Cố Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez và cựu Tổng thống Brazil, Luiz Inacio da Silva từng mơ về một trật tự thế giới mới. Những người kế vị họ chỉ chứng kiến giấc mơ ấy đổ vỡ tan tành. Dưới đây là tóm lược bài báo của Christopher Sabatini trên Foreign Policy (10.12.2015).

Cái chết buồn của cánh tả Mỹ Latin

23/05/2016, 04:58

Cố Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez và cựu Tổng thống Brazil, Luiz Inacio da Silva từng mơ về một trật tự thế giới mới. Những người kế vị họ chỉ chứng kiến giấc mơ ấy đổ vỡ tan tành. Dưới đây là tóm lược bài báo của Christopher Sabatini trên Foreign Policy (10.12.2015).

Ở Mỹ Latin, khủng hoảng kinh tế, tham nhũng và bây giờ là nổi dậy chính trị đã kết liễu chủ nghĩa phiêu lưu đối ngoại của hai quốc gia từng có vẻ sẽ dẫn đầu kỷ nguyên mới, đó là Brazil và Venezuela. Cả hai nền kinh tế này nay đang lún sâu vào vòng xoáy suy thoái. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đang phải đối mặt với thủ tục luận tội do scandal tham nhũng khổng lồ (*). Và với thất bại thảm hại của đảng cầm quyền của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6.12.2015, những tham vọng đầy tự hào của hai quốc gia này cách nay chỉ một thập kỷ, giờ tỏ ra là hoang tưởng.
Những năm đầu thế kỷ 21, Venezuela và Brazil tìm cách rũ bỏ sự thống trị hàng thế kỷ của Mỹ. Hugo Chavez của Venezuela và Luis Inacio “Lula” da Silva của Brazil đứng ở tuyến đầu của một thế hệ lãnh đạo nhà nước Mỹ Latin trẻ hơn. Trước sự lo lắng đáng kể của các quan chức ở Washington, họ dường như báo hiệu một giai đoạn mới đầy xáo động trong mối quan hệ của khu vực với Mỹ.
Chavez và cuộc cách mạng tự nhận theo Simon Bolivar, vị anh hùng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của Venezuela, đã mua lấy đồng minh thông qua việc bán dầu lửa với giá rẻ mạt và quyến rũ những chế độ như Iran của Mahmoud Ahmadinejad. Ngược lại, chính sách đối ngoại thực dụng của Brazil tập trung vào việc cải cách trật tự thế giới hiện tại cũng như tìm cách kiềm chế sức mạnh của Mỹ ở Tây bán cầu và rộng hơn là dân chủ hóa các thiết chế đa phương như Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với mong muốn Brazil sẽ là người hưởng lợi lớn nhất.
Những giấc mơ đó được nuôi dưỡng bởi những nhân vật như Lula và Chavez. Nhưng chúng cũng dựa trên một sự bùng nổ kinh tế không thể kéo dài và trong thực tế đã không kéo dài. Những người kế tục họ đã bị buộc phải tém dẹp bớt những tham vọng của họ giữa sự sụp đổ của giá cả hàng hóa toàn cầu. Rousseff, nguyên chủ tịch của công ty dầu lửa quốc doanh Brazil Petrobras, nguyên lãnh đạo du kích, đã phải vật vã nhằm thoát khỏi tình trạng Trung Quốc giảm cơn đói ăn hàng quặng sắt và nông sản của Brazil, cũng như Nicolas Maduro đã không thể tìm ra câu trả lời cho việc giá dầu giảm mạnh.
Cuối cùng, dù chiến lược khác nhau, cả Brazil và Venezuela đều quay trở lại vị thế khiêm tốn trước đây, với giấc mơ quốc tế tan tành.
***
Từ đầu, Chavez đã tìm cách làm sống lại tầm nhìn của Bolivar về một đại liên minh của các quốc gia Andean (**) được đặt tên là “Gran Colombia” (Đại Colombia), bao gồm Venezuela, Colombia và nhiều quốc gia khác. Ông không ngần ngại đặt tên cho giấc mơ của mình là “Liên minh Bolivar của các dân tộc châu Mỹ chúng ta” (ALBA) và hứa hẹn sẽ thiếp lập một đồng tiền chung, phối hợp chính sách quân sự chung và thành lập một ngân hàng khu vực mới đặt tên là Banco del Sur nhằm tài trợ cho phát triển mà không đi kèm các điều kiện đặc trưng do IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) áp đặt.
