Trèo cây vô tình bị té gây gãy xương đùi, bé trai 6 tuổi người Campuchia bất ngờ bi suy thận cấp phải chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bị té cây, bé trai 6 tuổi suy thận cấp nguy kịch

Hồ Quang | 16/05/2017, 14:54

Trèo cây vô tình bị té gây gãy xương đùi, bé trai 6 tuổi người Campuchia bất ngờ bi suy thận cấp phải chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bé trai trên là Sok ly hua (6 tuổi, người Campuchia) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng phù toàn thân, són tiểu, khó thở, cao huyết áp, đùi phải được cố định ngoài, sưng nề, sưng vùng da vùng đỉnh thái dương phải, bầm máu sau tai phải.

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn – Trưởng khoa hồi sức ngoại (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho hay qua khai thác bệnh sử cho thấy trước đó bé leo cây bị té ngã và được chuyển đến một bệnh viện ởPhnom Penh(Campuchia). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé trai này bị gãy xương đùi phải, chèn ép khoang, chấn thương vùng đỉnh thái dương. Bệnh nhân được bác sĩ rạch giải áp chèn ép khoang cẳng chân phải và cố định xương đùi phải. Tuy nhiên sau 3 ngày điều trị, bé trai này bất ngờ bị phù toàn thân, bí tiểu gia đình xin chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ Tuấn cho rằng nguyên nhân khiến bệnh nhân bị suy thận cấp gây phù nề và bí tiểu là do bị hủy cơ. Việc hủy cơ này xuất phát từ chèn ép khoang chân phải. Mặc dù trước đó, bệnh viện ở Campuchia đã rạch giải áp chèn ép nhưng quá trễ.

“Bệnh viện ở Campuchia đã giải áp chèn ép bằng một đường rạch dài khoảng 20cm ở 2 bên cẳng chân phải để bung ra không bị chèn ép, nhưng việc làm này hơi trễ. Ở vùng chèn ép khoang chân phải giống như một đòn bánh tét bó lại khiến máu không đến nuôi các hệ thống cơ bắp, bệnh nhân xuất hiện tình trạng hủy cơ dẫn đến tắc nghẽn ống thận, gây suy thận cấp”, bác sĩ Tuấn giải thích.

Trước tình trạng trên, bác sĩ Tuấn cho biết các bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục để duy trì tính mạng của bệnh nhân. Song song với đó là tiêm kháng sinh để điều trị vết thương ở đùi phải.

“Liên tục lọc máu, tiêm kháng sinh đến khoảng ngày thứ 15 bệnh nhân đã bắt đầu đi tiểu được. Và đến ngày hôm nay (16.5) bệnh nhân đã gần như thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Hiện bệnh nhân đi tiểu được khoảng 700- 800ml/ ngày. Riêng chất Creatinin (chất gây suy thận) lúc mới nhập viện lên đến hơn 500 U/L ( bình thường dưới 60 U/L) đã xuống còn hơn 100 U/L. Nếu không có gì thay đổi, khoảng 1 vài ngày nữa chức năng thận của bé ổn định, bệnh nhân sẽ chuyển đến khoa chấn thương chỉnh hình tiếp tục điều trị xương đùi”, bác sĩ Tuấn cho hay.

Việc gãy xương gây chèn ép khoang dẫn đến hủy cơ và suy thận theo bác sĩ Tuấn đây là trường hợp đầu tiên mà ông gặp trong gần 20 năm qua.

Theo bác sĩ Tuấn để lọc máu xử lý tình trạng suy thận cấp ở bệnh nhân này là một điều cực kỳ khó. Bởi bệnh nhân này ngoài suy thận cấp còn bị gãy xương đùi với vết thương khá lớn. Trong quá trình lọc máu phải sử dụng thuốc chống đông để máu chảy qua màng lọc nhưng điều này lại vô hình trung gây chảy máu ở vết thương của bệnh nhân.

Do đó trong trường hợp này, nếu dùng một lượng lớn chất chống đông sẽ gây chảy máu ở vết thương, còn nếu sử dụng ít sẽ gây đông màng làm hư màng. Do đó các bác sĩ phải làm sao để cân bằng trong vấn đề này.

“Thường bệnh nhân bị chấn thương, có vết thương phải chống chỉ định lọc máu nhưng với bệnh nhân này nếu không lọc máu thì tử vong. Việc gãy xương gây chèn ép khoang dẫn đến hủy cơ gây suy thận cấp là trường hợp đầu tiên mà tôi gặp trong suốt gần 20 năm làm việc ở đây”, bác sĩ Tuấn cho hay.

Theo thạc sĩ bác sĩ Lê Bích Liên - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 trong thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân người Campuchia tự đến điều trị. Phần lớn các bệnh nhân đều không biết tiếng Việt, bệnh nặng và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có nhiều trường hợp, bệnh viện không liên lạc được với thông dịch viên nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông tin, hướng dẫn cho người bệnh.

“Những bệnh nhân người Campuchia không có bảo hiểm y tế lại có hoàn cảnh khó khăn nên để có kinh phí điều trị chúng tôi phải giao cho phòng công tác xã hội lo vận động, tìm nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân để giúp đỡ bệnh nhân vượt qua hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo”, bác sĩ Liên chia sẻ.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị té cây, bé trai 6 tuổi suy thận cấp nguy kịch