Theo MedicalXpress, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã tạo ra các tế bào biến đổi gien của hệ miễn dịch (T-lymphocyte) có khả năng giết chết tế bào ung thư trong các khối u não.
Các nhà khoa học tin rằng họ đã tạo ra một phương pháp hiệu quả để điều trị glioblastoma - một dạng ung thư nguy hiểm của hệ thần kinh trung ương.
Trong quá trình làm việc, các nhà khoa học đã phát hiện ra một mục tiêu mới ở cấp phân tử trên bề mặt của các tế bào ung thư, được gọi là CSPG4. Đó là proteoglycan tham gia ngay từ đầu vào việc làm lây lan các tế bào ung thư u ác tính qua màng nền của nội mô. Hóa ra protein phức tạp đó có trong 67% các khối u và được sản sinh bởi các tế bào mầm khởi phát bệnh ung thư.
Trong thử nghiệm, họ đã trích xuất các tế bào miễn dịch T (T-lymphocyte) khỏi cơ thể của chuột, chúng được biến đổi để mang chất thụ thể kháng nguyên chimer (chimeric antigen receptor T cell-CAR). Thụ thể này là một protein lai bao gồm một đoạn có khả năng gắn kết với CSPG4 của kháng thể và một phần peptide kích hoạt tế bào bạch huyết lymphocyte.
Hóa ra cả trong mẻ nuôi cấy các tế bào ung thư cũng như trong cơ thể của chuột, các tế bào miễn dịch T đã biến đổi tiêu diệt thành công các tế bào glioblastoma có CSPG4, trong khi các tế bào bạch huyết lymphocyte bình thường không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Science Translational Medicine và có kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng trên những bệnh nhân ung thư não ác tính tiến triển.
Vũ Trung Hương