Đất nước còn khó khăn càng cần sự công bằng trong thu - nộp và chi ngân sách. Hơn ai hết, người dân ở những tỉnh - thành đóng góp ngân sách chủ lực, như TP.HCM, có quyền đòi hỏi sự công bằng này.

Cần sự công bằng trong thu - nộp và chi ngân sách

04/01/2019, 07:16

Đất nước còn khó khăn càng cần sự công bằng trong thu - nộp và chi ngân sách. Hơn ai hết, người dân ở những tỉnh - thành đóng góp ngân sách chủ lực, như TP.HCM, có quyền đòi hỏi sự công bằng này.

Đại biểu Phan Như Khuê cho rằng cần phải phân bổ ngân sách hợp lý hơn cho TP.HCM - Ảnh: Lê Quân

Vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Nhân dân TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP đã phát biểu "TP.HCM làm được 100 đồng thì nộp ngân sách hết 82 đồng, trong khi còn phải thực hiện Nghị quyết 54 về bảo đảm an sinh xã hội. Vậy với 18 đồng thì chi tiêu ra sao?" Lần đầu tiên, việc đóng góp ngân sách cho TW được công khai bàn luận và báo chí đưa tin. Lâu nay, chỉ râm ran vỉa hè hay lúc trà dư tửu hậu. Người dân kêu ca việc thành phố chậm phát triển, các phúc lợi xã hội kém mà không rõ nguồn cơn. Trước đó, khi trao đổi với Bộ trưởng Tài chính, ông Khuê đã ví von “Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt sữa quá nhiều mà không bồi dưỡng gì".

Bao năm nay, TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước về thu - nộp ngân sách. Năm 2017, trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách cho TP.HCM là 347.882 tỉ đồng. Năm nay, chỉ tiêu ấy tăng thêm 8,31% nữa; tức 376.780 tỉ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày, kể cả chủ nhật, TP phải đạt mức thu hơn 1.032 tỉ đồng. Nghĩa là mỗi giờ phải thu được 43 tỉ, mỗi phút phải thu được 717.000.000 đồng. Chỉ tiêu này quá cao, không thể hoàn thành thì năm 2019, trung ương giao TP thu ngân sách 400.000 tỉ đồng…

Thông thường, doanh thu càng cao thì mức thưởng càng lớn. Đằng này, nộp ngân sách mỗi năm đều tăng nhưng tỉ lệ được giữ lại để đầu tư cho thành phố ngày càng giảm. Khó mà tưởng tượng là từ 2017, thành phố chỉ được giữ lại 18% doanh thu. Tỉ lệ này trước đây là 23%, nay giảm thêm 5%, còn 18% (giai đoạn 2017-2020), khiến TP phải nỗ lực xoay trở bằng mọi cách để có nguồn vốn bảo đảm phát triển.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách của TP giai đoạn 2016-2020 là hơn 296.700 tỉ đồng nhưng chỉ có thể bố trí vốn cho giai đoạn này được 50% nhu cầu. Nhiều công trình trọng điểm hiện đang đói vốn trong khi hàng loạt hạng mục khác thuộc phạm vi Nghị quyết 54 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2018) cũng đang rất cần đồng tiền ngân sách.

TP.HCM luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ngân sách trung ương giao. Trong lúc chưa thể giảm tải cho TP thì trung ương cần phải siết chặt kỷ luật về chi ngân sách, không để TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc và 10 tỉnh, thành khác năm này qua năm khác nai lưng đóng góp cho ngân sách, trong khi 47 tỉnh - thành còn lại thì cứ triền miên xin phân bổ.

Những ngày cuối năm này, nhiều địa phương đã tính xin trung ương phân bổ gạo để cứu đói cho người dân dịp Tết sắp tới. Thực tế không đáng như vậy, nếu biết tiết kiệm, chắt chiu và “Liệu cơm gắp mắm”. Lắm nơi, đầu năm tìm mọi cách được trung ương duyệt phân bổ ngân sách, cuối năm vác đơn đi xin gạo cứu đói giáp hạt nhưng vẫn lạnh lùng duyệt chi cho cán bộ đi nước ngoài hàng tỉ đồng, bắn pháo hoa tốn kém; lập đề án xây quảng trường, tượng đài, trung tâm hành chính hàng ngàn tỉ…

Đất nước còn khó khăn càng cần sự công bằng trong thu - nộp và chi ngân sách. Hơn ai hết, người dân ở những tỉnh - thành đóng góp ngân sách chủ lực, như TP.HCM, có quyền đòi hỏi sự công bằng này. Việc phân bổ chỉ tiêu bất hợp lý tạo nên nhiều hệ quả. Các tỉnh phải đóng góp quá nhiều không còn đủ kinh phí “khoan thư sức dân”. Các tỉnh được bao cấp thì ỷ lại, vừa không nỗ lực, vừa chi tiêu hoang phí. Dân nghèo vẫn nghèo, chỉ người có ghế là thoải mái. Phải có lộ trình rõ ràng và cụ thể thoát cảnh bao cấp ngân sách toàn bộ cho 47 tỉnh một cách không hiệu quả. Các tỉnh đang phải trích nộp ngân sách cũng cần được tính toán hợp lý hơn, không để tình trạng TP.HCM phải oằn lưng với 18% còm cõi dằn túi.

Số liệu tỉ lệ nộp ngân sách của 16 tỉnh thành lần lượt là TP.HCM 82%, Hà Nội 65%, Bình Dương 64%, Đồng Nai 53%, Vĩnh Phúc 47%, Bà Rịa Vũng Tàu 36%, Quảng Ninh 35%, Đà Nẵng 32%, Khánh Hòa 28%, Hải Phòng 22%, Bắc Ninh 17%, Quảng Ngãi 12%, Quảng Nam 10%, Cần Thơ 9%, Hưng Yên 7%, Hải Dương 2%. 47 tỉnh còn lại, không chỉ làm bao nhiêu xài bấy nhiều mà còn được TW hỗ trợ. Thế mới bết tại sao Đà Nẵng có tốc độ phát triển nhanh. Nhiều trụ sở và xe công của 47 tỉnh thành được bao cấp hoành tráng hơn hẳn 16 tỉnh thành phải trích nộp ngân sách.

TP.HCM nếu được trích lại 68% như Đà Nẵng hiện nay thì đã phát triển rất xa so với hiện giờ? Thực ra, trước đây, Đà Nẵng chỉ phải trích nộp 15%, Hà Nội là 58%. Bò sữa cũng phải được bồi bổ, chăm sóc mới có đủ sữa chất lượng. Cứ để tình trạng như hiện nay, TP.HCM còn khổ gấp mấy lần bò sữa, nói chi việc bứt phá đuổi kịp các thành phố lớn trong khu vực.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
7 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sự công bằng trong thu - nộp và chi ngân sách