Các công ty Trung Quốc đang tranh giành tài năng hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) ở một quốc gia đang thiếu hụt đáng kể những người như vậy so với Mỹ.

ChatGPT bùng nổ, các công ty Trung Quốc tranh giành số nhân tài AI hàng đầu ít ỏi so với Mỹ

Sơn Vân | 20/04/2023, 23:00

Các công ty Trung Quốc đang tranh giành tài năng hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) ở một quốc gia đang thiếu hụt đáng kể những người như vậy so với Mỹ.

Động thái này diễn ra khi các công ty Trung Quốc đua nhau tung ra các dịch vụ tương tự ChatGPT.

Nhu cầu về nhân tài AI của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với 5 năm trước, theo dữ liệu được tổng hợp gần đây bởi Liepin, nền tảng tuyển dụng của Trung Quốc. Các vai trò liên quan đến việc mô hình AI được đào tạo trước, bot trò chuyện và nội dung được tạo ra bởi trí AI (AIGC) đang có nhu cầu rất cao.

Một cuộc tìm kiếm trên hai nền tảng tuyển dụng địa phương bằng cách sử dụng các từ khóa, bao gồm “mô hình AI được đào tạo trước” và “xử lý ngôn ngữ tự nhiên”, cho thấy các hãng công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp Trung Quốc đều đang đưa ra các gói lương hào phóng để thu hút ứng viên phù hợp. Ví dụ, một tin tuyển dụng đã đưa ra mức lương hàng tháng là 800.000 nhân dân tệ (116.000 USD) cho vai trò liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Kể từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các hãng công nghệ địa phương đang tìm kiếm tài năng làm việc trong các mô hình ngôn ngữ lớn và AIGC. Một số trong đó sẵn sàng trả lương hậu hĩnh. Các yêu cầu đã được gửi đến, vì vậy chúng tôi đã phải thành lập một bộ phận mới vào đầu năm nay để chỉ tập trung vào lĩnh vực này”, Max Xiao Mafeng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại công ty tuyển dụng TTC Consultant, cho biết.

Khi ChatGPT, chatbot AI được công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) ra mắt vào tháng 11, gây bão trên toàn thế giới, việc thiếu tài năng AI hàng đầu ở Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn.

Trong số gần 1 triệu người ở Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực AI, chỉ 0,1% có bằng tiến sĩ, phần lớn có bằng thạc sĩ hoặc bằng cấp thấp hơn, theo kết quả khảo sát được công bố vào tháng 10.2022 bởi Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc (CALSS), một viện chính sách của chính phủ.

AI chỉ được cung cấp như một môn học trong các trường đại học bắt đầu từ 2018, hai năm sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc xem nó là lĩnh vực chiến lược trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13. Hiện tại, 440 trong số 1.270 trường đại học của Trung Quốc (gần 35%) đã được Bộ Giáo dục cho phép cung cấp các khóa học AI.

Báo cáo cho biết, dù số lượng lớn sinh viên đại học đang theo học ngành này với lứa đầu tiên đã tốt nghiệp vào năm ngoái, vẫn còn một khoảng cách lớn về nguồn cung trên thị trường việc làm do nhu cầu tăng cao.

Sự thiếu hụt đó có thể lên tới 300.000 nhân viên trong các lĩnh vực gồm nghiên cứu và phát triển chip AI, học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trong số các chủ đề khác.

Sự khan hiếm thậm chí còn rõ rệt hơn khi nói đến những tài năng hàng đầu ở Trung Quốc, chỉ bằng khoảng 1/5 số lượng ở Mỹ, theo danh sách AI 2000 do một nhóm Đại học Thanh Hoa tổng hợp vào tháng 1.2022.

Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 232 chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tập trung vào AI, xếp thứ 2 thế giới, còn Mỹ có 1.146 nhà nghiên cứu AI hàng đầu, chiếm hơn 57% tổng số thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về các ấn phẩm nghiên cứu AI, theo báo cáo của CALSS. Phát hiện này phù hợp với Báo cáo Chỉ số AI do Đại học Stanford (Mỹ) công bố vào tháng 4, cho thấy Trung Quốc đã sản xuất nhiều ấn phẩm tạp chí, hội nghị và kho lưu trữ AI vào năm 2022 hơn bất kỳ nơi nào khác.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ về các mô hình ngôn ngữ lớn và mô hình đa phương thức, trong đó Mỹ tạo ra hơn một nửa tổng số lượng của thế giới vào năm ngoái. Các mô hình ngôn ngữ lớn là nền tảng hỗ trợ ChatGPT và các công nghệ tương tự.

cac-cong-ty-trung-quoc-tranh-gianh-so-nhan-tai-ai-it-oi-so-voi-my.jpg
Các công ty Trung Quốc đang cung cấp gói lương hào phóng để tuyển dụng nhân tài AI hàng đầu trong nỗ lực tạo ra những công nghệ giống như ChatGPT - Ảnh: Shutterstock

Tại Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh dẫn đầu với nhiều công ty và nhân viên AI nhất, chiếm hơn 60% chuyên gia AI của quốc gia, theo sách trắng do Cục Kinh tế và Công nghệ thông tin thành phố này công bố vào tháng 2.

Bắc Kinh hiện thiếu hụt nhân tài tương đương với 14% nhu cầu của cả nước, trong đó các lĩnh vực internet, video game và phần mềm đang cần nhân công nhất, số liệu của Liepin cho thấy.

CALSS kêu gọi quốc gia giải quyết khoảng cách nguồn cung và nâng cao kỹ năng người lao động bằng cách tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực học thuật và công nghiệp, cũng như thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu AI, yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cũng như chia sẻ ý tưởng, đã xấu đi nhanh chóng vài năm qua trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Trong khi hầu hết các mối quan hệ đối tác này là giữa Trung Quốc và Mỹ, tăng gấp bốn lần kể từ năm 2010, mức tăng đã chậm lại chỉ còn 2,1% từ năm 2020 đến 2021, theo báo cáo của Đại học Stanford.

Thượng Hải cố thu hút hàng vạn nhân tài toàn cầu tham gia ngành AI khi ChatGPT bùng nổ

Thượng Hải đang tăng gấp đôi kế hoạch đầy tham vọng của mình để thu hút hàng chục ngàn nhân viên công nghệ đến thành phố.

Động thái này diễn ra khi Thượng Hải cố gắng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chính của ngành AI Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ và cuộc chạy đua công nghệ được kích hoạt bởi ChatGPT.

Trong Hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu kéo dài hai ngày hàng năm được tổ chức cuối tháng 2 tại Lingang Special Area, một phần của khu thương mại tự do Thượng Hải, các quan chức chính quyền tái cam kết thu hút 20.000 đến 30.000 nhân viên cho AI và 500 doanh nghiệp liên quan trong khu vực vào năm 2025.

"Chúng tôi nỗ lực để xây dựng Dishui Lake AI Innovation Port trở thành cao nguyên mới cho phát triển AI của Thượng Hải và điểm tập trung quan trọng cho ngành công nghiệp AI quốc gia trong vòng 3 đến 5 năm tới", Chen Jinshan, lãnh đạo Lingang Special Area nói về Dishui Lake AI Innovation Port - khu công nghiệp tập trung vào AI được khởi động vào tháng 8.2022.

Dishui Lake AI Innovation Port được thành lập để hỗ trợ phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, truyền thông, tài chính.

Chen Jinshan cho biết Dishui Lake AI Innovation Port sẽ tập trung vào việc phát triển các công nghệ chính như phần mềm và chip AI, điện toán lượng tử, metaverse và các lĩnh vực tiên tiến khác, với mục đích cải thiện sức mạnh tính toán và thuật toán.

