Với hai triển lãm chuyên về cà phê, Bảo tàng Thế giới Cà phê trở thành điểm đến đặc biệt cùng mục tiêu đón 50.000 lượt khách tham quan trong Lễ hội Cà phê năm 2023.

Bảo tàng Thế giới Cà phê – điểm đến đặc biệt của Lễ hội Cà phê năm 2023

T.N.L | 09/03/2023, 17:32

Với hai triển lãm chuyên về cà phê, Bảo tàng Thế giới Cà phê trở thành điểm đến đặc biệt cùng mục tiêu đón 50.000 lượt khách tham quan trong Lễ hội Cà phê năm 2023.

Triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới”

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Trung Nguyên Legend là đơn vị tài trợ đặc biệt, phối hợp với ban tổ chức thực hiện nhiều hoạt động chính như: Lễ hội đường phố; triển lãm chuyên đề: “Lịch sử cà phê thế giới”; triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới”... Theo đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê – biểu tượng của ngành cà phê Việt Nam được tỉnh Đắk Lắk chọn là điểm đến đặc biệt để tổ chức hai triển lãm về cà phê và chính thức khai mạc vào sáng ngày 09.3.2023.

le-khai-mac-trien-lam-chuyen-de-ve-ca-phe-tai-bao-tang-the-gioi-ca-phe-thu-hut-hang-tram-khach-tham-du.jpg

Lễ khai mạc triển lãm chuyên đề về cà phê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê thu hút hàng trăm khách tham dự

Là tập đoàn cà phê số 1 Việt Nam, Trung Nguyên Legend đã dành thời gian 27 năm tâm huyết, nỗ lực nghiên cứu lịch sử cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để tư duy lại một cách căn bản, toàn diện cà phê thế giới và đúc kết trong các bài khảo luận “Cà Phê Triết Đạo” đã được công bố rộng rãi đến cộng đồng hơn 4 năm liên tục, từ 2019. Khi nghiên cứu về lịch sử, cội nguồn, văn hóa cà phê trên khắp thế giới, Trung Nguyên Legend nhận thấy: cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia và phát triển, hình thành nền văn minh cà phê Ottoman (phương Đông) rồi du nhập và phát triển bởi phương Tây tạo nên nền văn minh cà phê Roman. Từ đây, người phương Tây lại mang cà phê trở về phương Đông trồng trọt, tạo ra những vùng nguyên liệu rộng lớn, cung ứng cho nhân loại một thức uống năng lượng không thể thiếu trong đời sống. Sự dịch chuyển, phát triển, rồi quay về ấy có thể đúc kết rằng: cà phê đã sinh ra, phát triển như một vòng tuần hoàn từ Đông sang Tây rồi lại quay trở về nguồn cội, tìm kiếm văn minh phương Đông. Nếu nhân loại đã coi phương Tây là văn minh đỉnh cao cần học hỏi, nhưng các nhà khoa học, các học giả hàng đầu lại đang tìm đến những quan niệm, phong thái sống, các giá trị, ý nghĩa về đời sống Đông phương bị lãng quên, hoặc đã không có trong văn hóa, đời sống Tây phương. Và trong hoàn cảnh nào, cà phê cũng xuất hiện trong hành trình tìm kiếm đó…

hinh-1-du-khach-co-the-tim-hieu-vanh-dai-ca-phe-khong-gian-trien-lam-ben-ngoai-bao-tang-the-gioi-ca-phe.jpg

Du khách có thể tìm hiểu “vành đai cà phê” – không gian triển lãm bên ngoài Bảo tàng Thế giới Cà phê

Dựa trên những khảo luận của “Cà phê triết đạo”, nội dung triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới” được Bảo tàng Thế giới Cà phê xây dựng với ba nội dung chính, xuyên suốt hơn 12 thế kỷ của ngành cà phê thế giới và Việt Nam gồm: Văn minh cà phê Ottoman, Văn minh cà phê Roman, Văn minh cà phê Thiền cùng thông điệp “cả vũ trụ trong một tách cà phê”. Điểm đặc biệt của triển lãm là có hai khu vực trưng bày: trong lòng Bảo tàng Thế giới Cà phê và khuôn viên ngoài trời, giúp tất cả du khách tới Buôn Ma Thuột đều có thể tham quan miễn phí.

“Ở không gian trưng bày triển lãm ngoài trời “vành đai cà phê”, tôi được tìm hiểu về 51 quốc gia, vùng lãnh thổ, là các quốc gia dọc theo đường xích đạo, có điều kiện thổ nhưỡng giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển, trong đó có Việt Nam. Nội dung trên các biển thông tin dễ theo dõi, thú vị, đa dạng như: lịch sử và quá trình phát triển ngành cà phê, sản lượng cà phê trồng được, loại cà phê nổi tiếng, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng cũng như giá trị ngành cà phê đóng góp cho từng nền kinh tế.... thuộc mỗi quốc gia ấy; còn không gian trưng bày triển lãm trong lòng Bảo tàng Thế giới Cà phê thì vô cùng sáng tạo, độc đáo, khéo léo kết hợp giữa nội dung, hiện vật,... giúp mỗi khu vực trưng bày trở thành một không gian nghệ thuật!” – Chị Phạm Hải An, du khách đến từ Nha Trang chia sẻ.

