Phi hành gia Thomas Pesquet trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã chụp ảnh một vùng đất đỏ rộng lớn trên Trái đất rất giống khung cảnh trên sao Hỏa.
Sao Hỏa là hành tinh thứ tư tính từ Mặt trời trong Thái Dương Hệ. Nó thường được gọi với tên khác là hành tinh đỏ do lớp đất đá giàu oxit sắt tạo nên màu sắc đặc trưng, khác hoàn toàn với màu xanh thường thấy của Trái đất.
Tuy nhiên, phi hành gia Thomas Pesquet của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chụp được khoảnh khắc Trái đất trông rất giống sao Hỏa khi đang làm việc trên trạm ISS.
“Không có mây trong tầm nhìn, màu đỏ và màu hoàng thổ trải dài đến tận chân trời. Tôi nghĩ rằng mình đang bay quanh sao Hỏa khi nhìn thấy quang cảnh này”, Thomas Pesquet nói về khung cảnh siêu thực này.
Có một lời giải thích đơn giản cho hình ảnh này. Thực chất bức ảnh ghi lại khoảnh khắc trạm ISS bay qua vùng đất đỏ của một sa mạc. Phi hành gia Pesquet không tiết lộ cụ thể vị trí, nhưng khi nhìn vào dãy núi tối nhiều người đã nghĩ đó là dãy Tibesti nằm giữa Chad và Libya ở Bắc Phi. Dãy núi này là một phần của Sahara - sa mạc chiếm tới 31% lục địa châu Phi và nổi tiếng với những vùng cát mênh mông màu đỏ cam.
Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi “Bức ảnh này là Trái đất hay sao Hỏa?” thì có thể dựa vào một đặc điểm khác mà không cần phải biết về sa mạc Sahara. Bầu khí quyển của Trái đất có màu xanh lam rực rỡ, xanh hơn nhiều so với bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa. Hình ảnh của phi hành gia Pesquet hiển thị rõ khí quyển xanh đặc trưng của Trái đất phía trên vùng đất đỏ.