Ngành sắn dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn thời gian tới sẽ tăng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sắn năm nay sẽ vào khoảng 1,1 tỉ USD.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy khối lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay đạt 1,94 triệu tấn và 685 triệu USD, tăng 12,1% về khối lượng và tăng 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 9 tháng đầu năm ước đạt 352,6 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết xuất khẩu sắn lát (tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn) tăng ước đạt 488.000 tấn, tương đương 110 triệu USD, tăng 81% về lượng và 90% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 9 tháng ở mức 226 USD/tấn, tăng 5% so với mức giá 216 USD/tấn của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,45 triệu tấn với giá trị 573 triệu USD, tương đương giảm 1% về lượng và giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 395 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tổng sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,58 triệu tấn, tương đương với 547 triệu USD, tăng 14,8% về sản lượng và tăng 1,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đài Loan, Malaysia cũng là 2 thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 27% và 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Giá xuất khẩu tinh bột sắn tăng lên cao nhất trong năm 2020 đạt 403 USD/tấn do giá nguyên liệu đầu vào tăng và tồn kho nhà máy cạn. Hiện giá cồn từ ngô và sắn tại Trung Quốc đang giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu hơn. Trong khi đó giá ngô tại nước này cũng đang trong xu hướng giảm do nguồn cung nội địa lẫn nhập khẩu dồi dào. Điều này sẽ tác động trực tiếp lên nhập khẩu sắn của Trung Quốc", Hiệp hội Sắn đánh giá.
Cây sắn hiện đứng thứ 4 trong các cây nông nghiệp chủ lực của Việt Nam xuất khẩu. Ngành sắn dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sắn năm 2020 sẽ tăng. Trong đó, xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam sẽ tốt hơn trong thời gian tới khi các nhà máy chế biến Trung Quốc hoạt động tăng cường trở lại sau thời gian dài bị dừng bởi dịch COVID-19. Giá xuất khẩu 2 mặt hàng này cũng sẽ trên đà tăng dần do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc tốt hơn.
Theo đó, ngành sắn dự kiến kim ngạch xuất khẩu 3 tháng cuối năm 2020 sẽ vào khoảng 400 triệu USD. Dự báo tổng cộng cả năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 1,1 tỉ USD.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cũng đang kỳ vọng sau khi Việt Nam và EU ký Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu sản phẩm sắn Việt Nam vào thị trường này sẽ giảm mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh so với xuất khẩu sang Trung Quốc và cũng giảm bớt sự lệ thuộc của ngành sắn Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
"Trước mắt, hạn ngạch miễn thuế đối với tinh bột sắn vào EU là 30.000 tấn/năm (Loại TRQ - có hạn ngạch), ngoài 30.000 tấn sẽ phải chịu thuế 166 EURO/tấn, tương đương với 4,4 triệu đồng/tấn tiền thuế. Thị trường Hàn Quốc, Malaysia cũng có nhiều triển vọng khi sản phẩm Việt Nam ngày càng sang hai thị trường này nhiều hơn", ngành sắn cho hay.