Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ tài trợ thêm vắc xin trong nỗ lực tập hợp cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.
Hôm 22.9, Tổng thống Joe Biden sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế đại dịch COVID-19, đồng thời công bố cam kết của Mỹ mua thêm 500 triệu liều vắc xin để tặng các quốc gia khác.
Tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu, Tổng thống Biden hy vọng sẽ chứng tỏ ông đang dẫn đầu bằng cam kết sẽ mang lại số vắc xin của Mỹ cho phần còn lại thế giới lên đến hơn 1,1 tỉ liều.
Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết vắc xin COVID-19 từ Pfizer - BioNTech SE sẽ được sản xuất tại Mỹ, vận chuyển đến các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp bắt đầu từ tháng 1.2022.
"Đây là cam kết to lớn của Mỹ. Trên thực tế, với mỗi một liều vắc xin mà chúng tôi đã tiêm ở Mỹ cho đến nay, chúng tôi đang tặng ba liều cho các quốc gia khác", quan chức này nói với các phóng viên.
Ông Biden cho biết Mỹ sẽ cung cấp 370 triệu USD để hỗ trợ việc quản lý các mũi tiêm này và hơn 380 triệu USD để giúp Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) xử lý việc phân phối vắc xin ở những vùng có nhu cầu lớn nhất.
Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề trên cho biết chính phủ Mỹ sẽ trả khoảng 7 USD cho mỗi liều vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech SE.
Vào tháng 6.2021, chính quyền Biden đã đồng ý mua và tặng 500 triệu liều vắc xin Pfizer - BioNTech SE. Theo các điều khoản của hợp đồng đó, Mỹ sẽ trả cho Pfizer - BioNTech SE khoảng 3,5 tỉ USD, tức 7 USD cho một liều vắc xin COVID-19.
Việc phân phối 500 triệu vắc xin liều ban đầu đã bắt đầu vào tháng 8 và tổng cộng 1 tỉ liều dự kiến sẽ được giao cuối tháng 9.2022, theo tuyên bố từ Pfizer - BioNtech.
Số vắc xin này sẽ được sản xuất tại các cơ sở của Pfizer tại Mỹ, chuyển tới 92 nước có thu nhập trung bình và thấp cùng 55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi.
Vào tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) đã công bố kế hoạch để tặng 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho các quốc gia nghèo hơn, con số đó gồm cả khoảng 500 triệu đầu tiên mà Mỹ cam kết. Nhà Trắng cũng muốn các nước giàu có khác tặng nhiều hơn. “Thành thật mà nói, phần còn lại của thế giới cần phải đẩy mạnh và làm nhiều hơn nữa”, phát ngôn viên Nhà Trắng - Jen Psaki nói.
Các chuyên gia y tế cho biết các nước giàu chưa làm đủ và chỉ trích Mỹ vì lập kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường cho những người đã được chủng ngừa đầy đủ, trong khi hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với liều nào. Họ nói rằng việc hiến tặng vắc xin theo kế hoạch của Mỹ được hoan nghênh nhưng không đủ, lưu ý rằng vắc xin Pfizer rất khó mở rộng quy mô và sử dụng ở các quốc gia nghèo hơn, nơi thiếu cơ sở hạ tầng phức tạp để lưu trữ và vận chuyển các mũi tiêm.
Cơ sở COVAX, được sự hậu thuẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) GAVI, đã cung cấp hơn 286 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 141 quốc gia, dữ liệu của GAVI cho thấy. Vào tháng 9.2021, các tổ chức điều hành cơ sở này đã phải cắt giảm gần 30% mục tiêu phân phối năm 2021 xuống còn 1,425 tỉ liều.
Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở một số quốc gia, bao gồm Haiti và Cộng hòa Dân chủ Congo, là dưới 1%, theo dõi của Reuters.
Hôm 21.9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres đã khiển trách các nhà lãnh đạo thế giới về việc phân phối vắc xin COVID-19 không công bằng, mô tả đây là một "sự ghê tởm" và cho toàn cầu điểm F về đạo đức học.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 22.9 sẽ tập trung vào việc tiêm vắc xin COVID-19 cho thế giới, cứu sống thế giới bằng cách giải quyết tình trạng thiếu oxy và cung cấp nhiều loại thuốc hơn, đồng thời chuẩn bị cho một đại dịch khác trong tương lai, một quan chức chính quyền Biden khác cho biết.
Mục tiêu chính là 70% dân số các quốc gia được tiêm vắc xin COVID-19 vào thời điểm này năm 2022, theo dự thảo tài liệu của chính quyền Biden mà Reuters thấy.
Tài liệu của Mỹ kêu gọi các nước giàu hơn đảm bảo ít nhất 3 tỉ USD được cung cấp vào năm 2021 và 7 tỉ USD vào 2022 để sẵn sàng sử dụng vắc xin cũng như chống lại sự do dự tiêm chủng.
Các mục tiêu chính khác bao gồm đảm bảo ít nhất một trong số 1.000 người được xét nghiệm hàng tuần trước khi kết thúc năm 2021 và xây dựng năng lực tăng đột biến để đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế được tiếp cận với các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang vào năm 2021.
Dự thảo cũng kêu gọi các nước giàu hơn cung cấp 2 tỉ USD để tăng cường cung cấp oxy lỏng số lượng lớn, tặng ít nhất 1 tỉ bộ dụng cụ xét nghiệm vào năm 2022 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, tài trợ 3 tỉ USD cho thuốc điều trị COVID-19 trong năm 2022.
Dự thảo kêu gọi khu vực tư nhân tài trợ cho chiến lược toàn cầu trị giá 2 tỉ USD để tăng cường cung cấp các hệ thống oxy vào cuối năm tới và cung cấp các bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 ở các nước nghèo hơn với giá không quá 1 USD một bộ.
Hôm 21.9, ông Biden đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Mỹ đã chi hơn 15 tỉ USD cho phản ứng toàn cầu với COVID-19 để tài trợ cho hơn 160 triệu liều vắc xin cho các quốc gia khác. Mỹ đã mua 500 triệu liều vắc xin Pfizer - BioNTech và tặng chúng thông qua nền tảng chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX.
Ông Biden cho biết những liều vắc xin này đã có mặt tại 100 quốc gia, đồng thời nói thêm rằng sẽ công bố các cam kết bổ sung tại hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu do Mỹ tổ chức vào 22.9.