngờ, kỳ thú.

Rất nhiều việc phải làm. Tiền, nhân lực, giao thông không phải là chuyện khó. Khó nhất là thay đổi cách nghĩ về du lịch, đoạn tuyệt với tư duy cũ, dám phá cách và làm mới, bắt đầu từ lãnh đạo cho đến từng người dân.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ du lịch Hưng Hà?