Nhiều ngân hàng đã nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 cao hơn năm 2017, vào khoảng 20-21%. Điều này sẽ giúp dư địa cho vay được nới rộng, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận nhưng áp lực từ việc xử lý nợ xấu, tăng vốn để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Basel II lại là rào cản lớn đối với ngành này.

Bức tranh ngân hàng năm 2018 sẽ như thế nào?

17/01/2018, 12:04

Nhiều ngân hàng đã nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 cao hơn năm 2017, vào khoảng 20-21%. Điều này sẽ giúp dư địa cho vay được nới rộng, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận nhưng áp lực từ việc xử lý nợ xấu, tăng vốn để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Basel II lại là rào cản lớn đối với ngành này.

Nhiều ngân hàng nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào năm 2018 - Ảnh: Internet

Lợi nhuận năm 2017 tăng mạnh

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, kết thúc năm 2017, kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng khả quan và lợi nhuận tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế ước tăng 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời trên tổng số tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn năm trước, ước đạt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).

“So sánh với một số quốc gia châu Á giai đoạn 2012-2017, hiệu suất sinh lời của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh, trong khi hầu như các nước chỉ cải thiện nhẹ hoặc tiếp tục xu hướng giảm từ 2012. Thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm”, Ủy ban thông tin.

Chưa kể, các hoạt động kinh doanh khác đạt kết quả tương đối khả quan. Cụ thể, thu nhập từ hoạt động góp vốn mua cổ phần của các ngân hàng đã tăng khoảng 3,4 lần. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 34,7%. Ngoài các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán, một số tổ chức tín dụng còn ký kết các hợp đồng hợp tác độc quyền, toàn diện với những công ty bảo hiểm lớn, kỳ hạn lên tới 10 – 15 năm, dự kiến đem lại nguồn thu dịch vụ và hoa hồng lớn trong thời gian tới.

Đánh giá về hoạt động các tổ chức tín dụng năm 2017, TS. Bùi Quang Tín - giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, các ngân hàng đã kiểm soát chặt hơn trong cho vay, nhất là với tín dụng bất động sản. Điều đó có nghĩa nợ xấu được kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu của ngành đã về dưới 3%, thậm chí dưới 1% tại một số nhà băng, giúp hoàn nhập dự phòng, tác động tích cực lên lợi nhuận.

Vẫn áp lực từ nợ xấu

Bước sang năm 2018, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2017, vào khoảng 20-21%. Nhiều chuyên gia nhận định điều này sẽ giúp dư địa cho vay được nới rộng, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong năm tới.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng dự báo, lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều khả quan do tín dụng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như năm 2017. Nợ xấu được kì vọng xử lý nhanh hơn và tăng thu nhập của các tổ chức tín dụng. Do đó, các ngân hàng sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cũng kỳ vọng doanh thu từ cho vay sẽ tăng trưởng tốt hơn, giúp lợi nhuận các ngân hàng sẽ có diễn biến tích cực hơn trong năm 2018.

Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề giải quyết nhanh nợ xấu. TS Hiếu nói rằng nếu nợ xấu còn nằm trên sổ sách thì dòng vốn bị ngưng trệ, sổ sách ngân hàng cũng không có sự minh bạch, ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản và lợi nhuận ngân hàng.

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà cơ quan này đặt ra cho năm 2018 là 17% nhưng sẽ theo dõi sát diễn biến trên thị trường để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Trong năm nay, NHNN tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Thêm áp lực từ Basel II

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực tăng vốn lớn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II.

Nhiều ngân hàng đã tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn như ACB, VietinBank, Vietcombank.

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, áp lực tăng vốn càng lớn và kéo dài do hiện tại hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.

“Tới cuối năm 2020, nhu cầu ngân hàng tăng thêm vốn tự có rất lớn. Các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 – 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Do đó, các tổ chức tín dụng cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2020”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức tranh ngân hàng năm 2018 sẽ như thế nào?