Đưa cà phê Việt Nam trở thành di sản văn hóa thế giới

Với lịch sử hơn 12 thế kỷ, cà phê đi sâu vào đời sống trở thành văn hóa của nhiều vùng đất, nhiều quốc gia và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, được UNESCO công nhận như: cà phê Vienna (Áo), Cảnh quan văn hóa cà phê Colombia, Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ (hay còn gọi là cà phê Ottoman), Nghi thức cà phê Ả Rập... Di sản văn hóa cà phê đã góp phần thu hút hàng triệu du khách tới tham quan, trải nghiệm tại các quốc gia này, thúc đẩy du lịch phát triển và tạo giá trị toàn chuỗi ngành cà phê tăng trưởng hàng tỉ đô la mỗi năm. Ví dụ, riêng tại Áo, vào năm 2019 đã đón gần 32 triệu lượt khách quốc tế trong đó di sản phi vật thể “cà phê Vienna” đóng góp một phần quan trọng trong trải nghiệm văn hóa của du khách. Tại Italia, người Ý cũng đang trong tiến trình đưa cà phê Espresso trở thành di sản văn hóa nhân loại...

trung-nguyen-legend-da-khoi-xuong-cung-buon-ma-thuot-dua-ca-phe-viet-nam-tro-thanh-di-san-van-hoa-the-gioi.jpg

Trung Nguyên Legend đã khởi xướng, cùng Buôn Ma Thuột đưa cà phê Việt Nam trở thành di sản văn hoá thế giới

Không chỉ đồng hành trong các dịp Lễ hội Cà phê, Trung Nguyên Legend còn là đơn vị đồng hành trong Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Theo đó, tập đoàn cà phê hàng đầu Việt Nam tiếp tục khởi xướng, cùng Buôn Ma Thuột nỗ lực đưa Cà phê Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tại khuôn khổ Lễ hội cà phê lần 8 năm 2023, Trung Nguyên Legend phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Cà phê tỉnh Đắk Lắk, hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới”, với mong muốn tôn vinh ngành cà phê cũng như văn hóa thưởng thức cà phê phin, cà phê sữa đá của người Việt trong hành trình kiến tạo một di sản văn hóa thế giới.

Ban khám khảo cuộc thi đã chọn được 76 tác phẩm để tổ chức triển lãm, từ hơn 1.100 tác phẩm dự thi của hơn 170 tác giả, đến từ hơn 30 tỉnh thành cả nước. Trong lễ khai mạc hai triển lãm, Bà H’yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói: “Triển lãm ảnh nghệ thuật ‘Cà phê Việt Nam - Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới’ bên cạnh Triển lãm chuyên đề ‘Lịch sử cà phê thế giới’ đã thể hiện được mục tiêu nâng tầm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên toàn cầu, xây dựng văn hóa cà phê, cũng như khẳng định vị thế của thành phố Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới”; còn ông Phạm Bình - tác giả đạt giải trong cuộc thi ảnh nghệ thuật chia sẻ: “Sau khi tham quan không gian trưng bày triển lãm “Lịch sử cà phê thế giới” và triển lãm ảnh nghệ thuật tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, tôi nhận thấy Trung Nguyên Legend đang giúp cà phê Việt Nam không chỉ là thức uống, ẩm thực mà còn trở thành văn hóa, nghệ thuật và các thế hệ trẻ có thể tìm về lịch sử, cội nguồn ngành cà phê trong các nội dung triển lãm”.

du-khach-thich-thu-voi-bo-suu-tap-tem-lich-su-ca-phe-tai-bao-tang-the-gioi-ca-phe.jpg

Du khách thích thú với bộ sưu tập tem “Lịch sử cà phê” tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Ngoài hai triển lãm, Bảo tàng Thế giới Cà phê cũng ra mắt bộ sưu tập tem, bưu ảnh với chủ đề “Lịch sử cà phê” do nhà sưu tập Đống Lương Sơn trao tặng. Với mục tiêu cùng Buôn Ma Thuột đón 50.000 lượt du khách trong dịp Lễ hội Cà phê lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10-14.3.2023, Bảo tàng Thế giới Cà phê triển khai rất nhiều các hoạt động thú vị, giúp du khách được trải nghiệm văn hóa bản địa và thế giới như: Lễ hội Té nước của người dân tộc Lào; Lễ cưới của người Ê-đê; Lễ hội hóa trang của người K’Ho, Học đánh cồng chiêng với người bản địa, workshop pha chế cà phê theo 3 văn minh cà phê: Thiền – Roman – Ottoman;… cùng hàng loạt chương trình ưu đãi như: Tặng 2.000 vé tham quan triển lãm; Tặng 1.000 ly cà phê tại không gian Thế giới Cà phê Trung Nguyên Legend (Thành phố Cà phê); Ưu đãi tới 30% khi mua vé “Hành trình trải nghiệm và khám phá Thành phố Cà phê”;...

Ngay trong ngày đầu khai mạc triển lãm chuyên đề: “Lịch sử cà phê thế giới” và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới” đã có hơn 5.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm và hàng nghìn lượt theo dõi trên các nền tảng trực tuyến. Theo thông tin từ Bảo tàng Thế giới Cà phê, thời gian của hai triển lãm này sẽ kéo dài tới tháng 5.2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tàng Thế giới Cà phê – điểm đến đặc biệt của Lễ hội Cà phê năm 2023