Giá SQUID - loại tiền điện tử lấy cảm hứng từ series phim Squid Game trên Netflix từng tăng vọt 75.000% khi nhiều người đầu tư, nhưng hiện các liên kết đến trang web và phương tiện truyền thông xã hội của nó đã biến mất. Điều này cho thấy đó là trò lừa đảo.
Những ngày gần đây, các báo cáo chồng chất từ những người mua nói rằng họ không thể bán đồng token SQUID để thu lợi nhuận trên sàn giao dịch PancakeSwap. PancakeSwap là sàn giao dịch duy nhất người dùng có thể thực hiện việc đầu tư SQUID.
"Càng nhiều người tham gia, phần thưởng sẽ càng lớn", tài liệu phát hành SQUID cho biết. Dự án thanh minh rằng đang hạn chế mọi người bán SQUID như một biện pháp "chống bán phá giá”.
CoinMarketCap (trang web được tham khảo nhiều nhất để theo dõi giá về các loại tiền điện tử trên thế giới) cho biết họ đã nhận được nhiều báo cáo rằng các trang web và phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến SQUID không còn hoạt động. Trang Insider đã xác nhận giao dịch không còn có thể thực hiện được trên PancakeSwap, vốn đã bị nhà cung cấp dữ liệu tiền điện tử gắn cờ.
Theo thông báo chính thức từ dự án SQUID, đồng token này là loại tiền điện tử có thể sử dụng trong dự án game Play-to-earn lấy cảm hứng từ series phim Squid Game đình đám của Hàn Quốc mà người tham gia các trò có thể kết thúc bằng giàu có hoặc cái chết.
SQUID đã tăng giá chóng mặt từ khoảng 0,01 USD hôm 27.10 để giao dịch quanh mức 38 USD vào 31.10, theo dữ liệu của CoinMarketCap. Sau đó, nó tăng giá lên khoảng 90 USD vào đầu ngày 1.11 rồi tăng vọt lên trên 2.861 USD, trước khi giảm xuống 0,003467 USD lúc 10 giờ sáng nay theo giờ miền Đông nước Mỹ.
"Vụ lừa đảo đã hoàn thành chu kỳ của nó và giá vừa giảm đáng kể", Bobby Ong, đồng sáng lập CoinGecko (một trong những công cụ tổng hợp dữ liệu tiền mã hóa lớn nhất và sớm nhất, hoạt động từ đầu năm 2014), nói với trang Insider.
Bobby Ong cho biết thêm: “Trang web và các tài khoản mạng xã hội bị xóa là dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy đó là một trò lừa đảo”.
Nhiều người đã chia sẻ những nghi ngờ của họ trên Twitter rằng SQUID là trò lừa đảo. Họ đưa ra một số lý do, bao gồm việc không ai biết người sáng lập dự án là ai, có những bình luận giả mạo ủng hộ Elon Musk và có đề cập đến CoinGecko với tư cách là đối tác, điều bị công ty phủ nhận.
Bobby Ong nhấn mạnh rằng CoinGecko không phải là đối tác của SQUID như đã đề cập trên trang web của họ: "Điều này chắc chắn không đúng và chúng tôi không phải là đối tác cũng như không liên quan với Squid Game".
Không thể liên hệ với các nhà cung cấp đồng token SQUID và PancakeSwap để nhận bình luận.
Trước đó, người dùng Twitter phát hiện danh tính nhóm sáng lập SQUID cực kỳ mờ ám. Nhóm này thậm chí còn không có tài khoản trên mạng xã hội LinkedIn. Thông thường, hồ sơ trên LinkedIn cho phép các nhà đầu tư có thể soi được lí lịch của nhóm phát triển, từ đó đánh giá mức độ uy tín của dự án. Không những thế, nhóm đứng sau SQUID còn chặn các bình luận trên Twitter.
"Pull Rug 100%", một người dùng Twitter khẳng định. Trong thị trường tiền điện tử, Rug Pull là thuật ngữ đề cập đến hành động rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn. Hành động này thường xảy ra trên các nền tảng phi tập trung khi token nào đó bị rút hết thanh khoản và không còn giá trị để trao đổi, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư đã mua token trước đó.
Một số nhà đầu tư cũng chỉ ra các vấn đề trong sách trắng của SQUID, bao gồm sai ngữ pháp, lỗi chính tả và các tuyên bố "không thể xác minh". Theo trang web kiểm tra độ uy tín website phổ biến Scamadviser, trang web của SQUID được xếp vào dạng đáng ngờ, với điểm tin cậy là 45 trên 100.
Bản thân Netflix cũng khẳng định mình không liên quan tới SQUID và yêu cầu người dùng cần tuyệt đối cẩn thận khi đầu tư vào đồng token này.