Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý được công bố gần đây.

Bất ngờ với kháng thể trong sữa bà mẹ khỏi COVID-19, khả năng bảo vệ của vắc xin mRNA ở người suy giảm miễn dịch

Sơn Vân | 04/11/2021, 08:07

Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý được công bố gần đây.

Kháng thể trong sữa của người mẹ khỏi COVID-19 mang lợi ích bất ngờ cho trẻ em

Các kháng thể được truyền từ người mẹ khỏi bệnh COVID-19 sang trẻ sơ sinh đang bú mang lại nhiều lợi ích hơn cho em bé so với những gì mà các nhà nghiên cứu mong đợi, theo một báo cáo được công bố trên tạp chí JAMA Network Open.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 21 đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ từng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn mang thai và sinh nở. Hai tháng sau, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy kháng thể IgG với vi rút SARS-CoV-2 do cơ thể người mẹ tạo ra để đáp ứng với sự lây nhiễm, đã được truyền từ sữa mẹ vào máu trẻ sơ sinh, dẫn đến cái gọi là miễn dịch thụ động.

Thế nhưng một loại phân tử miễn dịch khác trong sữa mẹ là kháng thể IgA, đã kích thích khả năng miễn dịch tích cực ở trẻ sơ sinh, kích hoạt hệ thống miễn dịch của chúng tạo ra kháng thể IgA của chính mình, theo phát hiện từ các nhà nghiên cứu.

So với trẻ bú sữa công thức, trẻ bú sữa mẹ khỏi COVID-19 có lượng kháng thể IgA tự sản xuất cao với vi rút trong tuyến nước bọt của chúng.

Tiến sĩ Rita Carsetti của Bệnh viện Bệnh viện Bambino Gesu Children và Tiến sĩ Gianluca Terrin ở Đại học Sapienza (cả hai đều ở Rome, Ý) cho biết trong một email: “Lần đầu tiên chúng tôi đã chứng minh rằng người mẹ cũng có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch tích cực của trẻ sơ sinh thông qua việc chuyển các phân tử miễn dịch trong sữa mẹ để tạo ra các kháng thể ở tuyến nước bọt”. Họ đang thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để xem liệu các kháng thể do vắc xin tạo ra trong sữa mẹ có gây ra tác dụng tương tự hay không.

khang-the-trong-sua-nguoi-me-khoi-covid-19.jpg
Các chai sữa mẹ được vắt ra trên lồng ấp của một trẻ sinh non trong Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt Sơ sinh tại Trung tâm Phụ nữ và Trẻ sơ sinh Lancashire, Bệnh viện Đa khoa Burnley, Anh - Ảnh: Reuters

Khả năng bảo vệ của vắc xin mRNA khác nhau ở những người suy giảm miễn dịch

Trong số những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, một số người nhận được ít lợi ích hơn người khác từ vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA. Dữ liệu mới giúp làm rõ sự khác biệt và ủng hộ nhu cầu tiêm thêm liều vắc xin tăng cường.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu khoảng 20.000 người lớn bị suy giảm miễn dịch, 53% trong số đó đã được tiêm vắc xin đầy đủ, và gần 70.000 người có hệ miễn dịch bình thường (đủ năng lực miễn dịch), 43% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ.

Nhìn chung, hiệu quả của vắc xin chống lại việc nhập viện vì COVID-19 là 90% ở nhóm có đủ năng lực miễn dịch. Tỷ lệ này giảm xuống còn 77% ở những người có tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch, bất kể tuổi tác. Hiệu quả dao động từ 59% ở những người được ghép tạng, những người dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch), 74% ở bệnh nhân ung thư máu đến 81% ở những người bị bệnh thấp khớp hoặc các rối loạn viêm như viêm khớp dạng thấp, các nhà nghiên cứu đã thông báo trong Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Theo thống kê, vắc xin của Pfizer - BioNTech và Moderna có hiệu quả tương tự nhau, Peter Embi, Giám đốc điều hành của Viện Regenstrief ở thành phố Indianapolis (Mỹ) cho biết.

Ông nói: “Nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ các khuyến nghị của CDC rằng hai liều vắc xin mRNA là không đủ. Những người có hệ thống miễn dịch bị ức chế đã tiêm vắc xin mRNA nên tiêm liều ba của một trong hai loại vắc xin, rồi tiêm nhắc lại 6 tháng sau đó".

Cầu thủ bóng đá ở Mỹ ít khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên sân

Một nghiên cứu mới cho thấy các cầu thủ bóng đá ở Mỹ không truyền vi rút SARS-CoV-2 cho nhau trên sân. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập bởi Liên đoàn Đông Nam, nơi sử dụng một hệ thống điện tử từ xa để nắm bắt các giai đoạn tiếp xúc trên thực địa.

Tất cả các vận động viên trong hội nghị đều được xét nghiệm COVID-19 ít nhất ba lần một tuần và những người có kết quả dương tính trong vòng 48 giờ sau một trận đấu được theo dõi về khả năng phơi nhiễm cùng các tương tác tiếp theo trong 14 ngày.

Trong khoảng thời gian từ ngày 26.9 đến ngày 19.12.2020, 1.190 cầu thủ bóng đá đại học có gần 110.000 tương tác với đối phương ở 64 trận đấu mùa giải thông thường.

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên tạp chí JAMA Network Open rằng không có cầu thủ nào lây vi rút SARS-CoV-2 sau khi tương tác với một đối thủ có kết quả dương tính trong vòng 48 giờ kể từ khi trận đấu diễn ra.

Rebecca Fischer thuộc Trường Y tế Công cộng Đại học Texas A&M, người đã thực hiện nghiên cứu, cho biết: “Điều này không nhất thiết phải ngoại suy cho các môn thể thao khác, nhưng chỉ cho chúng ta rằng các chiến lược hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn việc lây truyền bệnh. Với các môn thể thao như bóng rổ, được chơi trên một sân nhỏ hơn (trong nhà), chúng ta có thể không thấy những điều tương tự".

Nghiên cứu không đề cập đến những gì xảy ra trong phòng thay đồ và cơ sở tập luyện, những nơi được biết là có nguy cơ cao hơn, bà Rebecca Fischer nói thêm.

Bài liên quan
‘Tôi lo sợ xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 tránh được vắc xin và miễn dịch tự nhiên’
Khi biến thể Delta giảm bớt tàn phá ở nhiều khu vực trên thế giới, các nhà khoa học đang lập biểu đồ khi nào và ở đâu, COVID-19 sẽ chuyển sang giai đoạn dịch bệnh đặc hữu vào năm 2022 và hơn thế nữa, theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với hơn 12 chuyên gia hàng đầu về bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất ngờ với kháng thể trong sữa bà mẹ khỏi COVID-19, khả năng bảo vệ của vắc xin mRNA ở người suy giảm miễn dịch