Hiện nay nhiều bệnh ung thư chỉ được phát hiện khi khối u đã phát triển với hàng triệu tế bào ác tính và bệnh đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Còn nếu phát hiện bệnh khi nó vừa chớm tác động tới tế bào thì sao?
Các nhà khoa học quốc tế ở Viện quang tử Tây Ban Nha (ICFO) đã theo phương châm “dập tia lửa dễ hơn dập đám cháy” khi chế tạo thành công con chip có thể phát hiện ung thư ngay từ khi bệnh mới chớm hình thành.
Được mệnh danh "lab-on-a-chip", thiết bị này tổng hợp những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực plasma, nano, vi dung dịch và hóa học các hiện tượng bề mặt để phát hiện các chỉ dấu protein của bệnh ung thư.
Thiết bị siêu nhỏ này có khả năng tìm ra trong máu nồng độ cực thấp các protein đặc thù do các tế bào ung thư tiết ra. Điều đó cho phép chẩn đoán và điều trị bệnh ngay ở các giai đoạn bệnh mới chớm phát.
Những ưu thế của loại nanochip này như: độ tin cậy và độ nhạy cao, giá thành thấp và gọn nhẹ, cho phép tiến hành trong một vài phút các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh cả những nơi khó tiếp cận dịch vụ y tế.
Vũ Ngọc Trâm (theo PhysOrg)