Mùa đông năm ngoái từng chứng kiến cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt khiến hệ thống bệnh viện nhiều quốc gia bị quá tải. Một mùa đông nữa lại đến, nhưng nay lớp bảo vệ bằng vắc xin đã được thiết lập.
Tại Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 sau vài tuần giảm dần thì dường như vừa quay tăng trở lại. Tình hình dịch ở châu Âu thời gian gần đây xấu đến nỗi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo lục địa già có thể trở thành tâm dịch toàn cầu một lần nữa.
Liệu xu hướng số ca nhiễm COVID-19 tăng vào mùa đông có phải là điều không thể tránh khỏi hay không? Người dân cần chuẩn bị gì để bảo vệ bản thân và gia đình trong thời điểm này của năm?
Theo Giáo sư Leana Wen thuộc Trường Y tế công Milken, Đại học George Washington, bài học lớn rút ra từ đại dịch là tương lai rất khó lường và chủ yếu tùy thuộc vào chính những hành động của chúng ta hiện tại.
Bà không giấu giếm nỗi lo lắng trước hàng loạt yếu tố bất lợi: biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn, số ca nhiễm lại gia tăng, kinh nghiệm từ mùa đông năm trước cho thấy thời tiết lạnh hơn thì mọi người ở trong nhà nhiều hơn nên làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh, lễ hội cuối năm tạo điều kiện cho mọi người tụ họp trong môi trường kín.
Tuy nhiên, Giáo sư Wen cũng chỉ ra rằng không như năm ngoái, nay ta có vắc xin tạo nên một lớp bảo vệ cũng như nhiều công cụ phòng chống dịch khác (chẳng hạn xét nghiệm). Vì vậy con người sẽ không cam chịu chứng kiến tình trạng số ca nhiễm tăng đột biến vào mùa đông, mà có thể ngăn chặn dịch bệnh.
Giáo sư Wen kêu gọi người đủ điều kiện tiêm chủng thì nên tiêm vắc xin COVID-19, kể cả trẻ 5-11 tuổi (Mỹ vừa cho phép) lẫn người cần tiêm mũi tăng cường. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy miễn dịch trước COVID-19 suy giảm theo thời gian và tiêm tăng cường giúp giảm nguy cơ nhiễm đột phá (tiêm đủ 2 mũi và đủ 14 ngày tạo miễn dịch tối ưu nhưng vẫn mắc bệnh) cũng như giảm khả năng lây lan cho người khác.
Bảo vệ bản thân trước các loại bệnh khác cũng quan trọng không kém. Giáo sư Wen khuyên trước tiên hãy tiêm phòng cúm mùa, có thể tiêm cùng lúc với vắc xin COVID-19, như vậy giúp ngăn nguy cơ dịch chồng dịch. Ngoài ra cả trẻ em lẫn người lớn cũng nên đi khám sức khỏe nhằm tìm ra và giải quyết vấn đề sức khỏe của mình.
Sức khỏe tinh thần cũng nên được chú ý. Đại dịch COVID-19 là thách thức lớn đối với nhiều người, sức khỏe tinh thần thời đại dịch trước đây không được quan tâm đúng mức. Đây là lúc phải cải thiện, tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần.
Về đồ dùng cần thiết, Giáo sư Wen khuyên các gia đình nên có một bộ trang thiết bị cùng thuốc dùng cho trường hợp chăm sóc người bệnh, gồm nhiệt kế, thuốc hạ sốt (acetaminophen và ibuprofen), dung dịch bù nước (chẳng hạn như Pedialyte). Đảm bảo ít nhất mỗi thành viên trong gia đình có ít nhất 5 khẩu trang chất lượng cao N95, KN95, KF94 để dùng ở nơi đông đúc, môi trường trong nhà.
Các gia đình cũng nên mua sẵn xét nghiệm nhanh COVID-19, mỗi thành viên có 1-2 bộ xét nghiệm sử dụng. Đây là thiết bị hữu ích nếu ai đó xuất hiện triệu chứng đáng ngờ, cũng như giúp sàng lọc trước lúc gặp gỡ người thân bạn bè.
Các nước triển khai đối phó COVID-19 vào mùa đông
Hà Lan và Úc đã phải tái áp dụng phong tỏa một phần. Một số quốc gia khác tránh làm vậy vì e ngại thiệt hại kinh tế quá lớn, họ chỉ ban hành thêm vài hạn chế và tăng cường kiểm soát bằng thẻ/giấy chứng nhận COVID-19 (đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm vắc xin).
Tại Bỉ, quy định bắt buộc tại nhà và đeo khẩu trang trong môi trường trong nhà được khôi phục. Ireland áp đặt giờ giới nghiêm với quán rượu cùng câu lạc bộ đêm.
Tại Đức, chính phủ liên bang cùng chính quyền 16 bang đang cùng xem xét một bộ quy định phòng dịch áp dụng cho cả nước nhằm đối phó đợt sóng dịch thứ 4. Bộ quy định có tên ngắn gọn là 2G, mang ý nghĩa mọi địa điểm (hàng quán, bảo tàng, rạp chiếu phim…) chỉ chấp nhận người đã khỏi bệnh và đã tiêm chủng dự kiến sẽ thay thế bộ quy định 3G chấp nhận thêm người chưa tiêm chủng có kết quả xét nghiệm âm tính.
Trên thực tế, một vài địa phương ở Đức đã áp dụng 2G từ lâu.
Vài ẩn số của đại dịch vào mùa đông
Đầu tiên phải kể đến mức độ miễn dịch nhờ tiêm chủng lẫn bị mắc bệnh nhưng hồi phục. Đây là yếu tố quan trọng giúp xác định “độ bền” của lớp bảo vệ miễn dịch trước COVID-19, nhưng lại rất khó có được câu trả lời chính xác.
Khả năng miễn dịch ở mỗi người là khác nhau, qua thời gian cũng suy giảm ở mức độ khác nhau. Nếu mức độ miễn dịch cao, mọi người có thể vượt qua mùa đông một cách nhẹ nhàng.
Nguy cơ xuất hiện biến thể vi rút mới đang hiển hiện. Cuối năm 2020, lần lượt biến thể Delta và Alpha được ghi nhận, khả năng lây lan của vi rút tăng gấp đôi sau 1 năm. Vi rút chắc chắn tiếp tục biến đổi, nhà sinh vật học Sarah Cobey thuộc Đại học Chicago khẳng định hướng tiến hóa sẽ là tìm cách thoát khỏi miễn dịch.
Một điểm cần lưu ý nữa: vi rút không tự di chuyển bằng máy bay, tự lái xe đi nhiều nơi, tự tham gia lễ hội. Sự lây lan đều do con người thực hiện và đây là yếu tố khó đoán gây khó khăn cho nỗ lực xây dựng mô hình dự đoán đại dịch.