Ngày càng có nhiều người tiêm vắc xin COVID-19 nhưng điều đó không có nghĩa thế giới đã thoát khỏi nguy hiểm, do vẫn có những biến thể vi rút thoát miễn dịch.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Nature cuối tháng 2 chỉ ra rằng vắc xin của Moderna và của Pfizer kém hiệu quả hơn đối với biến thể B.1.351 phát hiện tại Nam Phi. Lượng kháng thể sản sinh ở người được chủng ngừa không đủ để tiêu diệt vi rút.
B.1.351 chỉ là một trong 3 biến thể đáng lo ngại nhất thời gian qua, bên cạnh B.1.1.7 phát hiện tại Anh và P.1 tại Brazil. Cả ba đều sở hữu đột biến trên tế bào gai khiến chúng dễ lây lan hơn.
Đã có 94 quốc gia ghi nhận B.1.1.7, thứ biến thể không chỉ dễ lây hơn từ 50 - 70% mà còn làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh. B.1.351 cùng P.1 cũng xuất hiện ở 48 quốc gia, trong đó 26 quốc gia chưa có bằng chứng cho thấy 2 biến thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Theo kết quả nhiều nghiên cứu thì các vắc xin lưu hành hiện nay đều hiệu nghiệm với B.1.1.7 như với chủng vi rút ban đầu, nhưng kém hiệu quả hơn với 2 biến thể sau. Có khả năng chúng mang đột biến ngăn cản việc tạo kháng thể.
Không những vậy, B.1.351 cùng P.1 còn tăng cường khả năng liên kết chặt chẽ hơn với tế bào người.
Cả Moderna và Pfizer đều tuyên bố có kế hoạch phát triển và thử nghiệm tiêm thêm mũi để đối phó B.1.351, nghĩa là người đã được chủng ngừa vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể này hoặc P.1 cho đến lúc tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên vắc xin vẫn cung cấp sự bảo vệ nhất định, tổng số ca nhiễm sẽ ít đi.
Giới chuyên gia cũng nhắc nhở bất kể là biến thể nào đi nữa thì chúng vẫn lây lan như chủng ban đầu, cần đeo khẩu trang và việc giữ khoảng cách an toàn tiếp tục là biện pháp hữu hiệu.