Việc Đức ký hợp đồng mua dầu thô của Kazakhstan đồng nghĩa Nga sẽ tiếp tục duy trì được quyền lợi dù bị áp đặt cấm vận.

Đức mua dầu thô Kazakhstan, Nga hưởng lợi

Bảo Vĩnh | 03/03/2023, 16:59

Việc Đức ký hợp đồng mua dầu thô của Kazakhstan đồng nghĩa Nga sẽ tiếp tục duy trì được quyền lợi dù bị áp đặt cấm vận.

pipe-itar-tass.jpg
Ống dẫn dầu Hữu nghị đưa dầu Kazakhtan đến Đức - Ảnh: Itar TASS

Trong tuần này, Kazakhstan đã chuyển đợt dầu thô qua Đức thông qua ống dẫn dầu Druzhba (Hữu nghị), vào lúc chính phủ Đức tìm cách tăng nguồn cung cho một nhà máy lọc dầu lớn ở miền Đông nước này.

Đợt giao 20.000 tấn dầu thô (khoảng 145.000 thùng) nói trên là một phần trong kế hoạch Đức ngưng mua dầu Nga trong năm nay.

Kazakhstan là một đồng minh của Nga, nhắm mục tiêu vận chuyển 1,2 triệu tấn dầu thô qua Đức trong năm 2023. Công ty ống dẫn dầu KazTransOil của Kazakhstan đã nhận được sự phê duyệt từ tập đoàn nhà nước Nga Transneft để giao 330.000 tấn dầu thông qua ống dẫn dầu Druzhba trong quý 1 năm nay.

Druzhba là một trong những hệ thống dẫn dầu lớn nhất thế giới, có năng suất vận chuyển 2 triệu thùng dầu/ngày.

Nguồn dầu Kazakhstan sẽ đến nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt, nơi cách thủ đô Berlin (Đức) 120km về phía đông bắc và sẽ đáp ứng 90% nhiên liệu cho Berlin.

Trước đó, vào tháng 11.2021, Đức đã nhập khẩu 687.000 thùng dầu/ngày thông qua ống dẫn dầu Druzhba đến nhà máy PCK- nơi từng tiếp nhận nguồn dầu từ Nga, cho đến khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine thì Berlin quyết định ngưng lệ thuộc nguồn dầu Nga.

Quyết định này buộc nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải tìm nguồn năng lượng thay thế trong một thời gian tương đối ngắn. Nhưng họ chật vật trong việc tìm giải pháp thay thế cho nhà máy ở Schwedt vốn không kết nối với các tuyến ống dẫn dầu-khí và với các tuyến đường cung ứng của Đức. Vì thế, nhà máy PCK chỉ có thể vận hành 60% công suất.  

Nguồn cung dầu từ Kazakhstan thì sẽ bảo đảm nhà máy chạy hết công suất. Nhà máy PCK từng do tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft sở hữu một phần, trước khi chính phủ Đức kiểm soát hoàn toàn hồi năm 2022. Hiện tại, nhà máy chủ yếu nhận nguồn dầu từ các thị trường toàn cầu, trong đó có Mỹ, thông qua một ống dẫn dầu từ cảng Rostock trên biển Baltic.

Từ việc Transneft cho phép dầu Kazakhstan chảy qua mạng lưới dẫn dầu của mình, Nga sẽ có một nguồn thu phụ dưới dạng phí quá cảnh, vào lúc doanh thu từ dầu thô của Nga bị giảm sâu do phương Tây áp các lệnh trừng phạt và áp giá trần.

Trên hết, việc nguồn dầu đó chảy qua hàng ngàn cây số trên lãnh thổ Nga còn khiến việc cung cấp năng lượng cho Đức phải tùy thuộc vào Nga.

“Chúng tôi phải chờ xem cách hành động của Nga liên quan việc chuyển dầu qua ống dẫn dầu Druzhba”, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức nói và theo ông rất khó đoán các động thái của Nga.

Do dầu thô Kazakhstan được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU), hợp đồng mua bán không vi phạm lệnh cấm vận dầu chảy qua ống dẫn dầu từ Nga.

Dầu thô trước tiên được bơm qua Nga để pha trộn cùng dầu thô Nga trước khi xuất khẩu từ các cảng biển Nga. Năm ngoái, Kazakhstan đã đặt lại tên KEBCO cho dòng dầu của mình để phân biệt với dầu REBCO (còn gọi là dầu Urals) của Nga nhằm tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, việc pha trộn dầu thô ở Nga đã gây ra sự lo ngại, nhất là ở Ba Lan là nước đón dòng dầu Kazakhstan sẽ chảy vào Đức, do rất khó xác định nguồn gốc của dòng dầu.

Bộ Kinh tế Đức nói trong khi không thể tránh việc một số dầu Nga sẽ chảy vào Đức, nhưng điều quan trọng là dòng tiền mua dầu sẽ không đến Nga vì nguồn dầu cung ứng sẽ mua từ Kazakhstan chứ không phải từ Nga.

Bài liên quan
Một số nước trừng phạt Nga nhưng vẫn sử dụng dầu mỏ Nga qua ngả Ấn Độ
Theo công ty chuyên giám sát hành trình tàu chở dầu Petro-Logistics, dầu Nga vẫn tiếp cận được các nước đang áp đặt sự trừng phạt Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức mua dầu thô Kazakhstan, Nga hưởng lợi