Cùng lúc, với giá dầu tăng lên 100 USD/thùng, Chavez vừa trở thành nhà vô địch của phe tả chống toàn cầu hóa vừa là con ngáo ộp của cánh hữu Mỹ. Cả những nhà kinh tế đáng kính trọng như Mark Weisbrot lẫn thành viên giới thượng lưu Hollywood như Oliver Stone, Michael Moore, và Sean Penn đều ủng hộ sự bảo trợ mang tính dân túy dựa trên dầu lửa, theo đó chính phủ sẽ thành lập những ngân hàng thực phẩm bao cấp và cung cấp việc làm như là giải pháp kinh tế và chính trị có hiệu quả, thay thế cho Mỹ và học thuyết kinh tế chính thống của Đồng thuận Washington những năm 1990.
Việc phe tả đi theo Chavez một phần phản ánh sự coi thường của phe tả đối với chính quyền George W. Bush và ngược lại, và phần khác xuất phát từ niềm tin đích thực nhưng sai lạc rằng cuộc cách mạng tự xưng theo Bolivar của Chavez là vững chắc. Sự đoàn kết với Chavez đòi hỏi phe tả bỏ qua sự im lặng của ông ta về những vấn đề tiến bộ như môi trường và quyền của giới LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới), và sự tổn hại mà ông ta thực sự gây ra cho nền kinh tế và thiết chế của Venezuela khi làm cho đất nước này phụ thuộc hơn nữa vào xuất khẩu dầu, gây ra lạm phát, chính trị hóa quân đội và đưa đồng minh của mình vào đầy trong hệ thống tòa án.
Trong khi đó, những tham vọng kiểu Bolivar của Chavez làm cho giới bảo thủ Mỹ tức giận. Ông ta sử dụng uy tín của mình và sự lao dốc của giá cả hàng hóa để chống lại tự do thương mại và gọi Tổng thống Bush là ác quỷ. Ngược lại các quan chức Mỹ cũng tìm cách ngăn cản Chavez cũng như đồng minh của Chavez là Cuba, và công khai tỏ ra lo lắng về những ý đồ ý thức hệ và quân sự của ALBA mà hàng ngũ bao gồm những lãnh tụ cánh tả mới đầy hứng khởi ở Ecuador, Nicaragua và có lúc cả ở El Salvador và Honduras.
Về mặt kinh tế mà nói, liên minh ấy không chỉ toàn ngôi sao. Năm 2011, tổng GDP của nó chỉ bằng 14% của cả châu Mỹ Latin và các nước Caribbean, và tầm nhìn kinh tế của Chavez đã chẳng thể làm gì để cải thiện số phận của họ. Các quốc gia Caribbean, El Salvador và Nicaragua ngày càng phụ thuộc vào dầu lửa mà Venezuela cung cấp với giá rẻ và đã không làm gì mấy để phát triển những nguồn dầu lửa và tạo thu nhập khác ổn định hơn. Ngay tại Venezuela, sự lệ thuộc quá sâu vào dầu lửa đã kéo lùi sự phát triển của những khu vực khác trong nền kinh tế đến mức mà ngày nay dầu lửa chiếm đến 95% thu nhập từ xuất khẩu của nước này. Cùng lúc, trong khi vơ vét túi tiền của công ty dầu lửa quốc doanh thì Venezuela lại không đầu tư vào công nghệ và điểm khai thác mới, khiến cho sản lượng từ 3 triệu thùng/ngày nay giảm xuống chỉ còn 2,2-2,5 triệu thùng/ngày.
Tất nhiên, thiệt hại do chủ nghĩa Chavez gây ra là có thực và được cảm nhận một cách sâu sắc. Nhưng đặc điểm nổi bật hơn của chính phủ Chavez, Maduro và dự án theo đường lối Bolivar là sự bất lực, tham nhũng và tội ác, hơn là một sự nhất quán về ý thức hệ. Ngày nay, nền kinh tế Venezuela là nền kinh tế kém hiệu quả nhất trên thế giới, với GDP được dự báo sẽ sụt giảm khoảng 10%. Dân chúng thiếu thốn đủ thứ, từ những nhu yếu phẩm như ngũ cốc và giấy vệ sinh; lạm phát có khả năng lên tới 200% trong năm nay và tỉ lệ tội phạm giết người đứng hàng thứ 2 trên thế giới.
Bạn bè của Venezuela trong khu vực, một thời dựa mạnh vào nguồn dầu lửa khổng lồ của nước này, nay đang tìm hướng đi mới. Tổng thống Bolivia, Evo Morales, từng là một trong những bạn bè thân thiết của Chavez, đã khước từ sự rộng rãi về dầu lửa của Chavez vào năm 2014. 17 thành viên của khối các quốc gia nhận dầu lửa trợ cấp từ Venezuela, gọi là Petro-Caribe, đã bắt đầu tìm giải pháp thay thế như các nguồn năng lượng tái tạo và đầu tư quốc tế để phát triển khí thiên nhiên. Ngay cả Cuba, nước nhận 100.000 thùng dầu/ngày từ Venezuela cũng đang tìm kiếm những đối tác dầu lửa mới. Với giá dầu chỉ còn 40 USD/thùng, Cuba nay nhận ra rằng làm một nhà nước khách hàng của Venezuela không còn đáng giá như trước nữa, và điều này đã góp phần vào việc Cuba xích lại gần với Mỹ.
