Tốc độ giải ngân vốn ngân sách trung ương tuy có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra, đặc biệt là về vốn nước ngoài và vốn trái phiếu chính phủ.

Chính phủ chỉ ra hàng loạt hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công

19/10/2018, 15:00

Tốc độ giải ngân vốn ngân sách trung ương tuy có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra, đặc biệt là về vốn nước ngoài và vốn trái phiếu chính phủ.

Bộ KH-ĐT công bố báo cáo về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công - Ảnh minh họa từ VnEconomy

Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019 của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước đạt 1,2 triệu tỉ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 12,2%), bằng 34% GDP, đạt mức cao trong mục tiêu Quốc hội giao (33-34%).

Cơ cấu đầu tư toàn xã hội chuyển biến tích cực, vai trò kinh tế tư nhân trong nước tiếp tục được nâng lên. Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện.

Tổng số vốn ngân sách trung ương năm 2018 là 187.000 tỉ đồng, đã được phân bổ cho việc đầu tư các dự án trọng điểm của bộ, ngành, địa phương từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ 50.000 tỉ đồng, các dự án sử dụng nguồn bán đất và tài sản trên đất của các bộ, ngành 5.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu của các bộ, ngành và địa phương 103 nghìn tỉ đồng, thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (vốn trong nước) 11.050 tỉ đồng…

Cũng theo báo cáo, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2018 ước đạt 203,6 nghìn tỉ đồng, đạt 52,46% so kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương 50,93% dự toán Quốc hội giao.

Trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 1 bộ, ngành trung ương và 5 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành trung ương và địa phương có số giải ngân thấp, trong đó một số bộ, ngành giải ngân năm 2018 dưới 10% kế hoạch.

Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch đầu tư, quá trình phân bổ vốn được phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn, tạo thêm quyền tự chủ, công khai, minh bạch…

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong việc triển khai kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018 một số bộ, ngành và địa phương chưa quán triệt đầy đủ các quy định trong việc phân bổ vốn đầu tư như: phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định...

Việc chuẩn bị phương án phân bổ vốn của nhiều bộ, ngành và địa phương kéo dài, gửi báo cáo chậm so với thời gian quy định làm chậm quá trình tổng hợp và ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch chung của cả nước.

Năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, quy mô và chất lượng, đặc biệt là đối với các dự án ở vùng núi, biên giới, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, dự án áp dụng công nghệ mới.

Việc này dẫn đến nhiều dự án bị vỡ thầu, chậm tiến độ, vượt chi phí, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư do năng lực của chủ đầu tư và tư vấn yếu kém; chế tài của pháp luật đối với các vi phạm trong quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa đủ mạnh để hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này…

Tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, mang tính hình thức vẫn còn tồn tại ở một số nơi, dẫn đến sau khi dự án được bố trí kế hoạch vốn lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Tốc độ giải ngân vốn ngân sách trung ương tuy có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2017 nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra, đặc biệt là vốn nước ngoài, vốn trái phiếu chính phủ.

Về nguyên nhân, đối với vốn trái phiếu Chính phủ, do kế hoạch năm 2018 của các bộ, ngành, địa phương bố trí nhiều cho các dự án khởi công mới nên hiện nay hầu hết các dự án vẫn trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.

Tiếp theo là nguyên nhân về khó khăn về giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư còn phải thỏa hiệp với người dân trong quá trình khảo sát, đo đạc và xác định giá bồi hoàn, tái định cư...

Bên cạnh đó, năng lực của nhà thầu thi công yếu, nhưng chủ đầu tư không kiên quyết xử lý, kết hợp với yếu tố mùa vụ trong triển khai thi công dự án (tập trung thực hiện trong mùa khô) dẫn tới kéo dài thời gian thi công.

Kế hoạch vốn, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, giao chưa sát, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch. Tuy nhiên, việc xem xét, điều chỉnh dự án cũng gặp nhiều khó khăn do cần phải xác định khối lượng đã hoàn thành, khối lượng dự kiến triển khai và khả năng thực hiện thực tế, cần có thời gian thực hiện.

Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài nước, có sự bất cập do khác biệt về quy trình, thủ tục đấu thầu theo quy định trong nước và quy định của nhà tài trợ.

Dự án đã được bố trí dự toán năm nhưng hết thời hạn giải ngân theo cam kết do chênh lệch về niên độ tài khóa; thực hiện ký kết hợp đồng cho vay lại; thậm chí một số dự án vẫn đang trong quá trình phê duyệt bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu...

Một số bộ, ngành và địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018; chưa quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm…

Giải pháp được Chính phủ đưa ra là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư; các bộ ngành và địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công; đề xuất cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn năm 2018 không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch trong năm 2018…

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ chỉ ra hàng loạt hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công