Ngày 12.5, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bến Tre, đã có cuộc “trải lòng” với PV Một Thế Giới về những những chuyện gây xôn xao dư luận “xứ Dừa” khi CLB Bóng đá Bến Tre không tham gia Giải hạng Nhì Quốc gia 2019.

CLB Bến Tre bỏ Giải hạng Nhì 2019 vì mâu thuẫn nội bộ?

Bắc Bình | 14/05/2019, 08:34

Ngày 12.5, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bến Tre, đã có cuộc “trải lòng” với PV Một Thế Giới về những những chuyện gây xôn xao dư luận “xứ Dừa” khi CLB Bóng đá Bến Tre không tham gia Giải hạng Nhì Quốc gia 2019.

VFF tiếc cho người hâm mộ bóng đá xứ Dừa

"Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có các cuộc trao đổi, làm việc với lãnh đạo địa phương và lãnh đạo CLB Bến Tre về khả năng tham dự giải của đội cũng như phối hợp tìm hướng tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc để CLB Bến Tre có điều kiện tham gia thi đấu. Tuy vậy, cho đến thời điểm giải đấu chuẩn bị khởi tranh, CLB Bến Tre vẫn chưa thể hoàn thiện được đầy đủ các điều kiện cần thiết nên sẽ không được tham dự Giải hạng Nhì QG - Cúp Asanzo 2019.

Vào chiều 8.5, Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Bến Tre gửi văn bản chính thức đến VFF để xác nhận các vấn đề tồn đọng chưa kịp tháo gỡ và xin đăng ký cho CLB Bến Tre xuống tham dự giải hạng Ba mùa bóng 2019. Đây có thể xem là điều rất đáng tiếc đối với CLB Bến Tre cũng như đông đảo người hâm mộ bóng đá xứ dừa", ngày 9.5, VFF thông báo.

Bà Nga khẳng định nguyên nhân sâu xa của sự việc đáng tiếc này vì LĐBĐ Bến Tre không quản lý được dòng tiền từ nhà tài trợ, nội bộ rất lủng củng, thậm chí Chủ tịch Liên đoàn như “tấm bình phong” để một nhóm người thao túng.

- Nhưng thưa bà, trong thông báo lần cuối (ngày 8.5) gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc không tham gia giải đấu do bà ký, thì lý do được xác định là nhà tài trợ rút tiền phút cuối, cụ thể là sao thưa bà?

- Liên đoàn là tổ chức xã hội nghề nghiệp, có pháp nhân, là chủ sở hữu hợp pháp của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Bến Tre từ đầu năm 2018. Trong năm 2019, Liên đoàn có đăng ký cho CLB Bóng đá Bến Tre tham gia 3 giải đấu lớn là các giải U.19 Quốc gia, U.21 Báo Thanh Niên và hạng Nhì Quốc gia - Cúp Asanzo 2019.

2 giải đấu kia đã có nhà tài trợ. Riêng giải hạng Nhì Quốc gia - Cúp Asanzo 2019, được Công ty CP Đầu tư thể thao Phù Đổng (trụ sở tại TP.Hà Nội) hứa tài trợ 1,8 tỉ đồng. Cuối tháng 2.2019, nhà tài trợ chuyển trước 500 triệu vào tài khoản của liên đoàn, tôi là chủ tài khoản.

Thế nhưng, khi chúng tôi yêu cầu ông Phạm Duy Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thể thao Phù Đổng đại diện nhà tài trợ ký cam kết tài trợ với liên đoàn để các hoạt động có liên quan được minh bạch rõ ràng thì không được chấp thuận. Vì vậy, liên đoàn không dám ký hợp đồng lao động cho các cầu thủ, ban huấn luyện vì lo có xảy ra rủi ro gì sẽ không có kinh phí lo cho họ.

Tôi lo lắng việc này vì liên đoàn vẫn đang nợ tồn đọng hơn 20 triệu đồng từ năm 2018, nguyên nhân cũng do liên đoàn và nhà tài trợ năm ngoái không có hợp đồng cụ thể, hết mùa giải, nhà tài trợ “bỏ con giữa chợ”. Mặtkhác, UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL Bến Tre cũng yêu cầu liên đoàn phải có báo cáo tài chính rõ ràng hàng năm.

Mặc dù vậy, từ đầu tháng 3.2019, liên đoàn vẫn phải tập trung cầu thủ để bắt đầu tập luyện chuẩn bị Giải hạng Nhì Quốc gia cho kịp tiến độ. Hoạt động này đã sử dụng gần 350/500 triệu đồng từ số tiền của Công ty Phù Đổng để trang trải chi phí tập luyện, lương các cầu thủ, ban huấn luyện, mua dụng cụ phục vụ tập luyện…

Vài ngày sau khi đội tập trung, nhà tài trợ chỉ định ông Trịnh Duy Quang làm Huấn luyện viên trưởng cho đội và chỉ mới vài ngay nhận nhiệm vụ thì ông Quang đuổi 2 cầu thủ với lý do không rõ ràng. Chúng tôi không đồng tình thì ông Quang bỏ đội ra đi. Khi đó liên đoàn quyết định đưa Huấn luận viên phó Lê Tài Lâm lên thay.

