Thời gian gần đây, có những chuyên gia đánh giá vi rút Zika không quá nguy hiểm, dịch bệnh này không nguy hiểm bằng sốt xuất huyết, thậm chí chỉ giống như bệnh cúm mùa thông thường. Điều ấy đang khiến nhiều người tỏ ra khá thờ ơ với dịch bệnh vi rút Zika.

Cắt đứt đường lây truyền vi rút Zika khó hơn nhiều so với Ebola và Mers- Cov

Hồ Quang | 15/04/2016, 17:08

Thời gian gần đây, có những chuyên gia đánh giá vi rút Zika không quá nguy hiểm, dịch bệnh này không nguy hiểm bằng sốt xuất huyết, thậm chí chỉ giống như bệnh cúm mùa thông thường. Điều ấy đang khiến nhiều người tỏ ra khá thờ ơ với dịch bệnh vi rút Zika.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giớivề điều này, PGS-TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nói rằngnếu chủ quan, lơ là trong việc phòng chống xâm nhập từ bên ngoài; người dân, chính quyền không tích cực diệt lăng quăng, muỗi thì nguy cơ lây lan dịch do vi rút Zikatrong cộng đồng là không tránh khỏi.

“Nếu càng nhiều người trong cộng đồng bị nhiễm bệnh, thì nguy cơ phụ nữ mang thai nhiễm bệnh trong cộng đồng sẽ càng cao, đồng nghĩa với việc nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau, đến giống nòi càng lớn. Diễn tiến trên thế giới đã chứng minh điều này. Dịch bệnh do vi rút Zika ở Brazilkéo dài gần 2 năm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2015 có 30 nước thông báo có dịch Zika, nay đã gia tăng nhanh chóng lên 62 quốc gia chỉ trong vòng 4 tháng gần đây. Nếu để dịch bệnh bùng phát sẽ rất khó kiểm soát”, ông Lân cảnh báo.

- Vậy nếu so vi rút Zika với các dịch bệnh mới nổi gần đây (Mers-CoV, Ebola...) thì mức độ nguy hiểm của dịch bệnh vi rút Zika như thế nào, thưa ông?

- Đánh giá sự nguy hiểm của một bệnh đối với cộng đồng, cầndựa trên các yếu tố: tình trạng bệnh của cá thể; khả năng lây lan trong cộng đồng và hiệu quả của các biện pháp phòng chống.

Các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây như Ebola, Mers-CoV đều có khả năng lây truyền từ người qua người, hoặc động vật qua người thông qua tiếp xúc dịch tiết hoặc qua đường hô hấp và gây ra bệnh cảnh nặng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nguồn bệnh dễ phát hiện hơn, do đó dễ dàng, hiệu quả hơn cắt đứt đường lây truyền sang người.

Đối với bệnh do vi rút Zika, càng lúc càng nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika và dị tật đầu nhỏ trên thai nhi và nhiều dị tật bẩm sinh khác trên hệ thần kinh. Với người lớn, cũng có nghiên cứu cho thấy vi rút Zika gây tổn thương hệ thần kinh như hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guilain Barre). Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp thường có triệu chứng sốt nhẹ, phát ban, đau cơ, đau khớp, đa số bệnh cảnh nhẹ và không cần nằm viện.

- Ông đánh giá như thế nào về tác động của môi trường ở TP.HCM và các tỉnh phía nam đối với dịch bệnh vi rút Zika?

- Bệnh do Zika lây lan và bùng phát thành dịch phụ thuộc vào 3 yếu tố: người mắc bệnh, trung gian truyền bệnh (muỗi vằn) và các biện pháp phòng chống.

Số quốc gia đượcghi nhậncó ca mắc bệnh vi rút Zika ngày càng tăng, từ 30 nước cuối năm 2015, đến nay đã hơn 60 nước, đặc biệt nhiều nước trong khu vực, quanh nước ta đã có ghi nhận; số người mắc ngày càng tăng và việc giao lưu đi lại quốc tế ngày càng nhiều và nhanh chóng, làm cho nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam là luôn hiện hữu.

Ở nước ta, đặc biệt là khu vực phía nam, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes (muỗi vằn) phát triển quanh năm, dễ dàng gây lây lan dịch bệnh truyền qua muỗi như sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Đó là chưa kể đến thói quen trữ nước sinh hoạt của người dân khu vực phía nam càng làm gia tăng nguy cơ có ổ lăng quăng sinh muỗi vằn.

Thêm vào đó, hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của ElNino năm 2016 như hạn hán làm người dân tích trữ nước nhiều hơn, gia tăng nhiệt độ khiến cho chu kỳ sinh sản và phát triển của muỗi rút ngắn lại, càng làm gia tăng quần thể muỗi truyền bệnh.

Khu vực phía nam trong 3 tháng đầu năm 2016, số mắc sốt xuất huyếttăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Do đó, trong mùa mưa tới, nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika là rất lớn nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả.

- Ở TP.HCM đang lưu hành muỗi Aedes – muỗi truyền bệnh Zika và đã có bệnh nhân mắc bệnh Zika xuất hiện ở đây. Ông có nghĩ rằngbệnh nhân này đã lây truyền qua con đường trên?

- Qua điều tra dịch tễ học, trong vòng 12 ngày trước khi phát bệnh (thời gian tối đa vi rút xâm nhập vào người và phát bệnh), bệnh nhân mắc Zika vừa rồi tại TP.HCM không quan hệ tình dục, không truyền máu, không đi khỏi địa bàn sinh sống và làm việc, do đó nghi đường lây truyền qua muỗi. Điều này cũng phù hợp với tình hình trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay đường lây truyền chính của vi rút Zika là qua muỗi Aedes. Các đường lây truyền khác ít gặp hơn; ghi nhận mộtsố trường hợp lây qua quan hệ tình dục không an toàn (lây truyền qua bạn tình), qua truyền máu, mẹ truyền sang con.

- Theo ông, hiện nay ở TP.HCM đâu là "điểm nóng" có thể phát sinh dịch bệnh do vi rút Zika?

- Trên toàn khu vực phía nam không chỉ TP.HCM, đều có sự lưu hành của muỗi Aedes – tác nhân lây truyền chính vi rút Zika. Nơi có điều kiện để lây truyền bệnh là những nơi có giao thương đi lại nhiều, đặc biệt là nhiều người đến từ các vùng dịch Zika, mật độ dân cư đông, và đặc biệt là có nhiều muỗi, lăng quăng làm gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh. Ngành y tế TP.HCM thường xuyên đánh giá các địa bàn, các điểm nguy cơ để có biện pháp kiểm soát kịp thời.

- Vậy ông có lời khuyên gì với người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika?

- Biện pháp xử lý dịch khi phát hiện ca bệnh chỉ mang tính tạm thời. Biện pháp căn cơ là kiểm soát muỗi của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp, giúp cho cộng đồng luôn sạch muỗi và lăng quăng, không có nguy cơ lây truyền bệnh.

Cộng đồng và người dân mỗi tuần nên dành 10 phút để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà. Người dân tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay.

Đặc biệt, người dân cần phải hợp tác với chính quyền, cơ quany tế trong phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue và bệnh do vi rút Zika. Cả cộng đồng cần hành động để bảo vệ cho phụ nữ mang thai và thế hệ sau.

- Xin cảm ơn ông!

Hồ Quang (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cắt đứt đường lây truyền vi rút Zika khó hơn nhiều so với Ebola và Mers- Cov