Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chính thức đặt vấn đề mời các doanh nghiệp tại Kazakhstan và khu vực Trung Á đến Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bộ trưởng Công Thương mời doanh nghiệp Kazakhstan đến Việt Nam đầu tư

Tuyết Nhung 18:35 17/05/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chính thức đặt vấn đề mời các doanh nghiệp tại Kazakhstan và khu vực Trung Á đến Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư.

Tọa đàm hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kêu gọi các doanh nghiệp Kazakhstan đến Việt Nam đầu tư. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đến với Việt Nam, nhà đầu tư Kazakhstan còn có cơ hội trở thành khách du lịch dài ngày, được chiêm ngưỡng cảnh quan đẹp, thưởng thức ẩm thực đa dạng, phong phú, khung cảnh kinh doanh náo nhiệt.

bo-truong-nguyen-hong-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chính thức đặt vấn đề mời các doanh nghiệp tại Kazakhstan và khu vực Trung Á đến Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, khẳng định các bộ ngành và địa phương Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Kazakhstan đến Việt Nam đầu tư.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại". Đồng thời, Bộ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Kazakhstan do đây là nơi có nhiều tiềm năng, có nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam.

Ông Kairat Torebayev, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan cho rằng khu vực Đông Nam Á là điểm đến đầu tư, thương mại hấp dẫn và đầy hứa hẹn đối với Kazakhstan. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng ở châu Á của Kazakhstan, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển ổn định và tiến bộ.

Kế hoạch hành động chung nhằm tăng tốc phát triển hợp tác kinh tế thương mại giai đoạn 2023-2025, được ký kết sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev vào tháng 8.2023 là kim chỉ nam để thực hiện các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, vận tải hàng không...

Trước lời mời gọi của Bộ trưởng Công Thương, các doanh nghiệp Kazakhstan đã đề xuất nhiều nội dung mong muốn hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, sản xuất đồ uống, nước ép từ táo, nho, đầu tư sản xuất sản phẩm bảo hộ cá nhân như mặt nạ phòng độc tại Việt Nam...

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga và SNG kiêm Tổng giám đốc Công ty Mareven Food Central có các cơ sở sản xuất và kinh doanh tại Kazakhstan cho biết, triển vọng thị trường Kazakhstan là rất lớn nhưng cũng có nhiều thách thức, do đặc thù riêng của thị trường Kazakhstan. Do đó, sự ủng hộ từ phía các cơ quan chính phủ, bộ ngành Việt Nam và Kazakhstan là những yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Sovico kiêm Phó chủ tịch VietjetAir nhận định, hàng không và du lịch có thể nói là điểm sáng trong quan hệ hợp tác thương mại, du lịch giữa hai nước Việt Nam - Kazakhstan. Việc hai nước miễn thị thực nhập cảnh cho hộ chiếu phổ thông đã mở ra cơ hội mới cho ngành hàng không, du lịch của hai nước, và các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Kazakhstan, kết nối Thủ đô Astana và thành phố Almaty với thành phố biển Nha Trang hiện đang được Vietjet khai thác kể từ tháng 10.2022, với tần suất hiện tại 3 chuyến bay khứ hồi/tuần, mỗi đường bay đã đem lại những sự thuận lợi chưa từng có cho hoạt động du lịch, giao thương, hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Sovico và Vietjet cũng đang nghiên cứu để đóng một vai trò tích cực hơn trong việc phát triển hạ tầng giao thông, vận tải tại Kazakhstan ở lĩnh vực hàng không và các lĩnh vực tiềm năng khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Kazakhstan.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương Việt Nam đang nghiên cứu thành lập cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Kazakhstan nhằm theo dõi thị trường, kết nối các cơ hội hợp tác một cách chặt chẽ hơn. Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách theo dõi chung về mặt chính sách thương mại, thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu trong đó có Kazakhstan.

Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như cung cấp thông tin thị trường phục vụ xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện hội nghị, hội thảo, tổ chức, tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các phái đoàn giao dịch thương mại và đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực thực hành xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp...

Với Kazakhstan, Cục Xúc tiến thương mại đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Công ty Xúc tiến thương mại Kazakhstan (Qaztrade). Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng hợp với Quaztrade để tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước gắn kết hợp tác.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đã được xây dựng, hoàn thiện và thực thi trên 10 năm. Pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đáp ứng các quy định của hoạt động phòng vệ thương mại quy định bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, các nhà đầu tư Kazakhstan vào Việt Nam hoàn toàn yên tâm có thể sử dụng công cụ phòng về thương mại để bảo vệ lợi ích của mình tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thông tin, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện những cơ chế, chính sách về công nghiệp và thương mại theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Kazakhstan nói riêng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Những cơ chế, chính sách về công nghiệp và thương mại của Việt Nam ngày càng thông thoáng, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan trong năm 2023 đạt 401,8 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 391,0 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện (thị phần khoảng 65% trong năm 2023); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng rau quả, hạt điều, giày dép, sản phẩm dệt may. Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: sắt thép các loại; kim loại thường khác; lúa mì; bông các loại...

Bài liên quan
Phản ứng của Trung Quốc sau khi Nga đưa quân vào Kazakhstan bình ổn tình hình
Sau khi Nga đưa quân vào Kazakhstan thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể thì Trung Quốc cũng muốn giúp đỡ Kazakhstan thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Công Thương mời doanh nghiệp Kazakhstan đến Việt Nam đầu tư