Các nữ giáo viên Trung Quốc phản đối việc ưu cầu có nhiều nam giáo viên của Bộ Giáo dục TQ sợ nam học sinh "ẻo lả", nhút nhát khi trưởng thành.

Bộ Giáo dục TQ sợ nam học sinh “ẻo lả”, cần thầy hơn cô

Một Thế Giới | 08/02/2016, 16:23

Các nữ giáo viên Trung Quốc phản đối việc ưu cầu có nhiều nam giáo viên của Bộ Giáo dục TQ sợ nam học sinh "ẻo lả", nhút nhát khi trưởng thành.

Trung Quốc cần có những "người đàn ông đích thực"
Bộ Giáo dục TQ sợ nam học sinh "ẻo lả", nên họ cố gắng đưa các giá trị truyền thống của nam giới vào trường học, để dạy cho nam học sinh, theo báo New York Times.
Trong các tiết giảng dạy, Lâm Vĩ, giáo viên nam chuyên phụ trách dạy lớp 6 tại một trường trung học, thường kể cho học sinh nghe câu chuyện về những vị nam tướng anh hùng, hay những nam chiến sĩ đánh bại phát xít Nhật.

“Đàn ông chúng ta có những nghĩa vụ đặc biệt. Chúng ta phải dũng cảm, biết bảo vệ nữ giới và chịu trách nhiệm với những hành động sai trái của mình”, Lâm thường kết thúc những câu chuyện với bài học này.

Lo lắng việc số lượng giáo viên nam ít ỏi, sẽ tạo ra một thế hệ nam giới Trung Quốc nhút nhát và nhu nhược, các nhà giáo dục nước này đã phải hành động để nam học sinh nước này trở nên “nam tính” hơn.

Tại các trường học ở Trịnh Châu (Hà Nam), nam sinh buộc phải ký cam kết sẽ cư xử như những “người đàn ông đích thực”; ở Thượng Hải, nhiều trường đã mở các lớp học dành riêng cho nam sinh như võ thuật, sửa máy tính, vật lý.
Tại Hàng Châu, một trại hè dạy taekwondo đã được mở với khẩu hiệu “đánh thức người đàn ông trong các cậu bé”.
Một quyết định khiến ngành giáo dục bị chê là trọng nam khinh nữ
Ngoài các hoạt động trên, các trường học còn ráo riết tuyển dụng giáo viên nam vào dạy ở trường mình, như là một trong những cách “cứu vãn sự nam tính”.
Tuy nhiên, điều này lại làm dấy lên nhiều tranh cãi về bình đẳng giới và bản sắc xã hội.
Quan điểm cho rằng việc dư thừa giáo viên nữ đã khiến cho nam giới Trung Quốc bớt nam tính hơn, ngay lập tức đã bị phản ứng dữ dội.
Nhiều phụ huynh đã cáo buộc các trường học đang tuyên truyền các khái niệm cứng nhắc về sự nam tính, còn các giáo viên nữ cũng lên án nạn phân biệt giới tính khi giáo viên nam được hưởng quá nhiều đặc quyền.

Tuyết Dung Phương, nữ sinh viên của ĐH sư phạm Phúc Kiến, rất bức xúc khi tại sao nữ giới khi tham gia vào các lĩnh vực - vốn được xem là thuộc về nam giới - lại không được hưởng các đãi ngộ tương tự.

“Nếu phụ nữ chúng tôi thi đậu vào ngành kiến trúc thì có phải chính phủ cũng nên miễn học phí cho chúng tôi không? Tại sao chỉ có nam giới được hưởng đãi ngộ này?”, Tuyết cho biết.

Giáo viên tại nhiều trường học cũng cho biết, giáo viên nữ dạy giỏi hơn giáo viên nam, đặc biệt là ở các cấp học thấp.

Lý Nguyệt, một giáo viên mầm non tại Phúc Châu cho biết, “chúng tôi nhạy cảm hơn, nên rất dễ dàng để biết một đứa trẻ đang cần gì. Hơn nữa, việc dạy một đứa bé trai trở nên nam tính là trách nhiệm của gia đình chứ không phải của nhà trường”.

Nhưng các quan chức ngành giáo dục Trung Quốc lại không nghĩ vậy. Dù việc nam giới ít khi chọn ngành giáo viên là hiện tượng chung của nhiều nước, kể cả ở Mỹ, nhưng tại Trung Quốc thì hiện tượng này lại nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, tại các đô thị, số giáo viên nữ chiếm đến 80% tổng số vị trị giảng dạy.

Theo thống kê năm 2012 của ĐH sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc hiện có 15 triệu giáo viên phụ trách giảng dạy cho 270 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.
"Vai trò của người đàn ông" không được học sinh đề cao

Tại một số địa phương, nhiều trường đã phải nhờ đến sự can thiệp của quan chức ngành giáo dục, vì thành tích yếu kém của các nam sinh mà theo các trường này, là do vai trò của người đàn ông không được các học sinh đề cao.