Ngược lại với Venezuela, hoạt động đối ngoại tích cực hơn một thập kỷ qua của Brazil mang tính chất phái giữa, thực dụng hơn và phản ánh ước muốn lâu đời của nước này là được tôn trọng và được ngồi chung bàn với các cường quốc thế giới.
Khi đảng Công nhân (PT) của Lula giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2002, những ước mơ ấy mang dấu ấn rõ rệt của đảng. Tất nhiên, không giống như Chavez, Lula đã vội vàng bảo đảm với thị trường tài chính rằng ông không phải là một người cực đoan, mặc dầu vốn nổi tiếng là một cựu lãnh đạo công đoàn theo phái tả. Tuy vậy, trong khi phương pháp và lời lẽ của ông không cuồng nhiệt như người láng giềng Venezuela, chính sách đối ngoại của ông cũng tìm cách lấy đi bớt quyền lực toàn cầu khỏi các nước phát triển phía Bắc. Từ năm 2003, Brazil tự đặt mình làm người trung gian thương lượng cho những tham vọng kinh tế và ngoại giao của các nước phía Nam, nhưng thường nhắm tới việc kiểm soát ảnh hưởng của Mỹ ở Tây bán cầu.
Sự quả quyết mới của Brazil là đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Nó bắt đầu tại cuộc thương lượng năm 2003 ở Miami về Khu vực Thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) nhằm thiết lập một hiệp định thương mại tự do cho toàn khu vực. Brazil đòi quyền được duy trì một chính sách phát triển quốc gia cho phép mình lựa chọn và bảo hộ những khu vực kinh tế nhằm phát triển cơ sở chế tạo của mình. Lập trường không nhượng bộ của Brazil, được sự ủng hộ của một số chính phủ khác, khiến Washington không thể đạt được một hiệp định thương mại tự do truyền thống theo kiểu Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mexico, Canada và Mỹ. Một lập trường cứng rắn tương tự, lần này là để bảo vệ xuất khẩu nông sản của Brazil, đã làm hỏng vòng thương lượng Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Cancun vào đầu năm nay. Trong cả hai trường hợp, thông điệp của Brazil là rõ ràng: Brazil sẽ là nhà vô địch đấu tranh cho các đòi hỏi về kinh tế của phía Nam trên sân khấu toàn cầu.
Nhưng Brazil chưa bao giờ có thể biến vai trò gia tăng của mình trong chính sách kinh tế thành ảnh hưởng ngoại giao rộng lớn hơn. Năm 2010, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ngăn chận một lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran do chương trình hạt nhân của nước này, bằng cách tiến hành thương lượng giờ chót với Tehran. Nhưng các quan chức Brazil đã không thuyết phục được các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) đồng ý. Tương tự, trong thời gian làm thành viên không thường trực của HĐBA, Brazil cũng đã tránh né bỏ phiếu về Syria và Lybia. Những cố gắng của Brazil nhằm áp đặt ý chí của mình lên nền ngoại giao địa chính trị đã thất bại, và cơ hội của Brazil có lẽ đã qua.
Hiện tại, Brazil đang chìm sâu vào bất ổn nội bộ. Sau khi đã tăng trưởng bình quân 4,6%/năm từ 2005 đến 2008, rồi 3,9% vào năm 2011 tiếp theo sau cuộc suy thoái toàn cầu, năm nay nền kinh tế này được dự báo chỉ còn tăng gần 3%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái. Cùng lúc, vụ gian lận quy mô lớn liên quan đến công ty dầu lửa nửa tư nhân, nửa quốc doanh Petrobras được phát lộ, có dính líu đến cả các thành viên của đảng Công nhân cầm quyền lẫn đảng Xã hội Dân chủ Brazil và đảng đối lập Dân chủ Xã hội chủ nghĩa. Quan trọng hơn, vụ scandal này đã làm hoen ố nhiều tượng đài của khu vực tư nhân Brazil, từ Petrobras đến nhóm các công ty cơ sở hạ tầng có dính líu trong việc đưa hối lộ để giành phần trong những hợp đồng lên tới 23 tỉ USD từ Petrobras, chẳng hạn Odebrecht và Andrade Gutierrez. Một phần trong số tiền lại quả đã chảy vào két các chính đảng, bao gồm cả PT mà người ta nói là nhằm tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Rousseff.