Bà Nga mệt mỏi về những chuyện đã qua - Ảnh: Ngọc Hân

Giữa tháng 3, việc triển khai tập luyện đang tốt thì nhà tài trợ gọi điện thoại cho tôi yêu cầu chúng tôi chuyển số tiền 500 triệu đồng của họ cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và thể thao Bến Tre (có địa chỉ tại TP.Bến Tre), do ông Võ Hoàng Thuận, ngụ P.4, TP.Bến Tre làm đại diện pháp luật. Đồng thời, phía nhà tài trợ cũng yêu cầu liên đoàn chuyển CLB cho ông Thuận phụ trách. Thế nhưng, cả ông Thuận và công ty này không liên quan gì đến liên đoàn.

Lúc này, tôi yêu cầu ông Tổng giám đốc Phạm Duy Vinh làm việc trực tiếp cho rõ ràng về mặtpháp lý trước khi thực hiện theo yêu cầu nhà tài trợ nhưng không được đáp lại. Cuối tháng 3.2019, ông Võ Hoàng Thuận đơn phương tuyên bố trách nhiệm của CLB bóng đá Bến Tre thuộc về ông. Dĩ nhiên là tôi không đồng ý nhưng ông Thuận cũng đã tiếp quản đội bóng với danh nghĩa đại diện nhà tài trợ.

Thế nhưng, về mặt pháp lý, tôi vẫn là thủ trưởng của cơ quan chủ sở hữu đội bóng mà các hoạt động có liên quan đội bóng, tôi không được bàn bạc, tham gia gì nữa cả. Vụ việc phức tạp quá nên tôi tuyên bố liên đoàn không còn trách nhiệm với đội bóng khi đội bóng tham gia hạng Nhì Quốc gia - Cúp Asanzo 2019. Tôi đại diện Liên đoàn xin xuống giải hạng Ba Quốc gia thi đấu.

Nhưng, để đủ thủ tục đội bóng tham gia giải Nhì Quốc gia - Cúp Asanzo 2019 thì ông Thuận và nhà tài trợ không đủ điều kiện để thực hiện theo yêu cầu của Ban tổ chức là VFF. Khi mọi việc quá bí bách thì họ thông báo với tôi nhưngđã không còn kịp nữa.

- Như vậy vì những mâu thuẫn trong nội bộ liên đoàn mới chính là nguyên nhân dẫn đến hệ quả hôm nay. Nhưng, chắc bà cũng biết xuống giải hạng ba mà muốn lên được thăng hạng là cả một quá trình phấn đấu! Nghĩ đến đây, bà có cảm thấy đáng tiếc?

- CLB Bóng đá Bến Tre được lên thi đấu Hạng nhì Quốc gia từ mùa giải năm 2013 và duy trì đến hết mùa giải năm 2017 vẫn trụ hạng, nhưng đứng trước nguy cơ tan rã. Vì cuối năm đó, đội bóng bị Sở VH-TT&DL Bến Tre “dứt bầu sữa” từ ngân sách, phải tự bơi. Khi đó tình hình đội bóng rất phức tạp, một số cầu thủ là học sinh trường năng khiếu thể thao tỉnh bị kết thúc hợp đồng nên rất hoang mang, một số em chuẩn bị kiện Sở VH-TT&DL Bến Tre.

Đầu năm 2018, để cứu đội bóng và tương laicủa các em, tôi đồng ý tham gia thành lập liên đoàn, được bầu giữ nhiệm vụ Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023. Tôi là 1 nữ công an về hưu nhưng tôi rất yêu môn thể thao này nên tích cực tham gia. Trong buổi đầu khó khăn, thậm chí tôi còn xuất tiền túi và vận động bàn bè, người thân hỗ trợ cho hoạt động của liên đoàn cũng như đội bóng. Tôi rất tiếc và rất buồn vì sự việc đến nông nỗi này.

- Được biết, vào ngày 10.5 vừa qua, Sở VH-TT&DL Bến Tre có tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về trách nhiệm của liên đoàn sau những lùm xùm, tai tiếng vừa qua của CLB bóng đá Bến Tre?

- Đúng vậy. Buổi họp có tôi tham gia với nội dung lấy phiếu tín nhiệm ban lãnh đạo liên đoàn. Buổi họp bất thường này chắc là để xem xét giải thể liên đoàn, hoặc thay thế tôi.

Về những lùm xùm liên quan đội bóng, như trận đấu giao hữu với Vĩnh Long ngày 26.4, trận chuẩn bị Hạng nhì Quốc gia - Cúp Asanzo 2019. Trong trận, cầu thủ số 79 của Bến Tre đá kiểu “kungfu” với cầu thủ số 14 của đội Vĩnh Long gây dư luận không tốt cho đội bóng, nhưng chính tôi cũng không biết cầu thủ này là ai, vì sau khi “tiếp quản” đội bóng, ông Võ Hoàng Thuận dường như đã thay gần hết cầu thủ của đội.

