Mô hình cho vay tiền trực tuyến (vay ngang hàng, P2P) dường như có xu hướng nở rộ, người vay chỉ cần tải phần mềm ứng dụng về điện thoại di động, đăng ký thông tin và gửi yêu cầu vay sẽ được giải ngân từ vài giờ đến vài ngày...

Cho vay trực tuyến nở rộ: Coi chừng lợi bất cập hại

02/08/2019, 21:36

Mô hình cho vay tiền trực tuyến (vay ngang hàng, P2P) dường như có xu hướng nở rộ, người vay chỉ cần tải phần mềm ứng dụng về điện thoại di động, đăng ký thông tin và gửi yêu cầu vay sẽ được giải ngân từ vài giờ đến vài ngày...

Ảnh minh họa từ Internet

“V.M không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính. V.M sử dụng công nghệ để kết nối nhu cầu của người vay và nhà đầu tư bằng cách cung cấp cho người vay mức giá tốt nhất, nhà đầu tư lợi nhuận cao nhất”… là lời giới thiệu của một công ty cho vay trực tuyến theo mô hình ngang hàng (Peer to peer - P2P).

Có thể hình dung P2P hoạt động tương tự như mô hình Grab trong lĩnh vực cho vay. Thông qua kênh này, các cá nhân có nhu cầu vay nhanh các khoản tiền (đa số là không quá 50 triệu đồng) trong thời gian ngắn có thể đăng ký qua internet. Người vay tiền không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.

Thêm nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân

Làm theo hướng dẫn, chúng tôi tải phần mềm ứng dụng của trang web cho vay về điện thoại và mở tài khoản. Ứng dụng này yêu cầu phải kết nối với Facebook “chính chủ”, kê khai tên tuổi, công việc, CMND và đăng ký thành viên với một ví điện tử khác.

Ngày hôm sau, nhân viên công ty gọi điện thông báo hồ sơ được xét duyệt, nếu tiến hành vay thì chỉ được cho vay từ 1-10 triệu đồng trong thời gian từ 7-45 ngày; lãi suất là 1,5%/tháng trả cho “nhà đầu tư” (bên cho vay), tương đương 18%/năm, phí tính theo điểm tín dụng của tài khoản, theo hồ sơ “tải” lên thì phí là 2.500 đồng/triệu đồng/ngày.

Một ứng dụng khác đăng quảng cáo trên website của mình là “đã giải ngân trên 77.000 tỉ đồng cho khách hàng trong vòng 2 năm thành lập”. Khi mở ứng dụng ra, lập tức xuất hiện thanh công cụ để chọn số tiền muốn vay từ 2-5 triệu đồng, thời hạn vay 2-4 tháng, số tiền nhận được và lịch thanh toán dự kiến. Mức lãi suất cho “nhà đầu tư” cũng là 1,5%/tháng, nhưng phí tùy theo thỏa thuận của loại hình vay.

Đó là chưa nói đến phí phạt quá hạn (thông thường khoảng 150% lãi suất trong hạn). Ngoài ra, công ty và nhà đầu tư được quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thu hồi nợ bao gồm: công bố thông tin rộng rãi, bán nợ cho bên thứ ba hoặc kiện ra tòa dân sự.

Trao đổi với chúng tôi, chị T.N (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết lần trước vì cần một khoản tiền để khám bệnh, lại thấy quảng cáo trên Facebook về hình thức cho vay trực tuyến nên làm theo các bước để vay. Vì cần tiền gấp nên chị thử ứng dụng V. Sau nửa ngày đã có nhân viên liên hệ, chị chọn khoản vay 3 triệu đồng và thời hạn 10 ngày trả thì số tiền cả gốc lẫn lãi chị phải trả là 3 triệu đồng gốc và cộng thêm 113.000 đồng.

Thấy có khả năng trả nên chị chấp nhận vay. Sau khi trả hết số nợ, vài ngày sau chị lại liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại, mời cho vay dù không có nhu cầu, những người này biết rõ chị đang cư trú ở đâu và làm công việc gì nên chị không tránh khỏi nghi ngờ thông tin cá nhân bị “rò rỉ” qua các ứng dụng vay tiền trên.

Dễ dính "bẫy lãi suất"

TS. Nguyễn Thành Đạt, giảng viên Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, các hoạt động cho vay trực tuyến theo mô hình ngang hàng xuất hiện cách đây khoảng 2 năm và hiện vẫn chưa được thống kê đầy đủ.

Từ khi xuất hiện đến nay, các mô hình này cũng thu hút khá đông người dân tìm đến, lý do là vì không phải ai cũng có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, bị hạn chế về thủ tục thẩm định, hồ sơ vay… Hình thức vay trực tuyến thì có lợi là rất nhanh, chỉ mất vài tiếng là có tiền mà thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, vì lãi được quy ra tiền nên người vay ít chút ý đến tỷ lệ lãi suất thực sự rất lớn. Ngoài ra, một số ứng dụng cho vay quảng cáo không tính lãi suất, chỉ tính phí, nhưng ví dụ người vay chỉ muốn vay 1 triệu đồng mà phí 100.000-200.000 đồng thì tính ra còn cao hơn cả lãi suất.

Theo luật sư Phạm Văn Thanh (Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng), không chỉ người vay tiền có nguy cơ vướng vào “bẫy lãi suất” mà cả nhà đầu tư cũng có thể gặp rủi ro. Bởi các công ty cung cấp dịch vụ đều không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, mà họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối nên chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, trong khi bản chất hoạt động này lại là huy động vốn và cho vay, khó tránh khỏi những lỗ hổng về pháp lý. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng dễ xảy ra nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán…

Bên cạnh đó, nếu trường hợp không được xét duyệt hồ sơ, thì thông tin cụ thể của khách hàng đều được các công ty vay trực tuyến nắm, không ai kiểm soát được họ sẽ sử dụng vào mục đích gì. Vì vậy, dù người vay có cần tiền hay dịch vụ này tiện ích đến mấy cũng cần phải cân nhắc thật kỹ.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về hoạt động cho vay ngang hàng.

Theo đó, một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình vay ngang hàng để thực hiện hành vi bất hợp pháp (tín dụng đen, cho vay nặng lãi, hoạt động tài chính đa cấp...); đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao… gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng thận trọng trong ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng và khách hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật có liên quan.

Theo Mai Quế/Đà Nẵng Online

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho vay trực tuyến nở rộ: Coi chừng lợi bất cập hại