Trước thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu trầm trọng nguồn tiểu cầu để điều trị cho bệnh nhân, chiều 25.7 trao đổi với báo chí, TS.BS Lê Hoàng Oanh - Phó giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy khẳng định bệnh viện không hề thiếu tiểu cầu, nếu có chỉ thiếu cục bộ vào những thời điểm xảy ra dịch bệnh hay tai nạn thảm khốc.

Chỉ 400 nghìn đồng một lần hiến, lấy đâu tiểu cầu để chữa bệnh

Hồ Quang | 25/07/2017, 19:35

Trước thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu trầm trọng nguồn tiểu cầu để điều trị cho bệnh nhân, chiều 25.7 trao đổi với báo chí, TS.BS Lê Hoàng Oanh - Phó giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy khẳng định bệnh viện không hề thiếu tiểu cầu, nếu có chỉ thiếu cục bộ vào những thời điểm xảy ra dịch bệnh hay tai nạn thảm khốc.

Chỉ thiếu khi bùng phát dịch bệnh và tai nạn thảm khốc

Tiểu cầu là một trong những tế bào của máu có chức năng cầm máu và làm đông máu. Khi hiến tiểu cầu là hiến một thành phần của máu. Máu sẽ được lấy từ cánh tay người hiến và đưa vào máy lọc tách riêng tiểu cầu, phần máu còn lại (hồng cầu, bạch cầu, huyết tương…) sẽ truyền trả lại cho người hiến.

Theo bác sĩ Oanh, đời sống của tiểu cầu rất ngắn, nếu trong cơ thể người thì chỉ tồn tại khoảng 10 ngày; còn nếu đưa ra bên ngoài để bảo quản thì chỉ 5 ngày. Sau khoảng thời gian trên, tiểu cầu sẽ tự động chết.

Chính vì đời sống quá ngắn nên bệnh viện phải luôn duy trì được nguồn tiểu cầu để đảm bảo số lượng phục vụ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc duy trì nguồn tiểu cầu này cũng không thể quá lớn, nếu dự trữ một lượng quá lớn sau 5 ngày không truyền hết sẽ phải hủy gây ra sự lãng phí; còn nếu duy trì một lượng quá ít sẽ không đủ đáp ứng cho người bệnh hàng ngày.

“Do đó phải cân bằng được lượng tiểu cầu hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân mà không bị thiếu và dư phải hủy bỏ”, bác sĩ Oanh nói.

Ngoài sự cố dịch bệnh hay có tai nạn thảm khốc khiến bệnh nhân tăng cao bất ngờ, thì theo bác sĩ Oanh việc khan hiếm tiểu cầu cũng có thể xảy ra trong trường hợp có nhóm tiểu cầu nào đó khan hiếm do bệnh nhân thuộc nhóm tiểu cầu đó tăng cao.

“Tiểu cầu cũng có 4 nhóm như máu (A, B, AB và O). Người bệnh thuộc nhóm tiểu cầu nào thì tốt nhất nên truyền nhóm tiểu cầu đó. Do đó, khi có nhóm tiểu cầu nào đó sử dụng trên lâm sàng nhiều quá hay người đến hiến nhóm tiểu cầu đó ít sẽ gây ra tình trạng khan hiếm tiểu cầu. Đây chỉ là tình trạng khan hiếm cục bộ trong những thời điểm xảy ra sự cố,còn những lúc bình thường sẽ không thể nào thiếu tiểu cầu”, bác sĩOanh khẳng định.

TS.BS Lê Hoàng Oanh cũng cho biết hiện nay mỗi ngày Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy tiếp nhận số lượng người hiến tiểu cầu khoảng 30 đến 40 người. Cứ những người có thể tích tiểu cầu trên 250.000/mm3 sẽ hiến tiểu cầu đôi; còn những người có lượng tiểu cầu dưới 250.000/mm3 sẽ hiến tiểu cầu đơn.

“Hiện chúng tôi có khoảng 500 người đăng ký hiến tiểu cầu thường xuyên và lúc nào trong kho chứa của trung tâm cũng lưu trữ từ 50 đến 70 khối tiểu cầu. Lượng tiểu cầu mới luôn được bổ sung hàng ngày vào kho để đáp ứng nhu cầu cho người bệnh”, ông Oanh cho hay.

Nguy cơ tiểu cầu không đủ đáp ứng bệnh nhân

Như vậy có thể thấy, nguồn tiểu cầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện nay chỉ trông chờ vào khoảng 500 người đăng ký cố định. Khi có trường hợp dịch bệnh hay những tai nạn thảm khốc khiến nhiều người thương vong dẫn đến nhu cầu cần tiểu cầu cao thì bệnh viện mới vận động sinh viên các trường đại học cũng như cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị hiến tiểu cầu.

Ông Oanh thừa nhận nguồn tiểu cầu cố định hiện nay của bệnh viện khó có thể mở rộng, vì chỉ gói gọn trong khoảng 500 người cố định trên. Nếu những người này tử vong thì bệnh viện cố gắng tìm kiếm thêm những người khác để bổ sung nhưng cũng sẽ rất khó.

Hiện nay, những người đăng ký hiến tiểu cầu chuyên nghiệp cố định theo bác sĩ Oanh mỗi lần hiến chỉ nhận được khoảng 400 nghìn đồng với trường hợp hiến tiểu cầu đơn và 700 nghìn đồng đối với trường hợp hiến tiểu cầu đôi.

Thực tế, tiểu cầu đang có một vai trò rất quan trọng với con người. Nếu thiếu tiểu cầu sẽ gây ra tình trạng xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não dẫn đến tử vong. Tuy nhiên với số tiền trên, người dân rất khó có thể mặn mà để đăng ký hiến tiểu cầu.

Trong khi đó, số lượng các đơn vị tiếp nhận tiểu cầu hiện nay trên cả nước còn rất hạn chế, chỉ có 5 đơn vị thực hiện điều này. Ngoài Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy còn có thêm 4 nơi khác làTrung tâm truyền máu Hà Nội, Trung tâm hiến máu Huế, Trung tâm hiến máu Cần Thơ và Bệnh viện truyền máu huyết học TP.HCM.

Với chức năng khá quan trọng của tiểu cầu, nhu cầu truyền tiểu cầu hiện nay cho bệnh nhân là khá lớn. Trong số các bệnh thì sốt xuất huyết là bệnh có nhu cầu truyền tiểu cầu cao. Thường khi bị sốt xuất huyết, nhất là bước vào giai đoạn sốc sốt xuất huyết, lượng tiểu cầu xuống rất thấp cần truyền tiểu cầu để cứu sống bệnh nhân.

Dù theo quy định, bệnh nhân có lượng tiểu cầu dưới 10.000/mm3 buộc phải truyền tiểu cầu, nhưng thực tế khi bệnh nhân có lượng tiểu cầu dưới 50.000/mm3 các bác sĩ đã chỉ định truyền tiểu cầu để đảm bảo an toàn tính mạng của người bệnh.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây các bệnh viện tuyến dưới, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh đang bắt đầu thực hiện những kỹ thuật cao nên nhu cầu tiểu cầu tăng lên đáng kể.

Mặc dù vậy, hiến tiểu cầu không phải như hiến máu có thể phát động rộng rãi và hiến ở mọi nơi. Với tình hình thực tế trên, trong thời gian tới việc thiếu hụt tiểu cầu là điều khó tránh khỏi. Đây sẽ là mối hiếm họa cho người bệnh, nhất là các bệnh nặng sẽ không có cơ hội được cứu sống.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ 400 nghìn đồng một lần hiến, lấy đâu tiểu cầu để chữa bệnh