“Việc áp giá trần là không cần thiết, hãy để doanh nghiệp cạnh tranh và vận hành theo quy luật thị trường. Nhà nước hãy tạo hành lang pháp lý và giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm”, TS Lưu Bích Hồ nhận định.

Bỏ trần giá sữa: Giải pháp nào ngăn giá 'nhảy múa'?

Trí Lâm | 17/04/2017, 16:42

“Việc áp giá trần là không cần thiết, hãy để doanh nghiệp cạnh tranh và vận hành theo quy luật thị trường. Nhà nước hãy tạo hành lang pháp lý và giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm”, TS Lưu Bích Hồ nhận định.

Tạo môi trường cạnh tranh

Chính phủ vừa có văn bản thông báo thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1.4.2017. Bộ Công Thương cũng vừa ban hành dự thảo Thông tư Quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để lấy ý kiến người dân.

Theo đó, giá sữa sẽ được quản lý theo hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về kê khai giá. Doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.

Trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp điều chỉnh cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định. Doanh nghiệp phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện bán không cao hơn giá niêm yết.

Giá sữa đã được bỏ trần, quản lý bằng kê khai giá

Đặc biệt, định kỳ 1.7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm rà soát danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký giá tại Bộ Công Thương. Trường hợp thương nhân kinh doanh sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng thực hiện kê khai giảm giá thì được thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giảm giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Công Thương sẽ quản lý giá bán lẻ sản phẩm hàng hóa cuối cùng đến người tiêu dùng trong toàn hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, nhập khẩu đã kê khai. Sau khi doanh nghiệp đầu mối hoàn tất việc kê khai giá, Bộ Công Thương sẽ công khai giá bán lẻ này.

Việc bỏ bình ổn giá sữa nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp. Hầu hết ý kiến đều cho rằng thị trường sữa có sự cạnh tranh lớn và quy định này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu áp dụng bình ổn trong dài hạn sẽ hạn chế việc đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, sữa là mặt hàng không cần độcquyền, cho nên Nhà nước không cần định giá mà để cho thị trường định giá. Trước kia, Nhà nước không kiểm soát được giá cả nên phải áp giá trần. Bây giờ bỏ giá trần, sợ lặp lại tình trạng các doanh nghiệp nâng giá nhiều lần, mỗi lần vài phần trăm nên Chính phủ yêu cầu phải kê khai đăng ký.

“Nếu việc này được thực hiện một cách nghiêm túc, cơ quan Nhà nước quản lý, giám sát chặt chẽ thì các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm…Người tiêu dùng sẽ được lợi và Nhà nước chỉ cần duy trì môi trường cạnh tranh, minh bạch”, ông Long phân tích.

Cùng góc nhìn, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH-ĐT) cho biết, sữa không phải là mặt hàng chiến lược của quốc gia, do đó, việc áp giá trần là không cần thiết, hãy để doanh nghiệp cạnh tranh và vận hành theo quy luật thị trường. Nhà nước hãy tạo hành lang pháp lý và giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm.

“Một điều quan trọng nữa là cần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất trong nước, khâu này chúng ta rất yếu”, TS Hồ nói.

Không bỏ trần vĩnh viễn

Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại việc giá sữa sẽ “nhảy múa” khi các doanh nghiệp bắt tay nhau.

Tại hội nghị “Lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” diễn ra ngày 14.4 do Bộ Công Thương tổ chức, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng lo lắng mặt hàng sữa có thể biến động phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương với hệ thống bán lẻ chủ yếu theo kiểu hộ gia đình, cửa hàng nhỏ, manh mún.

Vì vậy, theo ông Hùng, việc bỏ áp giá trần này không có nghĩa là bỏ vĩnh viễn. Nếu giá sữa tiếp tục “nhảy múa”, thì đây vẫn là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý giữ được bình ổn giá sữa.

Có chung nhận định, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam Vũ Ngọc Quỳnhcho rằng, mục tiêu của việc kiểm soát giá là kiểm soát giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Ở một số thành phố lớn việc kiểm soát giá có thể chặt chẽ hơn, tuy nhiên đối với các cửa hàng bán lẻ ở các vùng sâu vùng xa việc kiểm soát này sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cần cẩn trọng trong tiến hành phân cấp quản lý giá sữa cho các địa phương, nếu không quản lý tốt sẽ khó giữ được bình ổn giá nhất là ở phân khúc bình dân.

Trao đổi với PVMột Thế Giới, chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, Nhà nước cần phải nắm được giá trị thực của sản phẩm. Khi Nhà nước cảm thấy bất hợp lý, so sánh sản phẩm cùng loại đó mà các nước lại thấp hơn trong nước thì phải vào cuộc kiểm tra. Nếu không, giá sữa vẫn “nhảy múa” và vẫn gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Công Thương)

Ông Long cũng nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được thực hiện nghiêm túc, chứ nếu lúc vào cuộc thì rầm rộ, rồi thanh tra mãi không thấy sai phạm đâu thì sẽ chẳng đi đến đâu.

Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Võ Văn Quyền cũng khẳng định, việc bỏ biện pháp giá trần không có nghĩa là Nhà nước không còn quản lý giá sữa. Doanh nghiệp tự sản xuất, quản lý hệ thống phân phối của mình, kiểm soát giá trong mạng lưới. Các cơ quan quản lý và lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như bảo đảm việc kiểm soát theo chuỗi, để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.

“Thông điệp của Chính phủ là phải xây dựng môi trường lành mạnh, cạnh tranh hơn và từ đó giá sữa sẽ vận hành tốt hơn, qua đó bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Nhà nước sẽ không bỏ sức quá nhiều vào việc kiểm soát giá trung gian, mà biện pháp chính sẽ là kiểm soát giá cuối cùng. Tức là xem xét giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có hợp lý hay không?”, ông Quyền cho biết.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
5 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ trần giá sữa: Giải pháp nào ngăn giá 'nhảy múa'?