Theo nghiên cứu năm 2012 của Viện khoa học xã hội Thượng Hải, thành tích học tập của nam sinh bắt đầu thua kém nữ sinh khi bước vào lớp 3, và trong các cuộc thi đại học thì tỷ lệ nam sinh đậu đại học cũng thấp hơn nữ sinh.

Trong những năm gần đây, các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Tây và Giang Tô đã tạo rất nhiều điều kiện để thu hút giáo viên nam, vì theo quan chức ngành giáo dục các tỉnh này, nam giáo viên có phong cách năng động và thu hút được các nam sinh.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy việc được dạy dỗ bởi giáo viên cùng giới sẽ giúp trẻ em có được thành tích tốt hơn. Theo một nghiên cứu trên 9.000 trẻ 11 tuổi vào năm 2008-2009 ở Anh, việc nam sinh có thành tích học tập tốt không có liên quan gì đến việc được giảng dạy bởi một giáo viên nam.

Mặc dù vậy, trường trung học số 8 của thành phố Thượng Hải vẫn quyết định tổ chức một chương trình học dành riêng cho 60 học sinh nam vào năm 2012 với mục đích “cứu vãn sự nam tính” cho học sinh nam.

Theo Chu Gia Hạo, một sinh viên 18 tuổi, mục đích của những chương trình học này không phải là để “cứu vãn sự nam tính” trong trường học, mà đơn giản chỉ vì nam sinh cảm thấy tự tin hơn khi được học cùng nhau.

Chương trình học mà trường trung học này đưa ra bao gồm các khóa học về lễ nghi, lập trình và các kĩ năng tồn tại trong cuộc sống hoang dã.

“Chúng em không dám phát biểu khi trong lớp có bạn nữ. Nhưng khi chỉ có nam, chúng em cảm thấy tự do hơn”, Chu cho biết.

Theo nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu thuộc Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên và trẻ em Trung Quốc, tác giả quyển “Hãy cứu lấy những đứa bé trai”, học sinh nam Trung Quốc và cha của chúng đang ngày càng xa rời mô hình đề cao nam giới truyền thống của nước này.

“Những đứa trẻ cần được dạy dỗ bởi giáo viên nữ lẫn giáo viên nam để phát triển”, nhà nghiên cứu Tôn cho biết.
 Thầy giáo, nghề lãnh mức lương bèo

Hiện nay, một trong những trở ngại chính khi thu hút nam giới làm giáo viên tại Trung Quốc (cũng như nhiều nước khác) chính là mức lương khiêm tốn của nghề này.

Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, mức lương trung bình của một giáo viên công lập nước này chỉ vào khoảng 17.000 USD/năm.

Tại Phúc Kiến, các quan chức ngành giáo dục hy vọng sẽ tuyển thêm được hàng ngàn giáo viên nam mỗi năm, đặc biệt là cho các trường mẫu giáo, nơi mà sự thiếu hụt diễn ra nghiêm trọng nhất.

Theo các thống kê chính thức, trong số hàng triệu giáo viên nhà trẻ và trợ giáo ở Trung Quốc, chỉ có 60.000 người là nam, chiếm chỉ có 6%. Các giáo viên nam luôn than phiền rằng họ cảm thấy cô đơn và bị khinh rẻ.

Vào năm 2015, chương trình đào tạo giáo viên miễn phí dành cho học sinh nam đầu tiên của ĐH sư phạm Phúc Kiến đã khai giảng.
Khi tham gia lớp học này, các học viên sẽ được dạy 12 tiếng/ ngày dưới sự giảng dạy của các giáo sư nữ về “đọc” ngôn ngữ cơ thể và cách thể hiện sự đồng cảm với học sinh.

Để có thể trở thành giáo viên, các học viên phải đạt được chứng chỉ trong nhiều môn học, bao gồm toán, tiếng Anh và khoa học.

Vương Ninh Đức, một sinh viên 19 tuổi đang tham gia chương trình học này, hy vọng sau này sẽ trở thành một thầy giáo dạy tiểu học. Tuy nhiên, Vương lo lắng về sự không tin tưởng vào các giáo viên nam đang phổ biến hiện nay.

“Nếu chỉ có nữ giới làm giáo viên thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề”, Vương cho biết.

Giang Vỹ Văn, sinh viên năm nhất của ĐH sư phạm Phúc Kiến, chia sẻ, gia đình và họ hàng của mình không hài lòng khi biết Giang muốn trở thành một thầy giáo.

“Họ đã hỏi tôi tại sao lại chọn làm thầy giáo. Trong suy nghĩ của họ, đàn ông phải có tham vọng, và giáo viên là một nghề quá ổn định và nhạt nhẽo”, Giang cho biết.

Thậm chí ở trong trường, những nam sinh chọn lựa trở thành thầy giáo đều trở thành đối tượng chế nhạo của bạn bè, một số còn bị cho là ẻo lả.

Cẩm Bình (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Giáo dục TQ sợ nam học sinh “ẻo lả”, cần thầy hơn cô