Việc ông Donald Tusk tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) đã chọc giận Ba Lan, quê hương ông và khiến sự vững chắc của khối EU lung lay hơn bao giờ hết.
Việc tái cử của ông Tusk đi ngược lại mong muốn của đảng cầm quyền tại Ba Lan, khiến Warsaw và Brussels rơi vào một vòng xoáy tranh cãi gay gắt.
Người đứng đầu đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan đã cáo buộc việc ông Tusk tái cử cho thấy khối Liên minh châu Âu (EU) bị "thống trị bởi Đức" và cáo buộc vụ tái bổ nhiệm ông Tusk "không đúng quy trình" khiđã phá vỡ quy tắc khi tái nhiệm.
Ông Jaroslaw Kaczynski nói rằng Ba Lan chưa xem xét rời khỏi EU lúc này nhưng khẳng định: "Quy tắc bổ nhiệm quan chức cấp cao cần có ý kiến của nước của họ đã bị phá vỡ".
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski thì tuyên bố: "Một tiền lệ nguy hiểm tại châu Âu đã được tạo ra - tiền lệ nguy hiểm này có thể gây hại cho liên minh. Chúng tôi hiểu là liên minh hiện tại nằm dưới sự chỉ huy độc đoán của Berlin".
Phát ngôn viên của PiS Beata Mazurek khẳng định thêm rằng vụ bầu cử mà bất chấp phản đối của Ba Lan để bổ nhiệm ông Tusk là một dấu hiệu xấu cho châu Âu.
"Điều này sẽ khiến liên minh không còn đoàn kết" bà Marurek nói. Việc tái bổ nhiệm ông Tusk bị PiS kịch liệt phản đối, họ tuyên bố sẽ chặn một tuyên bố của EU sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh của khối.
Chủ tịch EC từng là cựu Thủ tướng Ba Lan, gắn chặt quan hệ chính trị của mình với đảng đối lập trung dung của nước này.
Warsaw cho rằng những phản đối của họ trước việc tái bổ nhiệm của ông Tusk là để bảo vệ lợi ích quốc gia của Ba Lan trước sự "chuyên quyền" ngày càng tăng ở Brussels.
Ái Vi (theo Independent)