Ngày 31.1, UBND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) tổ chức lễ phát động giao nộp các thiết bị, vật liệu, dụng cụ, ngư cụ khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt, tận diệt.
Bảo vệ môi trường

Cà Mau: Phát động người dân giao nộp dụng cụ xung điện, kích điện tận diệt thủy sản

Trần Khải 31/01/2024 19:35

Ngày 31.1, UBND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) tổ chức lễ phát động giao nộp các thiết bị, vật liệu, dụng cụ, ngư cụ khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt, tận diệt.

Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh Cà Mau triển khai chương trình hành động nhằm hiện thực chỉ đạo về việc “nói không với khai thác kiểu tận diệt”.

Điểm phát động được tổ chức tại Khánh Thuận. Đây là đơn vị cấp xã đầu tiên ở huyện U Minh đã ban hành nghị quyết và chương trình hành động về nội dung bài trừ việc dùng xung điện, kích điện trong khai thác hải sản và cá đồng, góp phần bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản.

phat-dong-3.jpg
Lực lượng chức năng tiếp nhận dụng cụ kích điện được người dân tự nguyện giao nộp - Ảnh: H.T

Theo đó, vấn nạn sử dụng xung điện để khai thác thủy sản diễn ra phức tạp trong nhiều năm qua tại tỉnh Cà Mau, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Với sự vào cuộc của ngành chức năng Cà Mau, từ năm 2005 đến tháng 9.2023, lực lượng địa phương đã phát hiện 1.220 trường hợp vi phạm, tịch thu 132 bình ắc quy, 1.137 kích điện, hơn 4.450m dây điện... Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách với số tiền hơn 5,7 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội biên phòng, công an trong tỉnh Cà Mau còn phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật gần 2.000 trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản (có cả trên biển và trong nội đồng).

Nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn khai thác kiểu tận diệt, trong nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm thực hiện các nghị định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Luật Thủy sản… Gần đây, vào giữa tháng 11.2023, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Đến cuối năm 2023, kết luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo nhiều việc cần làm ngay, trong đó có nội dung “tỉnh Cà Mau tuyên bố nói không với khai thác thủy, hải sản hủy diệt”.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai lộ trình thực hiện xử lý vi phạm khai thác tận diệt thủy sản. Trong tháng 1.2024, phải triển khai ngay việc tổ chức tuyên truyền, phát động cuộc vận động tại cơ sở để người dân không mua, bán và tự giác nộp tất cả các dụng cụ, thiết bị, vật liệu... trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản mang tính chất tận diệt.

phat-dong-2.jpg
Người dân đem dụng cụ kích điện đến giao nộp cho cơ quan chức năng - Ảnh: H.T

Sau cuộc vận động, ngành chức năng địa phương đã tiến hành tịch thu nếu phát hiện người dân còn lưu giữ, sử dụng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Người đứng đầu tỉnh Cà Mau cũng kiên quyết truy trách nhiệm đối với lãnh đạo quản lý, điều hành nếu địa phương nào trong tỉnh còn để xảy ra tình trạng người dân dùng xung điện để bắt tôm cá.

Tại lễ phát động vào ngày 31.1, ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh kêu gọi toàn thể nhân dân trên địa bàn ủng hộ, tích cực tham gia phong trào giao nộp các thiết bị, vật liệu, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt. Kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm… Lãnh đạo UBND huyện U Minh mong người dân xem việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống hiện tại cũng như tương lai của bản thân mình và của cộng đồng.

Sau lễ phát động, chính quyền địa phương đã tiếp nhận một số dụng cụ, ngư cụ sử dụng trong khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt được người dân tự nguyện giao nộp.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Phát động người dân giao nộp dụng cụ xung điện, kích điện tận diệt thủy sản