Cùng lúc, những nỗ lực của Brazil về mặt chính sách đối ngoại không mang lại mấy kết quả. Cơ may chiếm được một cái ghế trong HĐBA mở rộng cũng giảm. Trong một cuộc thảo luận mới đây với các nhà ngoại giao Nhật Bản, họ nói với tôi rằng họ hoài nghi việc Brazil, với các khó khăn chính trị và kinh tế hiện tại, có thể trở thành một thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc. Dù không lộ rõ sự cuồng nhiệt ý thức hệ và sự kém cỏi như quốc gia láng giềng, giấc mộng lãnh đạo một liên minh có khả năng xác định lại trật tự thế giới của Brazil đã phải giảm bớt, ít nhất là trong hiện tại. Thất bại của Brazil là đã nhầm lẫn vị thế của mình cách đây mấy năm - lúc đang trải qua sự bùng nổ kinh tế trong khi Mỹ lại ở trong một giai đoạn sa sút tinh thần và suy giảm ảnh hưởng kinh tế - là số phận tương lai của mình; đã xem nhẹ sức mạnh kinh tế tiềm tàng của Mỹ, đồng thời là sự mong manh của chính nền kinh tế của mình.
Nhiều chủ đề mà Brazil đưa ra như dân chủ hóa các tổ chức đa phương , chú ý hơn tới các đòi hỏi về thương mại của phía Nam, bao gồm việc giảm trợ cấp nông nghiệp của phía Bắc, là chính đáng. Vấn đề là, với sự bất ổn chính trị và kinh tế hiện tại, liệu Brazil có thể lấy lại vị thế toàn cầu và uy tín của mình để đấu tranh cho các chủ đề trên mà không đối kháng với Washington?
***
Với chính phủ Venezuela, tham vọng của họ quá nặng về ý thức hệ để có thể trở thành hiện thực. Giá dầu cao vừa cho phép họ đi theo chủ nghĩa phiêu lưu vừa cho phép tình trạng thiếu kỷ luật, cuối cùng đã giết họ. Chavez và Maduro để cho tham nhũng lan tràn, “cướp bóc” ngân hàng trung ương và công ty dầu quốc doanh để tài trợ cho các dự án chính trị của họ. Họ cũng chính trị hóa hệ thống tòa án và quân đội, và theo nhiều báo cáo còn tiếp tay cho buôn lậu ma túy từ nước Colombia láng giềng vào Venezuela. Tháng 11 năm ngoái, các viên chức Mỹ đã bắt giữ hai người cháu của đệ nhất phu nhân Venezuela với lý do có kế hoạch buôn lậu cocaine vào Mỹ.
Chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6.12 năm ngoái tượng trưng cho sự bác bỏ của dân chúng không chỉ đối với thất bại kinh tế nghiêm trọng mà cả đối với giấc mơ siêu quốc gia của chính phủ nước này. Tổng thống Maduro sẽ thấy ngày càng khó khăn hơn để bảo vệ những chương trình biếu không dầu lửa cho các nước khác trong khi trên quầy kệ các cửa hàng trống lốc các nhu yếu phẩm. Tuy vậy, phe đối lập vẫn đang đối mặt với thách thức khi tìm cách lôi kéo sự chú ý vào những sai lầm của chính phủ. Siêu đa số mà họ nắm trong Quốc hội không giúp họ có thêm quyền lực trực tiếp trong các vấn đề đối ngoại, và việc chính phủ biếu không dầu lửa vẫn còn đảm bảo cho nó sự ủng hộ tại Tổ chức các nước châu Mỹ và tại Liên hợp quốc.
Với Brazil, sự ủng hộ thấp của công chúng, một nền kinh tế chao đảo, một scandal tham nhũng ngày càng lan rộng và sự nổi dậy chính trị chỉ có thể làm suy yếu Rousseff và đảng PT, ngăn cản họ giải quyết những thách thức căn bản về chính trị và kinh tế mà đất nước đang đối mặt. Và trong khi sự bất định chính trị tiếp tục kéo dài, nền kinh tế đất nước này sẽ tiếp tục chao đảo khi các nhà đầu tư tìm cách tháo chạy. Nguy cơ xảy đến đối với di sản lâu dài của đảng PT, không chỉ trong việc thúc đẩy một chương trình nghị sự phe tả ôn hòa ở Tây bán cầu mà còn trong việc tìm cách tạo một tiếng nói và một chương trình nghị sự cho phía Nam trên toàn cầu.
Đoàn Khắc Xuyên (lược dịch)

(*) Ngày 12.5.2016, Thượng nghị viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc khởi động quá trình luận tội và ngưng chức Tổng thống Dilma Rousseff trong 6 tháng khi bà chưa đi hết nửa nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
(**) Cộng đồng các quốc gia Andean bao gồm Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái chết buồn của cánh tả Mỹ Latin