Chính phủ Philippines đã đạt được thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin COVID-19 do Pfizer (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) phát triển.
Carlito Galvez, người đứng đầu Lực lượng Đặc trách chống COVID-19 của chính phủ Philippines, cho biết thông tin này hôm 20.6. Đây là vắc xin COVID-19 được đánh giá tốt nhất hiện nay, sử dụng công nghệ mRNA như Moderna.
Việc cung cấp vắc xin sẽ bắt đầu "sau 8 tuần kể từ tháng 8", Carlito Galvez tuyên bố.
Thỏa thuận được hoàn thành trong bối cảnh việc chậm trễ cung cấp vắc xin vào đầu tháng 6.2021 đã buộc một số thành phố ở thủ đô Manila của Philippines phải đóng cửa các điểm tiêm chủng, làm phức tạp thêm nỗ lực tăng cường hoạt động tiêm vắc tại quốc gia có số ca mắc COVID-19 và tử vong cao thứ nhì Đông Nam Á sau Indonesia.
Đến nay Philippines ghi nhận tổng cộng 1.353.220 ca mắc COVID-19 với 23.538 người chết và 1.270.243 trường hợp khỏi bệnh. Con số tương ứng ở Indonesia là 1.976.172, 54.291 và 1.786.143.
Một số nhãn hiệu vắc xin COVID-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Philippines.
Với thỏa thuận mới nhất, Philippines hiện đã đảm bảo việc được cung cấp 113 triệu liều vắc xin từ 5 nhà sản xuất là Sinovac (26 triệu liều), Sputnik V (10 triệu liều), Moderna (20 triệu liều), Astrazeneca (17 triệu liều) và Pfizer - BioNTech SE (40 triệu liều).
Ông Carlito Galvez mô tả việc mua 40 triệu liều vắc xin Pfizer - BioNTech là "thỏa thuận lớn nhất và dứt khoát nhất mà chúng tôi có trong năm 2021".
"Điều này sẽ thúc đẩy đáng kể chương trình tiêm chủng quốc gia của chúng tôi và sẽ cho phép chúng tôi thực hiện mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm. Đây là một diễn biến tích cực khác sẽ mang đến một Giáng sinh vui vẻ và tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Philippines", Carlito Galvez nói.
Đến nay, Philippines đã tiêm cho hơn 8 triệu người, nhưng không phải tất cả đều được tiêm liều thứ hai. Mục đích là tiêm vắc xin cho 50 triệu đến 70 triệu người để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dân số Philippines hiện hơn 111 triệu.
Nhờ nhu cầu về vắc xin đang giảm bớt do nhiều quốc gia lớn và giàu đã mua đủ liều cho dân số của mình, Carlito Galvez nói điều này đã cho phép Pfizer cam kết giao hàng.
Hồi tháng 5.2021, ông Hoàng Khê Liên, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, nói thông tin Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte yêu cầu trả lại 1.000 liều vắc xin của Sinopharm cung cấp là “không có thật”. Ông nhấn mạnh Philippines không những không trả lại mà còn muốn mua thêm vắc xin của Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 5, vắc xin Sinovac của Trung Quốc trở thành loại được sử dụng tiêm chủng chủ yếu ở Philippines và chiếm tới khoảng 90% số vắc xin mà nước này có được. Thế nhưng, số ca mắc COVID-19 và tử vong hàng ngày ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn tăng cao.
Indonesia cũng chịu cảnh ngộ tương tự khi chủ yếu tiêm vắc xin của Sinovac. Thậm chí mới đây có tin hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế ở Indonesia đã mắc COVID-19 dù được tiêm vắc xin của Sinovac và hàng chục người đã phải nhập viện, gây lo ngại về hiệu quả của vắc xin chống lại các biến thể lây nhiễm nhanh. Xem chi tiết tại đây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin của Sinovac trong tháng 6, chỉ ra kết quả cho thấy nó ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% người tiêm, ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng và thời gian nằm viện ở tất cả những người được nghiên cứu.