Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã làm tốt công tác chuyển đổi số tại địa phương. Để có được kết quả đáng mừng ấy, trước tiên phải nói đến những hướng dẫn kịp thời từ cấp trên trong chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở.

Chuyển đổi số ở Cà Mau: Nỗ lực của chính quyền cơ sở

Trần Khải | 07/07/2023, 07:51

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã làm tốt công tác chuyển đổi số tại địa phương. Để có được kết quả đáng mừng ấy, trước tiên phải nói đến những hướng dẫn kịp thời từ cấp trên trong chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở.

Đi từng ngõ, rõ từng nhà

Là xã đảo của huyện Ngọc Hiển, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Tân Ân luôn phấn đấu, nỗ lực từng ngày để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do trên giao về mọi mặt. Từ khi chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai công tác chuyển đổi số, lãnh đạo xã Tân Ân đã nhanh chóng hoạch định, họp bàn, phân công nhiệm vụ, giao việc cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo công tác chuyển đổi số.

2.jpg
Nhờ sự sâu sát, chặt chẽ của chính quyền cơ sở nên công tác chuyển đổi số ở Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực

Ông Ngô Minh Sử, công chức tài chính kế toán xã Tân Ân kể: “Thực hiện đề án chuyển đổi số của cấp trên, xã Tân Ân nhanh chóng triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, với tinh thần đi từng ngõ, rõ từng nhà để tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác chuyển đổi số.

Cụ thể, tổ công nghệ số cộng đồng các ấp trực tiếp đến từng hộ gia đình để cài đặt và hướng dẫn người dân thực hiện các app như: Dịch vụ công trực tuyến, sổ sức khỏe điện tử Vncare, CamauG, VneID và các app thanh toán không dùng tiền mặt của các nhà mạng Viettel, VNPT. Qua triển khai, ý thức chấp hành của bà con rất tốt”.

Thời gian đầu triển khai, theo ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, việc sử dụng các nền tảng số, ứng dụng trên các app của nhân dân tuy được hướng dẫn cụ thể nhưng người dân chưa thường xuyên sử dụng.

“Về giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ở địa phương có 2 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng. Các cơ sở này chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản. Việc thanh toán điện tử chủ yếu được cán bộ và các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng. Riêng các hộ gia đình thì ít sử dụng thanh toán điện tử, mới chỉ dừng ở việc hoàn thành cài đặt app”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, cấp trên đã chỉ đạo, tập huấn kỹ năng cho từng thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. Từ đó, xã Tân Ân đã xây dựng kế hoạch triển khai trên toàn địa bàn, đồng thời lồng ghép các nhiệm vụ vào những đợt cao điểm để thực hiện đồng bộ và đem lại hiệu quả tích cực.

Tính đến ngày 30.4.2023, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã Tân Ân đã được lắp đặt mã QR thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

3.jpg
Mã QR cung cấp thông tin chuyển khoản không dùng tiền mặt tại các khu chợ 4.0

Theo lãnh đạo xã Tân Ân, công nghệ số là một quá trình, khó khăn nhất là thay đổi nhận thức của người dân. Thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen của người dân, điều kiện cần thiết là làm cho người dân có hứng thú và có kỹ năng với công nghệ số. Từ đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền một cách thường xuyên và trang bị kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn, đảm bảo yêu cầu mọi lúc, mọi nơi và lâu dài để từng bước thay đổi ý thức người dân trong việc thực hiện, nhằm mang lại hiệu quả.

Phát triển chính quyền số, kinh tế - xã hội số

Thời gian qua, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã làm tốt công tác chuyển đổi số tại địa phương. Huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau về công tác chuyển đổi số, định hướng đến năm 2030, bằng việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các xã, thị trấn trên trên địa bàn áp dụng thực hiện.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chia sẻ: “Đối với chính quyền số, huyện đã đầu tư trang bị hoạt động của hệ thống mạng chuyên dùng và phòng họp trực tuyến. Ngoài ra, huyện Thới Bình đã thực hiện giao, nhận, chuyển văn bản bằng hệ thống quản lý, điều hành văn bản Iofice, trên 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin một cửa điên tử, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt trên 80%”.

Đối với kinh tế số, đến nay trên địa bàn huyện Thới Bình có 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, 30% người dân áp dụng phương thức thanh toán điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai hình thức thanh toán trên nền tảng điện thoại di động, giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Diễm Chi, tiểu thương kinh doanh mặt hàng điện máy tại chợ Thới Bình cho biết: “Tôi rất đồng tình với việc chuyển đổi số. Việc làm này rất hay và tiện ích. Việc cài app mua hàng hóa không sử dụng tiền mặt rất thuận tiện. Mình bán hàng, thanh toán tiền với khách cũng không cần gặp mặt. Việc đóng thuế, tiền điện, nước…, tôi cũng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, ngay cả việc đặt vé máy bay tôi cũng sử dụng app. Việc này rất thuận tiện, không gây mất thời gian vì chờ đợi quá lâu như trước đây. Giờ mua hàng trên mạng luôn, khách hàng đặt, chuyển thanh toán, mình giao hàng tận nơi”.

1.jpg
Tiểu thương chợ Thới Bình đồng tình với việc mua bán không sử dụng tiền mặt

Đến nay, huyện Thới Bình đẩy mạnh triển khai tuyên truyền nâng cao cài đặt và sử dụng ứng dụng CaMau-G đến nhân dân trên địa bàn huyện, với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, cải thiện chất lượng dịch vụ của chính quyền các cấp đối với nhân dân. “Từ khi triển khai đến nay, huyện đã tiếp nhận và xử lý 14 phản ánh. Trên địa bàn các xã, thị trấn đã có các tổ công nghệ số cộng đồng với 194 thành viên thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên chính quyền điện tử”, ông Vững cho hay.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp luôn được lãnh đạo huyện Thới Bình quan tâm, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ và phát triển đồng bộ, có hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước đang sử dụng rộng rãi những phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành để giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử.

“Nhìn chung, việc phát triển công nghệ số gần đây đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao. Thời gian tới, huyện Thới Bình tiếp tục ứng dụng và nâng cao hiệu quả công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân một cách hiệu quả và nhanh chóng. Đồng thời, huyện mở rộng phát triển công nghệ số trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch… để người dân tiếp cận nhanh, hướng đến công nghệ số phát triển bền vững lâu dài”, ông Vững nhấn mạnh.

Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, địa phương đang vấp phải những tồn tại, khó khăn nhất định như chi phí, thời gian, lộ trình triển khai... Một số đơn vị cấp xã có trang thiết bị như máy tính, máy scan đã cũ, cấu hình thấp, không đảm bảo phục vụ cho công tác chuyển đổi số.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số ở Cà Mau: Nỗ lực của chính quyền cơ sở