Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức phân tích có trụ sở tại London (Anh), gồm các thành viên là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh, mới đưa ra một báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc có thể bị kiện theo luật quốc tế vì COVID-19 đã gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD về kinh tế và hơn 69.000 người thiệt mạng trên toàn cầu.

Báo Úc: Trung Quốc có thể bị kiện 6,5 nghìn tỉ USD liên quan đến COVID-19

06/04/2020, 15:09

Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức phân tích có trụ sở tại London (Anh), gồm các thành viên là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh, mới đưa ra một báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc có thể bị kiện theo luật quốc tế vì COVID-19 đã gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD về kinh tế và hơn 69.000 người thiệt mạng trên toàn cầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình cùng một số quan chức cấp cao Trung Quốc cúi đầu mặc niệm các nạn nhân của đại dịch COVID-19 hôm 4.4 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Báo cáo cho biết thiệt hại ước tính ít nhất khoảng 6,5 nghìn tỉ USD mà các quốc gia phát triển thuộc nhóm G-7 đã chi để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như giảm tác động đến nền kinh tế.

Các chuyên gia trong Hiệp hội Henry Jackson nói rằng Trung Quốc có thể bị kiện thông qua 10 con đường pháp lý, gồm cả Quy định y tế quốc tế, vốn đã được tăng cường kể từ sau khi dịch SARS xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2003, Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Trọng tài thường trực, Tổ chức Thương mại thế giới, các hiệp ước đầu tư song phương và thậm chí là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

“Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác vào thời điểm sớm, sự lây nhiễm sẽ không vượt qua khỏi biên giới Trung Quốc. Trung Quốc chỉ báo cáo tình hình cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 31.12.2019 nhưng lại cho biết không có bằng chứng lây truyền từ người sang người”, báo cáo cho hay.

Trung Quốc đã không làm đúng trách nhiệm của mình, khiến bác sĩ Lý Văn Lượng cùng 8 bác sĩ khác bị khiển trách và phạt vì đã cảnh báo sớm cho mọi người về căn bệnh viêm phổi lây lan từ người sang người. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trước đó cũng đã trích dẫn các tài liệu của chính phủ Trung Quốc xác định gần 200 trường hợp nhiễm coronavirus vào ngày 27.12 năm ngoái.

Quy định y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu cho thế giới liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng của bất kỳ mầm bệnh nào có khả năng truyền nhiễm quy mô lớn.

Hiệp hội Henry Jackson nhận định Trung Quốc đã làm điều ngược lại, bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ tìm cách nói lên sự thật. Tổ chức phân tích của Anh cũng kêu gọi các nước liên minh lại để khởi động hành động chung nhằm lên án phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước một đại dịch đang khiến thế giới chao đảo.

"Hành động sẽ đòi hỏi cả sự can đảm và sự đoàn kết toàn cầu. Trong phản ứng sớm của mình, TP.Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã vi phạm Quy định về sức khỏe quốc tế ... và trách nhiệm thuộc về cấp quản lý cao nhất – chính quyền trung ương. Nhiều khả năng phản ứng của Bắc Kinh đối với COVID-19 đã vi phạm luật pháp quốc tế", báo cáo của Hiệp hội Henry Jackson nêu rõ.

Ngoài ra, đồng tác giả báo cáo Matthew Henderson cho biết người dân Trung Quốc cũng là nạn nhân của sự bất cẩn của chính quyền. "Họ là những nạn nhân vô tội, như phần còn lại của chúng ta. Đây là lỗi của chính quyền. Bắc Kinh đã không học được bài học nào từ thất bại trong đại dịch SARS. Những sai lầm nghiêm trọng cộng theo sự che đậy thông tin ban đầu, đã gây ra những hậu quả nguy hiểm”, ông Henderson nói.

Chuyên gia Henderson khẳng định "Bằng cách tính toán chi phí thiệt hại cho các nền kinh tế tiên tiến và tập hợp một loạt các quy trình pháp lý có thể có, chúng tôi đưa ra kết luận rằng thế giới có thể tìm cách bù đắp cho tác hại kinh khủng mà dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc đã gây ra”.

Đã có nhiều cáo buộc của phương Tây về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc COVID-19 bùng phát khắp thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần phản bác cáo buộc này khi cho biết chúng không có căn cứ và mang ác ý.

Hoàng Vũ (theo SMH)

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Úc: Trung Quốc có thể bị kiện 6,5 nghìn tỉ USD liên quan đến COVID-19