Yếu tố niềm tin trong cuộc khủng hoảng truyền thông liên quan đến thảm họa cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Cá chết, truyền thông và niềm tin

05/05/2016, 10:43

Yếu tố niềm tin trong cuộc khủng hoảng truyền thông liên quan đến thảm họa cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Chiều 24.4: 18 ngày sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào ngày 6.4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và thăm hỏi bà con ngư dân vùng bị thiệt hại do hải sản chết bất thường.Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, ngoài thiệt hại kinh tế, sự việc còn tạo ra sự bất ổn trong sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của ngư dân, gây ra tâm lý hoang mang trong việc tiếp tục sản xuất, tiêu thụ hải sản.

Ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có sự lúng túng, bị động trong việc ứng phó, xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả của các cơ quan chức năng.

“Có nguyên nhân khách quan đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng. Cũng có nguyên nhân hạn chế về kinh nghiệm, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống quan trắc còn thiếu, việc kiểm soát môi trường ở các cơ sở sản xuất còn khó khăn”. Ông Dũng cũng nói: “Nếu (cá chết) do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, phải xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào. Nếu thấy chưa đủ khả năng tìm ra nguyên nhân thì phải hợp tác quốc tế”.

Ngày 25.4: Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, khi được hỏi về việc từ khi nhà máy Formosa tại Vũng Áng hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm - Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội - nói: “Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

Phát biểu này lập tức gây sốc trong dư luận với nhiều ý kiến cho rằng đó là phát biểu trịch thượng, thách thức cả dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng có ý kiến cho rằng chẳng qua ông Phàm nói trắng ra sự thật. Tình hình quanh cuộc khủng hoảng cá chết càng căng như dây đàn.

Tối 27.4: Mãi 3 tuần sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt và sau thời gian dài chờ đợi của công luận, tại cuộc thông báo chỉ kéo dài 8 phút thay vì một cuộc họp báo mà giới truyền thông và công luận nóng lòng chờ đợi, trái với những gì Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói ngày 24.4, ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên tố chính khiến cá chết hàng loạt ở biển miền Trung. Một là do tác động độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển, và thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Và rồi ông khẳng định chắc nịch: “Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này".

Tuyên bố của ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chẳng những không đáp ứng được sự chờ đợi của công luận về việc minh bạch thông tin về nguyên nhân cá chết hàng loạt trên diện rộng mà còn khiến những tổ chức như Hội Nghề cá việt Nam phản ứng, bác bỏ nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ mà ông thứ trưởng đưa ra. Dư luận càng tỏ ra bức xúc, mất niềm tin và hoài nghi về một sự bao che của nhóm lợi ích nào đó đối với những doanh nghiệp bị nghi vấn gây ra thảm họa môi trường.

Giáo sư Ngô Bảo Châu nói trên Facebook của ông, ngay sau cuộc “họp báo” của ông Thứ trưởng Bộ TN-MT: “Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo thông tin đầy đủ và minh bạch... Không có thông tin đầy đủ minh bạch thì sao duy trì niềm tin. Không duy trì được niềm tin thì khôi phục kinh tế thế nào? Dù thế nào thì chắc chắn đây không phải lúc để thông báo rằng chưa chắc cá chết đã là tội của Formosa. Đấy có phải là cái mà đồng bào miền Trung cần nhất vào thời điểm này không? Bảo vệ pháp lý cho Formosa là việc của luật sư của họ”.

Ngày 28.4: Một ngày sau cuộc “họp báo” ngắn kỷ lục của Bộ TN-MT, trước sức nóng của công luận, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cùng đại diện Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hải dương học Nha trang cùng các nhà khoa học đã về vùng biển ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khảo sát thực địa.

Nhận định về việc cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đây là một “thảm họa môi trường” lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Theo ông, qua kiểm tra, đoàn chưa phát hiện bằng chứng về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường, tuy nhiên về mặt gián tiếp thì có những vấn đề liên quan.

Ông đánh giá, các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và không có kinh nghiệm ứng phó sự cố có tính chất thảm họa. "Với tư cách Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này", ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng cũng đã cùng các thành viên đoàn đến nhà máy kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường của Tập đoàn Formosa. "Chúng tôi sẽ giao các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương trực thuộc Bộ và sở Tài nguyên - Môi trường trực tiếp làm việc với Công ty Formosa để xem xét lại một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói với lãnh đạo Tập đoàn Formosa và nhấn mạnh, việc lắp đặt hệ thống xả thải, ống thải ngầm "là không cho phép". Ông Trần Hồng Hà cũng đề nghị phải có biện pháp để giám sát hệ thống xả thải này.

Cũng trong ngày 28.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp tại trụ sở Chính phủ về xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng; giao cho Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng huy động các nhà khoa học, cần thiết thì mời chuyên gia quốc tế khẩn trương, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tập trung thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Chiều 1.5: Sau cuộc họp căng thẳng kéo dài 4 giờ đồng hồ với đại diện các bộ và địa phương liên quan tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải làm rõ trên căn cứ khoa học, không ai bao che cả. Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học”.