Mục tiêu này đã được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, một trong những cơ quan quản lý lớn của ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc, ủng hộ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Thượng Hải, phát huy đầy đủ những ưu thế của nó và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu", theo Ren Aiguang, Phó giám đốc Khoa học và Công nghệ của Bộ.

Li Zheng, Phó thị trưởng Thượng Hải, cho biết: “Thành phố chân thành chào đón các doanh nghiệp hạng nhất, đội ngũ sáng tạo và tài năng xuất sắc trong lĩnh vực AI ở Trung Quốc và nước ngoài chọn Thượng Hải làm ngôi nhà của họ”.

Các chính quyền địa phương Trung Quốc đang quan tâm ngày càng nhiều đến AI, khi đầu tư vào ngành công nghiệp này đã tăng mạnh trong bối cảnh toàn cầu náo động bởi sự phổ biến của ChatGPT.

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từ Baidu đến Alibaba đã tung ra đối thủ cạnh tranh với ChatGPT hoặc đưa công nghệ tương tự vào các sản phẩm hiện có.

Thượng Hải hiện có số lượng doanh nghiệp thiết kế chip thông minh lớn nhất cả nước, đặt nền móng cho việc phát triển các công nghệ tạo nội dung bằng AI (AIGC) có thể được kiểm soát, theo Zhang Ying, Phó giám đốc Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải do nhà nước hậu thuẫn.

Tuy nhiên, Thượng Hải cần đẩy nhanh sự phát triển của ngành vì thành phố này vẫn thua xa nước ngoài về công nghệ AIGC cốt lõi, Zhang Ying cho biết. Theo E Weinan, học giả tại Học viện Khoa học Trung Quốc, việc thiếu tài năng thuật toán hàng đầu và một hệ thống đổi mới hoàn chỉnh cũng đang làm chậm quá trình phát triển.

cac-cong-ty-trung-quoc-tranh-gianh-so-nhan-tai-ai-it-oi-so-voi-my1.jpg
Một du khách được robot mát xa tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới 2021 ở Thượng Hải vào tháng 7.2021 - Ảnh: Xinhua

Sở hữu 1/3 tài năng AI ở Trung Quốc, Thượng Hải đã vạch ra kế hoạch chi tiết vào tháng 8.2022 để thúc đẩy ngành công nghiệp AI của mình, phác thảo các biện pháp khác nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và củng cố chuỗi cung ứng.

Khoảng 100 hãng công nghệ, bao gồm cả SenseTime (nhà cung cấp phần mềm AI được niêm yết tại Hồng Kông), Enflame Technology và Horizon Robotics (hai công ty khởi nghiệp chip AI), TuSimple (hãng vận chuyển bằng xe tải tự động đến từ thành phố San Diego, Mỹ, đã thành lập văn phòng tại Lingang Special Area), mang lại tổng sản lượng ước tính tương đương 2,85 tỉ nhân dân tệ (410 triệu USD) vào năm 2021, theo chính quyền địa phương.

Vào tháng 1.2022, SenseTime cho biết đã mở một trung tâm dữ liệu AI trong khu vực, cơ sở lớn nhất thuộc loại này ở châu Á, giúp mở rộng sức mạnh tính toán của công ty lên gấp 4 lần.

Lingang Free Trade Zone, khu vực ven biển rộng 120 km2 được nối với cảng Dương Sơn bằng cầu Đông Hải, được phát triển theo chỉ thị của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình vào năm 2019. Lingang Free Trade Zone được kỳ vọng sẽ phát triển thành một cảng tự do kiểu Hồng Kông, cho phép luân chuyển tự do giữa dòng vốn, hàng hóa và nhân tài xuyên biên giới.

Bài liên quan
Meta có tạo ra nền tảng AI để cạnh tranh với ChatGPT?
Meta Platforms có kế hoạch ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT bùng nổ, các công ty Trung Quốc tranh giành số nhân tài AI hàng đầu ít ỏi so với Mỹ