Nhưng như tôi nói ở trên, từ cuối tháng 3.2019, CLB Bóng đá Bến Tre đã hoạt động mà người thủ trưởng của đơn vị chủ quản là tôi, không còn được biết nữa. Cũng trong thời gian này, ông Thuận cùng một số người khác trong liên đoàn đã vượt quyền làm nhiều việc khác mà trách nhiệm chính (nếu có sẽ là chính tôi).

Tôi đang củng cố hồ sơ chứng cứ để xem xét khởi kiện Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh Bến Tre về những quyết định có liên quan đến liên đoàn mà tôi không được biết nhưng về mặt pháp lý tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi thấy như mình đã bị số người dựng lên giữ chức Chủ tịch Liên đoàn để thao túng nên tôi cần làm cho rõ rồi về nghỉ ngơi với gia đình, chứ làm việc không có lương mà nhiều chuyện phức tạp quá.

Cơ quan chức năng lên tiếng

Ngày 10.5, tại Đại hội bất thường LĐBĐ tỉnh Bến Tre, các thành viên Liên đoàn đã bỏ phiếu lấy ý kiến giải thể hoặc tiếp tục hoạt động LĐBĐ Bến Tre. 14/17 ý kiến chọn giải thể.Như vậy, sau thời gian hơn 1 năm đi vào hoạt động, LĐBĐ Bến Tre sẽ chờ UBND tỉnh Bến Tre ký quyết định giải thể sau hàng loạt khuyết điểm, sự cố xảy ra.

Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bến Tre cho biết: Liên đoàn Bóng đá Bến Tre bị giải thể là điều không mong muốn đối với những người yêu bóng đá, muốn đóng góp công sức đưa bóng đá của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, LĐBĐ Bến Tre hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể. Mong rằng đến một lúc nào đó, LĐBĐ Bến Tre sẽ được thành lập lại, hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn.

Cuối năm 2017, sau khi tỉnh Bến Tre có chủ trương tạm dừng việc đầu tư cho bóng đá thành tích cao, giải thể các đội bóng đá tập trung của tỉnh quản lý do nhiều năm hoạt động không hiệu quả, xảy ra lãng phí ngân sách tỉnh, Công ty Thể thao Phù Đổng (Hà Nội) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chuyển giao CLB thuộc giải"Hạng nhì quốc gia" cho đơn vị này.

2 ngày sau khi được UBND tỉnh đồng ý chuyển giao, ngày 9.4.2018, Công ty Thể thao Phù Đổng tiếp tục chuyển nhượng đội bóngnày lại cho LĐBĐ Bến Tre. Đến ngày 24.4.2018, VFF đã công nhận việc chuyển đổi chủ sở hữu giữa Công ty Thể thao Phù Đổng và LĐBĐ Bến Tre.

Đại hội LĐBĐ Bến Tre nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã bầu ra Ban chấp hành gồm 25 thành viên, Ban thường vụ gồm 9 thành viên, trong đó có 1 Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch. UBND tỉnh Bến Tre đã ký quyết định về việc phê duyệt điều lệ LĐBĐ Bến Tre nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 8 chương, 26 điều.

Tuy nhiên về mặt tổ chức, LĐBĐ Bến Tre chỉ dừng lại ở chỗ lập danh sách Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban kiểm tra nhưng không có sự phân công công việc rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Từ việc chưa có sự thống nhất, một số cá nhân trong Ban thường vụ LĐBĐ Bến Tre nảy sinh bất đồng quan điểm trong điều hành hoạt động.

Kể từ sau đại hội thành lập, LĐBĐ Bến Tre đã mắc phải hàng loạt hạn chế, khuyết điểm như: Không tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội và phương hướng tổ chức hoạt động LĐBĐ Bến Tre nhiệm kỳ 2018-2023. Đặc biệt, LĐBĐ Bến Tre vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện Điều lệ LĐBĐ do UBND tỉnh phê duyệt.

Liên đoàn không thực hiện các mục đích xây dựng, đào tạo lực lượng nhằm đưa phong trào bóng đá của tỉnh ngày một phát triển, không chịu sự quản lý nhà nước của Sở VH-TT&DL, các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của liên đoàn theo quy định của pháp luật.

Việc tự quản yếu kém, thu chi tài chính không rõ ràng, minh bạch; không thực hiện hầu hết 9 nhiệm vụ của liên đoàn được quy định trong Điều lệ; chưa thành lập các bộ phận như Văn phòng, Ban chuyên môn, Ban Tài chính - Tài trợ, Ban Tuyên truyền - Vận động...

Ngọc Hân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
39 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CLB Bến Tre bỏ Giải hạng Nhì 2019 vì mâu thuẫn nội bộ?