Đa số bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh, các tạng đều trở lại như ban đầu. Vì thế việc hiến tạng đối với những bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh cũng giống như bao người bình thường khác.
Đến nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã kéo dài gần 2 năm, với hơn 1 triệu người mắc bệnh, trong đó có gần 1 triệu người đã khỏi bệnh. Vậy những người mắc COVID-19 khỏi bệnh này, các cơ quan chức năng của cơ thể có trở lại bình thường không? Đây là câu hỏi mà nhiều người, trong đó có cả những bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, đang rất phân vân.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng những bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh thì gần như không ảnh hưởng gì đến các tạng sau này. “Ngay cả những trường hợp mắc COVID-19 nặng phải lọc máu, hoặc chạy ECMO, sau khi khỏi bệnh cũng chưa chắc tạng có bị ảnh hưởng hay không”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho biết, các nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh gần như các tạng trở lại bình thường. Với người mắc COVID-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là phổi, nhưng khi khỏi bệnh thì phổi cũng hồi phục trở lại bình thường. Trường hợp những bệnh nhân nhiễm SASR-CoV-2 nặng phải sử dụng quá nhiều thuốc, thiếu máu nuôi… có thể bị ảnh hưởng đến chức năng của các tạng, như bệnh mạn tính, khi đó tạng mới không trở lại bình thường như ban đầu.
“Nhiễm SARS-CoV-2 cũng giống như các bệnh nhiễm trùng cấp. Những trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh gần như tạng trở lại như ban đầu, chỉ những trường hợp bị suy đa cơ quan nhiều quá mới có thể tổn thương tạng khiến bệnh nhân bị bệnh mạn tính. Tuy nhiên, điều này không chỉ riêng bệnh COVID-19 mà các bệnh khác, khi mắc bệnh, nếu bị nặng, suy đa cơ quan nặng có thể gây ra các bệnh mạn tính sau này thì lúc đó tạng mới không trở lại như ban đầu”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Theo GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam (VSOT), trong điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định: bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người mắc COVID-19 cũng không nằm ngoài quy định đó. Tuy nhiên, tạng đó có đủ điều kiện để hiến cho người khác hay không thì phải kiểm tra, mà điều này không chỉ có người mắc COVID-19 mà cả những người không mắc COVID-19 cũng vậy.
“Thông thường tạng của những bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đều bình thường, không có vấn đề gì, chỉ trừ những trường hợp có di chứng. Với người mắc COVID-19 muốn hiến tạng phải sau 3 tháng khỏi bệnh. Khi đó, các bác sĩ phải thử tạng, nếu thấy bình thường thì sẽ cho làm, không có vấn đề gì cả”, bác sĩ Sinh chia sẻ.
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng đơn vị Điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh, nếu không bị các di chứng để lại thì sau 3 đến 6 tháng có thể hiến tạng bình thường. “Khi khỏi bệnh COVID-19, nếu bệnh nhân không bị di chứng về phổi, thận, gan… thì những người này cũng như những người bình thường khác. Vi rút SARS-CoV-2, cũng giống như vi rút cảm cúm, khi hết bệnh thì trở lại bình thường, không có gì đặc biệt”, bác sĩ Thu khẳng định và cho biết trong trường hợp bệnh nhân bị di chứng do hậu COVID-19, chẳng hạn bệnh nhân bị di chứng về gan, phổi, thận… thì những cơ quan bị di chứng này sẽ không thể hiến được.
Theo bác sĩ Thu, hiện trên thế giới nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh đã được hiến tạng để ghép cho những người khác. Trong năm 2020 thế giới đã có hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 hiến tạng, bởi vì bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh thì cũng như bao người bình thường khác.