Những lối thoát hiểm nằm rải rác trong các dãy nhà ở khu tái định cư Thới Nhựt 2, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đang được người dân ở đây sử dụng để… trồng cây. Thậm chí có người còn làm cổng rào lại như là hẻm riêng của nhà mình.
Một số người dân ở khu tái định cư Thới Nhựt 2 phản ánh việc lối thoát hiểm ở đường số 4, 5, 6… nhiều năm qua bị người dân lấn chiếm, xây dựng mái che, khung sắt bao chiếm làm mất mỹ quan đô thị của khu vực.
PV ghi nhận thực tế và nhận thấy tại các tuyến đường trên của khu tái định cư này có rất nhiều mái che, khung sắt bao lưới dựng lên ngay trước nhà của một số hộ dân. Nhức nhối hơn cả là hầu hết các lối thoát hiểm ở 2 tuyến đường này đều được người dân tận dụng để trồng cây, để đồ đạc. Có hộ dân xây dựng nhà trọ còn dựng cổng rào sắt bao chiếm lại, coi như là đất của nhà mình, dùng làm lối đi nội bộ cho người trong các phòng trọ.
Việc làm tự phát này khiến các lối thoát hiểm không được dùng đúng chức năng của nó khi xảy ra sự cố, gây bất tiện cho các hộ dân khác. Nhất là gần đây công viên ven sông ở đường số 6 hoàn thành, nhiều người muốn dùng lối đi này để đi nhanh xuống công viên để tập thể dục, hóng mát đều không được vì bị cửa sắt rào kín. Một số cửa luôn đóng kín, một số thì mở vào ban ngày, ban đêm và rạng sáng thì đóng kín.
Hơn nữa các cửa rào sắt này còn tạo ra cảnh quang nhếch nhác, mất thẩm mỹ trong 1 khu dân cư ở nội ô TP.Cần Thơ. Ở khu vực đường số 6, một phần đất công cộng còn bị bao chiếm để làm bãi giữ xe cho 1 quán cà phê Zone 7 (còn gọi là “căn nhà dát vàng” - thực ra là sơn màu vàng… mới khai trương gần đây.
Một số hộ dân cho biết đã phản ánh vấn đề này đến chính quyền địa phương nhưng đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi với Một Thế Giới, bà Lê Thị Thanh Tâm - Phó chủ tịch P.An Khánh cho biết đối với bãi giữ xe của quán cà phê “Căn nhà dát vàng” ở đường số 6, đây là phần đất sẽ dùng để làm công viên. Chủ quán cà phê cam kết khi xây dựng công viên sẽ tự nguyện giao trả lại mặt bằng.
Về các lối thoát hiểm, mái che khung sắt của các hộ dân, bà Tâm cho biết đã 2 lần gửi thông báo đến các hộ dân này, đề nghị tháo dỡ. Sắp tới UBND phường sẽ còn gửi thông báo lần thứ 3, sau đó sẽ lập đoàn tiến hành tháo dỡ để trả lại hiện trạng ban đầu. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm những việc này trong thời gian nhanh nhất”, bà Tâm nói.
Nữ phó chủ tịch phường cũng cho biết một số khó khăn khi giải tỏa ở các lối thoát hiểm do ý thức người dân còn kém. Lúc trước khi các lối thoát hiểm này thông thoáng, nhiều người dân ý thức kém đem rác đến để hoặc dẫn chó mèo đến phóng uế thường xuyên gây mất vệ sinh công cộng.