Bên cạnh dòng thông tin chủ lưu về chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhằm tìm ra nguyên nhân thảm họa cá chết hàng loạt thì hình ảnh lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung có tình trạng cá chết và người đứng đầu một số bộ, ngành lần lượt xuống biển tắm hoặc đến các bến cảng cùng ăn cá với người dân cũng được truyền thông loan tin, bên cạnh đó là công bố kết quả kiểm tra mẫu nước biển ở các nơi liên quan. Tất cả nhằm mục đích khẳng định môi trường biển vẫn bình thường, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi thả lưới và khuyến khích người tiêu dùng an tâm tiếp tục tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ.

Ngày 3.5: Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TN-MT Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.

Từ ngày 4-7.5: Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập nhằm đánh giá tác động của việc xả thải đến tình trạng cá chết hàng loạt bắt đầu 4 ngày làm việc tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ngoài đại diện các bộ, ban ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước cũng sẽ tham gia, kiểm tra đánh giá độc lập đối với các doanh nghiệp có nguồn thải ra môi trường biển, kiểm toán một cách khoa học tất cả nguồn chất thải.

Ngoài Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra cũng có các buổi làm việc với Công ty Điện lực dầu khí Vũng Áng và Trung tâm Dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng.

Như vậy, từ chỗ gần như đứng ra bảo vệ cho Formosa bằng cách gạt tập đoàn này khỏi diện nghi vấn ngay từ đầu (qua phát biểu của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân) dù chưa hề kiểm tra việc xả thải của công ty này có đúng quy định, đúng thực chất không, đến chỗ thừa nhận Bộ Tài nguyên - Môi trường đã lúng túng, phản ứng chậm chạp trước thảm họa môi trường và giao cho các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương xem xét lại hệ thống xử lý nước thải của Formosa, đến chỗ cuối cùng chính Thủ tướng phải khẳng định “dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải làm rõ trên căn cứ khoa học, không bao che ai cả” và yêu cầu “phải triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TN-MT Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải”... các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến gần hơn tới việc đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin của công luận, đứng trên lợi ích hiện tại và lâu dài của quốc gia để xử lý cuộc khủng hoảng thay vì làm cho dư luận nghi ngờ rằng họ tự gắn mình với một nhà đầu tư nào đó. Và điều đó không hề đi ngược lại chính sách khuyến khích đầu tư, vì khuyến khích đầu tư không hề có nghĩa buông lỏng cho môi trường bị xâm hại. Để đi được từng ấy bước, đã phải mất gần một tháng kể từ khi hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện đầu tiên ở Vũng Áng.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà dư luận vẫn đặt ra là trong vòng một tháng “lúng túng và chậm chạp” của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, liệu những bằng chứng vi phạm, những dấu tích tội ác (nếu có) có bị xóa nhòa, thậm chí xóa sạch?

Và vẫn còn đó câu hỏi lớn treo lơ lửng trong đầu người dân, đang chờ lời đáp rõ ràng, dứt khoát: Vì sao cá chết? Nước biển miền Trung có bị nhiễm độc không? Nhiễm độc đến mức độ nào? Nếu nhiễm độc, làm sao khử độc? Hải sản ở các vùng biển liên quan có tuyệt đối an toàn? Trả lời các câu hỏi đó chính là lời giải thuyết phục nhất về mặt truyền thông đối với thảm họa môi trường xảy ra.

Câu trả lời phải là bằng chứng khoa học mà các bộ, ban, ngành, tổ chức khoa học vẫn còn nợ người dân, một tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng cá chết hàng loạt.Kết quả phân tích nước biển, nước xả thải để truy tìm nguyên nhân cá chết phải được công bố càng sớm càng tốt, càng chậm trễ càng khiến người dân lo âu. Hoạt động đánh bắt và tiêu thụ hải sản có hồi phục thực sự hay không, tùy thuộc vào đó, vào sự hồi phục niềm tin của người dân - niềm tin rằng mọi việc được xử lý công tâm, khách quan, chỉ dựa trên lợi ích quốc gia.

Đoàn Khắc Xuyên

Theo Buzzmetrics, cuộc khủng hoảng về cá chết kéo dài và vẫn còn đang tiếp diễn đã tạo ra hơn 217.000 bài viết và thảo luận chỉ trong vòng 20 ngày (từ 8-27.4), lớn hơn rất nhiều lần bất kỳ khủng hoảng truyền thông nào trước đây, trong đó Facebook và News là 2 nguồn tạo lượng thảo luận chủ yếu.

Số lượng bài viết và thảo luận trong gần 3 tuần

Facebook và News là hai kênh xã hội được sử dụng nhiều nhất trong thảo luận

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cá chết, truyền thông và niềm tin