"Bộ Tư pháp đang trong quá trình xây dựng hồ sơ quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Đến tháng 12.2018, Bộ Tư pháp sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ để xem xét", ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nói.
Chiều 23.1, tại buổi họp báo quý 4/2017 của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí về vấn đề quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo khác, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết vấn đề này rất phức tạp, không chỉ riêng Việt Nam mà thế giới. Do đó, Bộ Tư pháp đã thành lâp nhóm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này
Bộ Tư pháp cho biết hiện đang trong quá trình rà soát, đánh giá về hoạt động của đồng tiền ảo để có báo cáo Chính phủ trong tháng 8.2018, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tiền ảo, tiền điện tử.
Theo đại diện Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, vấn đề tiền ảo Bitcoin hiện nay đang được nghiên cứu theo hai hướng: tài sản sở hữu và giao dịch tiền tệ.
"Tuy nhiên hiện nay ở nước ta, việc dùng tiền ảo thanh toán không được công nhận, còn vấn đề sở hữu đang bị bỏ ngỏ. Nhóm nghiên cứu chuyên sâu của Bộ Tư pháp đang nghiên cứu bảo vệ quyền sở hữu, tránh rủi ro cho người dân”, đại diện Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế nhấn mạnh.
Qua quá trình rà soát vừa qua, ông Hải cho biết, tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo khác hiện nay có tác động đến các hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy, hoạt động của tội phạm. Ngoài ra, tiền ảo còn liên quan đến an ninh tiền tệ và các giao dịch thanh toán khác.
"Bộ Tư pháp đang trong quá trình xây dựng hồ sơ quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Đến tháng 12.2018, Bộ Tư pháp sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ để xem xét", ông Hải cho hay. Dự kiến năm 2020, Bộ sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh Bộ Tư pháp nhất trí với Ngân hàng Nhà nước về việc không công nhận tiền ảo Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, bởi vì những giao dịch này là ẩn danh, có thể trở thành công cụ cho tội phạm, buôn lậu.
“Đây cũng là dạng kỹthuật số nên nguy cơ bị tấn công và ngừng giao dịch rất lớn, rủi ro cao. Bên cạnh đó, giá trị biến động, rủi ro trong đầu tư rất lớn. Hiện nay chưa được cơ quan nhà nước quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý", ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.1.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp cho hay có thể thời hạn mà Phó thủ tướng ấn định Bộ Tư pháp sẽ chưa hoàn thành được, phải lùi đến tháng 8 để có báo cáo chi tiết.
Trong thời gian qua, Bitcoin và một số loại tiền ảo khác là một trong những vấn đề nóng của thị trường tài chính thế giới. Trên thị trường thế giới, tiền ảo Bitcoin có thời điểm lập đỉnh gần 20.000 USD, tuy nhiên thời gian gần đây đã tụt dốc không phanh.
Mới đây, sàn cho vay tiền ảo nổi tiếng BitConnect chính thức dừng hoạt động cho vay và tạm thời đóng sàn giao dịch nội bộ của mình.
Thông báo này từ BitConnect được đưa ra ngay sau khi nhận được 2 lệnh đình chỉ từ Ủy Ban Chứng khoán Texas và North Carolina. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Texas và North Carolina cảnh báo những người đứng sau sàn cho vay tiền ảo BitConnect về việc không được bán tiền ảo ở những bang này.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết Bitcoin thực sự không phải là tiền dù giá trị của Bitcoin trong thời gian qua tăng rất nhanh, tuy nhiên đồng tiền này cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
“Tôi nghĩ rằng trong thực tế, các cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam đều không coi Bitcoin là đồng tiền trong giao dịch và thanh toán, dù chúng ta cũng đang nghiên cứu hành lang pháp lý cho vấn đề này”, chuyên gia này nói.
Hoài Phong