Bộ GTVT cho biết giai đoạn tới sẽ tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Bộ GTVT sẽ xử lý các tồn tại, bất cập ở các trạm thu phí

Lam Thanh | 24/12/2020, 11:46

Bộ GTVT cho biết giai đoạn tới sẽ tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Sáng 24.12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT.

le-inh-tho.jpg
Bộ GTVT tổng kết năm 2020

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản có tác động tích cực đến xã hội và được dư luận đồng tình ủng hộ như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải, giảm tai nạn giao thông.

Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người bị thương giảm 53,91%. 11 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm 18,26%, số người chết giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP.HCM tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng việc đồng bộ hóa giữa triển khai quy hoạch của các ngành, lĩnh vực; giữa quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch ngành chưa cao. Cân đối vốn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn.

“Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn như vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách. Công tác GPMB vẫn luôn khó khăn, phức tạp, làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư”, ông Thọ nhấn mạnh.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trước mắt và lâu dài, Lãnh đạo Bộ GTVT đề ra nhiều giải pháp và mục tiêu cho năm 2021 và nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.

Về mục tiêu năm 2021, ở lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT dự kiến năm 2021, hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 đến 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020.

Về kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu là hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỉ đồng.

Cùng với đó, thực hiện năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT”, kéo giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược GTVT toàn ngành, các quy hoạch ngành GTVT (thực hiện theo Luật Quy hoạch), bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các văn bản quy phạm pháp luật, đề án theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính; tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đối với các chủ thể có liên quan.

Tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Tập trung ưu tiên sửa chữa, bảo trì các tuyến đường trọng yếu như QL.1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ khác có lưu lượng xe tăng trưởng cao.

Đối với công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, bộ này cho biết sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giai đoạn tới cũng sẽ siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với năm 2020 ở cả 3 tiêu chí; khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị trực thuộc trung ương.

Ngoài ra, chủ động xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Bộ GTVT cũng cho biết sẽ thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng GTVT với các đối tác quan trọng, với các tổ chức tài chính quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh tự động hóa trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông, triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác xây dựng, bảo trì, khai thác, vận hành các công trình giao thông.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2025.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Bài liên quan
TP.HCM dự định lắp đặt 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải
Sở GTVT TP.HCM thông tin, thành phố đã tiến hành rà soát và lên kế hoạch lắp đặt 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn tín hiệu rẽ phải tại 524 giao lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT sẽ xử lý các tồn tại, bất cập ở các trạm thu phí