Các nhà lập pháp đối lập đã lật đổ chính phủ của thủ tướng Kiril Petkov - người công khai chính sách chống Nga và thân phương Tây khác với truyền thống của Bulgaria.
Chính phủ Bulgaria đã sụp đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, đấy đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng.
Các nhà lập pháp đối lập đã lật đổ chính phủ của thủ tướng Kiril Petkov - người nắm quyền cách đây 6 tháng - với tỷ số 123-116 trong một cuộc bỏ phiếu sau khi liên minh cầm quyền mất đa số do tranh chấp về chi tiêu ngân sách và liệu Bulgaria có nên mở cửa gia nhập EU cho Bắc Macedonia hay không.
Thủ tướng Petkov, 42 tuổi, tốt nghiệp Harvard, người có quan điểm ủng hộ châu Âu và ủng hộ NATO kể từ khi Nga tiến quân vào Ukraine, một lập trường khác thường đối với một quốc gia có thái độ thân thiện truyền thống đối với Moscow. Các nhà phân tích dự đoán rằng một chính phủ mới sẽ theo đuổi một chính sách trung lập hơn đối với Nga.
Khủng hoảng chính trị cũng có thể cản trở nỗ lực của Bulgaria nhằm đảm bảo dòng khí đốt tự nhiên ổn định sau khi Moscow cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho Sofia, do chính quyền Petkov từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Sau khi thất bại tại Quốc hội, Thủ tướng Petkov đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào để thành lập liên minh với các đảng đối lập, nhưng cho biết sẽ tìm kiếm từ các nhà lập pháp khác trong quốc hội để thu hút đủ sự ủng hộ cho một chính phủ mới và tránh các cuộc bầu cử sớm.
Với tình thế hiện tại, nước này có thể sẽ phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử lần thứ tư kể từ tháng 4 năm 2021.
Tổng thống Rumen Radev có quyền triệu tập các cuộc bầu cử sớm trong vòng hai tháng và chỉ định một chính quyền quản lý nếu Petkov không tập hợp được đa số cho nội các mới và nếu các đảng khác trong quốc hội không thể thành lập chính phủ.
Tổng thống Radev lại là người có tư tưởng rất thân Nga và nhiều lần chỉ trích chính quyền Petkov về chính sách thân phương Tây, chống Nga.
Hồi tháng 4, khi Nga cắt nguồn cung khí cho Bulgaria, Tổng thống Rumen Radev đã lên tiếng chất vấn: “Chính phủ phải nhanh chóng trả lời câu hỏi tại sao chỉ có Bulgaria và Ba Lan bị ngừng khí đốt. Khó khăn kinh tế đang leo thang và nguy cơ đối với Bulgaria ngày càng gia tăng trong mọi khía cạnh của cuộc xung đột này (xung đột Ukraine)”.
Tổng thống Rumen Radev cũng nhắc: “Việc ngừng cung cấp khí đốt từ Gazprom tới Bulgaria không phải ngẫu nhiên mà từ lâu tôi đã kêu gọi thái độ cẩn trọng và có trách nhiệm của Bulgaria đối với cuộc xung đột này”.
Ông Radev tỏ ra kiên quyết với chính quyền của thủ tướng Petkov: “Chính phủ nợ người dân câu trả lời về lợi ích mà họ phục vụ là cho người dân hay cho những người khác. Đã đến lúc chính phủ phải đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng họ nhận thức và đảm bảo chủ quyền của Bulgaria”.
Khi được chất vấn về chuyện có hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướngPetkov về việc quyên góp lương tháng vào quỹ ủng hộ chính phủ Ukraine hay không thì ông Radev cho biết: “Tôi đã từng quyên góp lương của mình, lần gần nhất là cho người nghèo khi bắt đầu đại dịch COVID-19, tôi thường xuyên quyên góp từ thiện vào dịp Giáng sinh và tôi kêu gọi các chính trị gia Bulgaria hãy chăm lo hàng ngàn người Bulgaria cần giúp đỡ trước khi muốn giúp đỡ thế giới”.
Trước đó, hồi tháng 3, Tổng thống Radev nhắc lại rằng với tư cách là nguyên thủ quốc gia, ông sẽ không cho phép Bulgaria tham gia vào cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Về đề xuất gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraine, ông Radev cho biết: “Cung cấp vũ khí cho một bên hiếu chiến (belligerent) có nguy cơ đối với an ninh của người dân Bulgaria. Khi ai đó đề xuất một giải pháp như vậy, phải có sự biện minh thích hợp cho những gì họ đang đề xuất để giảm thiểu rủi ro đó”.
Đọc thêm: Vì sao người Bulgaria bất mãn với chính quyền thân phương Tây, muốn ngả về Nga?