Chất lượng sản phẩm và những chiêu trò về giá đang khiến Ngày hội mua sắm - Black Friday trở nên kém mặn mà đối với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đã bớt "mặn mà"
Black Friday hay còn gọi là ngày thứ 6 đen, được xem là Ngày hội mua sắm lớn nhất toàn cầu. Ngày này thường được tính vào ngày thứ 6 của tuần thứ 4 trong tháng 11. Năm nay, Black Friday vào ngày 27.11.
Tại Việt Nam, Black Friday là chương trình không chỉ giảm giá trong vòng 1 ngày mà có thể kéo dài tới cả tuần. Vào dịp này, hầu hết các ngành nghề đều giảm giá từ cửa hàng thời trang, giày dép đến điện máy, mỹ phẩm với những lời chào mời như: mua 1 tặng 1, khuyến mại khủng, giảm giá kịch sàn...
Theo ghi nhận của PV trên các tuyến đường ở Hà Nội như: Kim Mã, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Chùa Láng, Cầu Giấy... nhiều nơi đã treo biển giảm giá, khuyến mại ồ ạt.
Các mặt hàng quần áo, Mỹ phẩm... đều giảm giá mạnh, có những nơi giảm 50%, 70%... thậm chí là 90%, mua 1 tặng 1, xả hàng toàn bộ cửa hàng hoặc là đồng giá sản phẩm chỉ từ 29k, 49k... Đáng nói là mặc dù cuối tuần này là Black Friday nhưng nhiều cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... vẫn vắng khách.
Chị Vân - chủ một cửa hàng quần áo trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết mặc dù đã treo biển giảm giá tới 80% hai ngày hôm nay nhưng vẫn vắng khách. Nếu như ngày này năm ngoái, cửa hàng chị rất đông khách, thậm chí phải thuê thêm nhân viên vì một mình chị bán không xuể thì năm nay, có những ngày chờ mãi không một bóng khách vào.
"Năm nay kinh tế buồn vì bệnh dịch nên nhiều người cũng không mặn mà chuyện mua sắm. Năm ngoái tôi chỉ treo biển giảm 50% mà khách đã mua ầm ầm. Năm nay biết được tình hình khó khăn nên tôi đã giảm tới 80% mà vẫn không có khách", chị Vân than thở.
Cùng cảnh ngộ với chị Vân, nhiều chủ cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... khác cũng cho biết năm nay dự đoán sức mua của khách hàng giảm 30-40%. Để tiết kiệm chi phí, nhiều cửa hàng mở online nhưng lượng khách vẫn giảm khoảng 20-30%.
Ở khía cạnh người bán hàng thì cho rằng năm nay kinh tế sa sút nên người mua không mặn mà, còn với người tiêu dùng thì sao? Trao đổi với PV, chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, sở dĩ người tiêu dùng trở nên ít quan tâm với Black Friday hơn là vì chất lượng sản phẩm được bày bán những ngày này quá kém.
"Năm ngoái, mình mua một chiếc túi xách có giá gốc hơn 1 triệu đồng, tuy nhiên được giảm tới 50% nhân ngày Black Friday nên còn hơn 500.000 đồng. Mình dùng được hơn 1 tuần thì bục chỉ. Không chỉ vậy, đồ gia dụng chất lượng cũng kém, quảng cáo mua 1 tặng 1, quảng cáo chiên không dầu, chống dính... nhưng mua về cũng không dùng được", chị Lan Anh kể.
Bạn Trà My (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng Black Friday giờ là thời điểm để xả hàng tồn, hàng lỗi mốt. Những sản phẩm kém chất lượng được bán ra bằng cách để chỗ trưng bày hàng mới, nhiều sản phẩm được tăng giá lên rồi lại giảm giá. Vì vậy nên người tiêu dùng không mua được sản phẩm chất lượng mà được giảm giá đúng nghĩa.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, kinh nghiệm mua sắm những ngày này là những sản phẩm giảm tới 80, 90% đều là hàng lưu kho, lỗi mốt. Bởi vì nếu hàng mới, chất lượng tốt thì chỉ được các cửa hàng giảm kịch sàn là 20%.
Sàn thương mại điện tử cũng "chạy đua"
Bên cạnh những cửa hàng online và offline thì các sàn thương mại điện tử cũng bùng nổ quảng cáo Black Friday. Người tiêu dùng có thể chọn sản phẩm yêu thích, đặt hàng và thanh toán với mức giảm giá giao hàng rất thu hút. Hiện nay, hình thức này đang được nhiều người ưa chuộng vì không mất thời gian chen lấn, chờ đợi.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn thất vọng với sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử vì hàng trao đến tận tay nhưng chất lượng và mẫu mã không được như quảng cáo.
Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019, mua sắm quần áo chiếm 24%; hàng cá nhân 21%, hàng điện tử 18%... Tuy nhiên, thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng lậu xuất hiện tràn lan trên kênh bán hàng này đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sàn thương mại điện tử.
Năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cho biết đã kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2020 đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ tổng số gần 223.600 gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.
Vấn đề hàng giả, hàng nhái hiện đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, thậm chí đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung cũng như niềm tin của người tiêu dùng.