Tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nhiều tài sản, đe dọa đến tính mạng của người dân. Để không bị động trước thiên nhiên, các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu đã vận dụng nhiều giải pháp để ứng phó, phòng tránh từ xa.
Bảo vệ môi trường

Cà Mau, Bạc Liêu chủ động phòng chống sạt lở đất mùa mưa bão

Trần Khải 25/09/2024 10:33

Tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nhiều tài sản, đe dọa đến tính mạng của người dân. Để không bị động trước thiên nhiên, các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu đã vận dụng nhiều giải pháp để ứng phó, phòng tránh từ xa.

Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở

Cà Mau là tỉnh ven biển, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở đất đã uy hiếp nhiều nơi của địa phương này. Mặc dù, sạt lở đất chưa gây thiệt hại về người, song đã làm đường sá bị hư hỏng, nhà cửa trôi sông, thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Huyện Trần Văn Thời là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sạt lở, sụt lún đất xảy ra vào những tháng mùa khô năm 2024. Theo thống kê của chính quyền sở tại, tính đến ngày 13.5, có 138 tuyến đường trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt của địa phương đã xảy ra sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 19km (đường bê tông hơn 14,6km, đường đất đen hơn 4km); tổng thiệt hại hơn 28 tỉ đồng. Đến nay, toàn huyện có 716 vị trí sạt lở, sụt lún đất (phát sinh mới 8 vị trí, với chiều dài 160m).

sat-lo-dat.jpg
Sạt lở đã gây nhiều thiệt hại về hạ tầng giao thông ở Cà Mau.

Gần đây nhất, vào khoảng 23 giờ 30 phút đêm 8.7, tại khu vực cầu Rạch Gốc thuộc địa bàn khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đã xảy ra vụ sạt lở đất làm thiệt hại tài sản của 9 hộ dân. Trong đó, thiệt hại hoàn toàn 4 căn nhà; 2 căn nhà bị thiệt hại khoảng 50% và 3 căn thiệt hại 20%. Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 1 tỉ đồng.

Ngay khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo lực lượng đến hiện trường hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn, đồng thời UBND thị trấn Rạch Gốc hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 1 triệu đồng/hộ có nhà bị thiệt hại 50% và 500.000 đồng/hộ có nhà bị thiệt hại 20%. Ngoài ra, nhiều mạnh thường quân cũng đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất.

sat-lo.jpg
Nhiều ngôi nhà ven sông Rạch Gốc bị trôi sông vì sạt lở đất.

“Do biên độ triều cường cao, mưa nhiều, nền đất yếu... là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở. Hiện trên tuyến sông Rạch Gốc thuộc khóm 1, 4 và tuyến sông Kênh Ba thuộc khóm 1,3,4 của thị trấn Rạch Gốc cũng xuất hiện vài vị có nguy cơ sạt lở. UBND thị trấn đã tuyên truyền, vận động bà con đề cao cảnh giác và chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn”, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm cho biết.

sat-lo-1.jpg
Sạt lở xảy ra bất kể ngày đêm

Tại tỉnh Bạc Liêu, tình trạng sạt lở đất bờ sông, ven biển đã gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã triệu tập nhiều cuộc họp nhằm bàn bạc, đưa ra giải pháp ứng phó để ổn định đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn.

Trước tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa ngày càng phức tạp, khó lường, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã có 2 lần công bố tình huống sạt lở khẩn cấp. Trong đó, 1 lần công bố tình huống sạt lở khẩn cấp đê biển Đông (đoạn từ K0+046 đến cầu Chiên Túp 1) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu.

Lần thứ 2 là công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông trên địa bàn thị xã Giá Rai (đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm, thuộc các khóm 4 và 5, phường 1). Khu vực này đáp ứng các điều kiện công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở vì có đông dân cư sinh sống ven sông, nhiều công trình hạ tầng, có chợ Giá Rai, trường mầm non, lộ giao thông. Tại đây, đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng phía sau Trường mầm non Sơn Ca 2 với chiều dài 79,5m; chiều rộng 9,5m; khung trượt sâu khoảng 5-6m, khả năng sẽ còn tiếp tục sạt lở rất cao.

Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sạt lở ven sông Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua địa bàn thị xã Giá Rai) xảy ra với tầng suất ngày tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

sl.jpg
Gia cố cừ dừa tại một đoạn sạt lở ở thị xã Giá Rai

Theo ông Tuấn, ngoài khu vực sạt lở đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm, trên địa bàn thị xã còn có các đoạn sạt lở khác như: đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến cầu Sư Son (chiều dài 4,7km, có 642 hộ dân; khu vực chợ cũ Hộ Phòng, trường học và nhiều công trình hạ tầng); đoạn hạ lưu bờ Đông và bờ Tây cống Hộ Phòng (chiều dài 2,4km, có 333 hộ dân; khu vực này có trường học và nhiều công trình hạ tầng); đoạn hạ lưu bờ Đông và bờ Tây cống Sư Son (chiều dài 0,7km, có 3 hộ dân và công trình hạ tầng).

Giải pháp ứng phó với sạt lở

Để khắc chế tình trạng sạt lở đất, nhiều địa phương đã vận động người dân thực hiện gia cố kè tạm để trồng cây mắm ven sông quanh khu vực đất của từng hộ dân quản lý. Đây là giải pháp thiết thực, tiết kiệm chi phí mà bất kỳ người nào cũng có thể thực hiện được. Đối với các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở cao thì các địa phương cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư xây dựng các tuyến kè kiên cố.

sat-lo-3.jpg
Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp, khó lường

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai, nhất là sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là ở khu vực bờ biển, bờ sông.

Theo thông tin từ ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 3,6km. Sạt lở đã làm thiệt hại 126 căn nhà, gần 300 căn nhà bị ảnh hưởng, ước tổng tài sản bị thiệt hại hơn 23,5 tỉ đồng.

Trong khi đó, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu thông tin, hiện tại trên địa bàn tỉnh ghi nhận 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển cần có biện pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho hay việc phòng chống sạt lở phải được ưu tiên, các sở ngành và địa phương phải cập nhật diễn biến thường xuyên để cảnh báo người dân, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của tỉnh.

Hiện nay, do ngân sách tỉnh Bạc Liêu còn hạn chế nên địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ khoảng 3.400 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài gần 80km.

sat-lo-2.jpg
Sạt lở đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân

Tại Cà Mau, từ nhiều năm qua người dân dọc các tuyến sông, rạch có nguy cơ sạt lở cao đã tự xây dựng kè tạm, sau đó trồng cây mắm để chống sạt lở đất, tạo được bãi bồi rất hiệu quả. “Việc trồng cây mắm chống sạt lở đất rất hiệu quả, ở đây chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng trồng thí điểm khoảng 1km cây mắm dọc tuyến sông Lương Thế Trân (đoạn qua xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau). Sau một năm triển khai trồng, cây phát triển tốt, lớn nhanh và phát triển nhiều rễ bảo vệ đất rất hiệu quả. Lâu dần, bên trông khu vực trồng mắm tạo được bãi bồi nên tình trạng sạt lở đất không còn”, một người dân sinh sống ven sông Lương Thế Trân, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thông tin, hiện nay trên địa bàn xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đất có nguy cơ cao như khu vực ven sông Kênh Ba, Rạch Gốc và các khóm 1,3,4 và 8. Đây là những khu vực ven sông có dân cư sinh sống rất đông. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và cấm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân nâng cao ý thức phòng tránh.

“Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị trấn xảy ra 2 vụ sạt lở đất với 11 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 1 tỉ đồng. Đến nay, về cơ bản các hộ này đã khắc phục hậu quả, bước đầu ổn định lại cuộc sống. Hiện huyện đã có quy hoạch khu tái định cư trên địa bàn thị trấn để di dời, bố trí dân cư khu vực sạt lở ven sông, ven biển vào sinh sống. Kinh phí đầu tư trên 47 tỉ đồng, địa phương đã đề xuất cấp trên hỗ trợ”, ông Đảm nói.

Bài liên quan
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau, Bạc Liêu chủ động phòng chống sạt lở đất mùa mưa bão