Khi đang đàm phán với chính quyền Mỹ để tránh phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok ở nước này, ByteDance cho rằng Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt rủi ro chính trị lớn nếu cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn của họ.

ByteDance hù dọa Tổng thống Trump khi đàm phán để tránh bán TikTok ở Mỹ

10/09/2020, 15:00

Khi đang đàm phán với chính quyền Mỹ để tránh phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok ở nước này, ByteDance cho rằng Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt rủi ro chính trị lớn nếu cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn của họ.

ByteDance cho rằng Tổng thống Trump sẽ mất sự ủng hộ của nhiều cử tri trẻ tuổi nếu cấm TikTok

ByteDance đang đàm phán với chính quyền Trump về các giải pháp khả thi có thể cho phép họ giữ lại một số quyền sở hữu với hoạt động của TikTok tại Mỹ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý ở Trung Quốc lẫn Mỹ. Trong đó có việc ByteDance chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động dữ liệu TikTok cho một công ty công nghệ Mỹ nhưng vẫn có khả năng nắm giữ một số quyền sở hữu tài sản, theo CNBC.

Tờ Wall Street Journal trước đó cũng đưa tin ByteDance đang làm việc với Chính phủ Mỹ để tìm cách tránh bị bán hết hoạt động TikTok ở nước này. Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong nhiều tháng và tình hình vẫn suôn sẻ. Vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump có sẵn sàng đáp ứng giải pháp như vậy hay không.

Trước đó, Nhà Trắng đã đặt ra hạn chót là ngày 20.9 tới để ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty nước này, hoặc đối mặt với việc đóng cửa vào 29.9 tới. Bất kỳ thỏa thuận nào mua bán TikTok phải được hoàn thành trước ngày 12.11.

ByteDance đã đàm phán để bán TikTok tại Mỹ cho liên minh Microsoft - Walmart hoặc Oracle. Khi thỏa thuận dường như gần hoàn thành thì Giám đốc điều hành TikTok - Kevin Mayer tuyên bố từ chức.

Việc mua bán TikTok gặp khó khăn sau khi Trung Quốc đưa ra một loạt các hạn chế xuất khẩu mới với 23 danh mục công nghệ hôm 28.8. Trang CNBC cho biết một trong những mặt hàng bị hạn chế là công nghệ “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu”. Điều này có nghĩa là ByteDance sẽ phải xin phép Chính phủ Trung Quốc nếu muốn bán thuật toán đề xuất của TikTok trong bất kỳ giao dịch nào.

Thuật toán này quyết định video nào sẽ hiển thị cho người dùng xem, được coi là nước sốt bí mật khiến TikTok vừa gây nghiện vừa có giá trị cao.

Chính quyền Mỹ dường như phải suy nghĩ lại về các yêu cầu của mình sau khi Trung Quốc đưa ra các hạn chế với việc xuất khẩu công nghệ AI. Điều đó có nghĩa TikTok không được đưa thuật toán quan trọng vào bất kỳ giao dịch nào với công ty Mỹ. Song nếu không có thuật toán này, TikTok sẽ giảm giá trị và kém hấp dẫn.

Ngoài ra, ByteDance đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump rằng ông sẽ phải đối mặt rủi ro chính trị lớn nếu cấm TikTok. Lý do vì đa số người dùng TikTok là thanh thiếu niên và họ có thể bức xúc với hành động này nên sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11 tới. Thế nhưng, quan điểm đó của TikTok dường như không phù hợp với thực tế.

Trước đó, hàng ngàn người dùng TikTok tìm cách giảm số người tham dự buổi vận động tranh cử của ông Donald Trump hôm 20.6 tại thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma, bằng cách đặt hàng ngàn vé trực tuyến rồi không đến. Tổng thống Mỹ rất tức giận vì bị chơi khăm. John Shahidi, doanh nhân người Mỹ, nhà phát triển phần mềm, quản lý và sản xuất nội dung tài năng, thậm chí cho rằng người dùng TikTok phải chịu trách nhiệm một phần nếu ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc bị cấm.

Tổng thống Trump vô cùng giận dữ vì bị người dùng TikTok chơi khăm hồi tháng 6

Tổng thống Trump có thể buộc phải chấp nhận một thỏa thuận khác xa so với những gì ông hy vọng. Chẳng hạn, công ty Mỹ nắm quyền kiểm soát hoạt động dữ liệu của TikTok với cổ phần thiểu số trong công ty. Song có lẽ Tổng thống Trump không dễ dàng lùi bước và với sự căm ghét Trung Quốc vì làm lây lan coronavirus, ông có thể vẫn buộc ByteDance bán TikTok cho công ty Mỹ. Lý do vì ông chủ Nhà Trắng coi đây là một phần trong chiến thắng quan trọng trước Trung Quốc.

Hiện Bộ Tài chính Mỹ chỉ tập trung vào các cuộc thảo luận liên quan đến việc bán TikTok theo lệnh buộc ByteDance thoái vốn do Tổng thống Trump ký hôm 14.8.

Hôm 24.8, TikTok đã gửi đơn kiện Chính phủ Mỹ vì lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hôm 6.8, chỉ trích Nhà Trắng phớt lờ nỗ lực giải quyết bất đồng và chính trị hóa vấn đề.

Người phát ngôn của TikTok cho biết: “Để đảm bảo rằng nguyên tắc pháp luật không bị loại bỏ và công ty cũng như người dùng của chúng tôi được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thách thức lệnh hành pháp thông qua hệ thống tư pháp”.

TikTok đã đạt hơn 2 tỉ lượt cài đặt từ App Store và Google Play Store, hàng tháng có 100 triệu người dùng ở Mỹ và 800 triệu trên toàn cầu.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc yêu cầu người giàu nhất nước xin lỗi vì bị công kích trên các ứng dụng của ByteDance
Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm), người sáng lập hãng đồ uống đóng chai khổng lồ Nongfu Spring, đổ lỗi cho các ứng dụng mạng xã hội của ByteDance vì đã tiếp tay cho các cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ByteDance hù dọa Tổng thống Trump khi đàm phán để tránh bán TikTok ở Mỹ