Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vừa có buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) giai đoạn 2011-2016.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, giai đoạn 2011-2016, UBND thành phố triển khai thực hiện 14 chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài với tổng số vốn gần 69.000 tỉ đồng, trong đó, giá trị vốn vay ODA đã ký hiệp định vay với các nhà tài trợ là gần 43.000 tỉ đồng và đã giải ngân gần 11.600 tỉ đồng.
Ông Toản cho rằng hầu hết các dự án sử dụng vốn vay ODA được đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng, ít có khả năng sinh lời trực tiếp như hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước… nhưng đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Toản, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA trong giai đoạn 2011-2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Đó là các dự án sử dụng vốn vay ODA thường bị chậm tiến độ, phát sinh chi phí do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trải dài trên địa bàn dân cư phức tạp trong khi khung thể chế về quản lý và sử dụng vốn vay ODA vẫn chưa đồng bộ với các quy định khác của pháp luật Việt Nam và các nhà tài trợ.
Đặc biệt, các dự án đường sắt đô thị có quy mô lớn, lần đầu triển khai thực hiện ở Việt Nam trong khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị, các hướng dẫn liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ các chủ sở hữu công trình trên mặt đất khi có công trình ngầm xây dựng đi qua đều chưa được các cơ quan trung ương hướng dẫn kịp thời.
Bên cạnh đó, dự án được thực hiện từ nhiều nguồn vốn của nhiều nhà tài trợ khác nhau, phải xin ý kiến từng nhà tài trợ dẫn đến việc kéo dài thời gian, thủ tục phê duyệt bổ sung vốn vay, phát sinh chi phí so với dự kiến.
Để thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiệu quả, UBND TP.Hà Nội đề nghị các cơ quan liên quan đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục mở quyền rút vốn, ký các hiệp định vay lại, điều chỉnh và gia hạn hiệp định vay cũng như các thủ tục liên quan.
Đặc biệt, các bộ ngành cần nâng cao hơn nữa vai trò làm chủ của Việt Nam trong việc đàm phán, tiếp nhận ODA để các điều kiện ràng buộc riêng của từng nhà tài trợ hài hòa với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, tránh việc phải tuân thủ đồng thời quy định của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ dẫn đến việc kéo dài thời gian và chậm giải ngân dự án.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dù đã chủ động tiết kiệm chi, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các dự án trọng điểm nhưng Thủ đô vẫn rất cần nguồn vốn của Chính phủ để giải quyết các dự án lớn mà chỉ chính phủ mới đủ tiềm lực như dự án làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ, hay các dự án đường sắt đô thị…
Đối với vướng mắc giải phóng mặt bằng, trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện 3 giải pháp: Thứ nhất đã giao toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng cho chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và trực tiếp Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Thứ hai, TP đã sắp xếp lại 36 ban quản lý dự án xuống còn 5 ban quản lý, mỗi ban có phòng chuyên trách về vốn vay nước ngoài nên cán bộ cũng chuyên nghiệp hơn. Thứ ba, TP tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cán bộ… nhờ đó khâu giải phóng mặt bằng đã được đẩy nhanh tiến độ hơn giai đoạn trước.
Trong việc sử dụng vốn vay ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Hà Nội tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án một cách đồng bộ, đảm bảo hòa hợp với lợi ích của người dân.
Đồng thời, đoàn sẽ xem xét, tham mưu với Thường vụ Quốc hội các kiến nghị, đề xuất của thành phố để điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách hợp lý, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả từng chương trình, dự án đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài trong thời gian tới.
2 dự án lớn chậm tiến độ
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới đạt tiến độ thực hiện khoảng 44%. Riêng phần trên cao đã thi công được 77%. Đến tháng 7.2018, dự án đã giải ngân tổng cộng 7.767 tỉ đồng (vốn ODA 6.252 tỉ đồng và vốn đối ứng 1.515 tỉ đồng). Do kế hoạch vốn trung hạn của dự án đã hết nên hiện nay không có cơ sở giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2018 (790 tỉ đồng) và các năm tiếp theo cho dự án.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên đến nay, dự án chậm tiến độ và TP đã rà soát lại dự án, đôn đốc tiến độ để năm 2020 hoàn thành đưa và sử dụng đoạn trên cao từ Nhổn đến nhà ga S8 (trước cửa Đại học GTVT), năm 2022 hoàn thành toàn bộ dự án.
Về tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án được phê duyệt tháng 11.2008 với thời gian dự kiến hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới hoàn thành sơ tuyển 5/5 gói thầu xây lắp thiết bị chính của dự án, hiện chưa thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu do dự án điều chỉnh chưa được phê duyệt.
Dự án hiện mới hoàn thành khoảng 80% diện tích khu depot; khoảng 45% diện tích đoạn trên cao và 20% diện tích đoạn đi ngầm; tổng giải ngân của dự án đến hết năm 2017 là hơn 784 tỉ đồng, khoảng 4%.
Lam Thanh