ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh rằng, cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách mà năng lực hạn chế thì nên từ chức, nhường lại vị trí cho những người xứng đáng hơn.
Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Thông báo số 20-TB/TW).
Bộ Chính trị kết luận việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Đồng thời, điều này cũng để kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà cần không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; thực hiện phương châm "có vào có ra, có lên có xuống" trong công tác cán bộ.
“Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu người đó không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”, kết luận nêu.
Nhiều quan điểm đồng tình, hưởng ứng với Thông báo số 20 của Bộ Chính trị. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, đảng viên là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên. Theo đó, Kết luận của Bộ Chính trị là một cách mở đường, "cẩm nang" cho mỗi cán bộ suy nghĩ về bản thân mình. Bởi việc từ chức chính là cuộc đấu tranh tự thân của chính các cán bộ này.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết ông rất đồng tình với việc Bộ Chính trị ban hành quy định này. Theo đó, cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách mà năng lực hạn chế thì nên từ chức, nhường lại vị trí cho những người có năng lực, uy tín xứng đáng hơn.
“Nếu cán bộ có tự trọng mà cảm thấy thời gian qua, bản thân vi phạm kỷ luật, năng lực hạn chế, yếu kém, dư luận có ý kiến mà vẫn giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo, thì phải suy nghĩ việc xin từ chức, bởi khi đó uy tín, việc chỉ đạo với cấp dưới không còn, nội bộ sẽ có nhiều vấn đề”, ông Hòa nói và cho biết đây còn là vấn đề nêu gương cho các cán bộ khác trong văn hóa từ chức khi bị kỷ luật.
Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, với những cán bộ bị kỷ luật khiển trách nhưng sai phạm không quá nghiêm trọng, do lý do khách quan… mà cán bộ đó có năng lực, có uy tín thì có thể vẫn tiếp tục công tác, nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn.
Thực tế, dư luận cũng đặt vấn đề rằng “ghế” đi đôi với quyền lợi, do đó nhiều người sai phạm nhưng vẫn không tự nguyện từ chức. Về vấn đề này, ông Hòa cho hay, vấn đề văn hóa từ chức đã được nhiều người, nhiều nơi, kể cả trên nghị trường Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, thực tế rất ít trường hợp sau khi bị kỷ luật hay có uy tín, năng lực hạn chế xin từ chức, mà đa số đều do cấp có thẩm quyền xử lý, điều chuyển công tác. Do đó, ông Hòa cho rằng cần phải thay đổi trong vấn đề này, phải hình thành được “văn hóa từ chức” trong quan chức.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, từ kết luận của Bộ Chính trị cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, lãnh đạo và người thân, xã hội thấy việc từ chức hoàn toàn bình thường. Theo đó, cần xây dựng văn hóa từ chức áp dụng chung chứ không chỉ với những người đã vi phạm, khuyết điểm.
Trao đổi trên truyền thông về vấn đề này, TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản cho rằng, có thể thấy các cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân cơ bản là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực và do năng lực lãnh đạo, quản lý hạn chế.
“Khi hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ không còn và với chút danh dự, liêm sỉ của người cán bộ nên từ chức. Đó là sự rút lui trong danh dự. Tuy nhiên, hiện tượng "tham quyền cố vị" và "còn chức sẽ còn quyền, còn lợi" khiến không ít cán bộ đã bị kỷ luật khó thay đổi được tâm lý. Do vậy, việc từ chức chính là cuộc đấu tranh tự thân của chính các cán bộ này”, ông Phúc nói.
Về việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm, cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác, Bộ Chính trị cũng cho biết cấp có thẩm quyền sẽ xem xét theo nguyện vọng.
Theo đó, cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau:
Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm: Cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Cán bộ ở cơ quan trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.
Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên thi cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như nêu trên.
Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.
Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Giao Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thông báo kết luận này bảo đảm đồng bộ, thống nhất; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.