Chiều 7.3, Sở Chỉ huy phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cà Mau thông tin, địa phương vừa ghi nhận thêm 2.534 ca nhiễm mới - đây là con số cao kỷ lục được ghi nhận từ trước tới nay ở tỉnh này.
Theo Sở Chỉ huy phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cà Mau, trong ngày địa phương ghi nhận thêm 2.534 ca mắc mới (có 712 ca nhiễm là giáo viên và học sinh), nâng tổng số người nhiễm COVID-19 từ khi đại dịch bùng phát tại địa phương lên 74.194 người (có 3.179 ca là học sinh và 361 ca là giáo viên). Trong đó, đang điều trị cho 12.976 người (12.049 người điều trị tại nhà), điều trị khỏi hơn 61.000 người. Hôm nay (7.3), Cà Mau ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19 lên 303 người.
Các địa phương có tỷ lệ ca mắc cao trong ngày là TP.Cà Mau với 762 ca, huyện Đầm Dơi 319 ca, Trần Văn Thời 301 ca, Cái Nước 301 ca, Thới Bình 184 ca, Phú Tân 183 ca, Năm Căn 169 ca, U Minh 157 ca và Ngọc Hiển 152 ca.
Trong những ngày đầu tháng 3, tình hình dịch bệnh ở Cà Mau rất phức tạp, số ca mắc bệnh tăng “chóng mặt” từng ngày. Đây có thể là đợt bùng dịch mới tại tỉnh Cà Mau. Nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân bệnh tăng đột biến như những ngày qua là do sự chủ quan, lơ là của một bộ phận lớn người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.
Cùng với đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân trở lại bình thường, đặt biệt là “sự trở lại trường học” của giáo viên, học sinh đã và đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch rất cao trong trường học. Trong số các ca mắc COVID-19 là học sinh thì đã có hơn 50% dưới 12 tuổi chưa được tiêm ngừa vắc xin. Đây là nhóm người đặc biệt nhạy cảm vì chưa được tiêm vắc xin nên quyết định cho các em đến trường học trực tiếp cần được xem xét, cân nhắc thật cẩn trọng, cần có sự thống nhất giữa ngành y tế, ngành giáo dục và phụ huynh học sinh.
Tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, khó lường, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch đang ở mức cao. Do vậy, để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, mọi người dân cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó, đẩy lùi bệnh dịch. Tuân thủ, chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K của ngành y tế, thường xuyên đeo khẩu trang và không tụ tập nơi đông người.