Các chuyên gia cho rằng chưa phải lúc tự mãn trước Omicron dù biến thể này dường như gây bệnh nhẹ hơn Delta.

Có thể bị triệu chứng COVID-19 kéo dài và các lý do nên tránh nhiễm Omicron

Sơn Vân | 13/01/2022, 13:01

Các chuyên gia cho rằng chưa phải lúc tự mãn trước Omicron dù biến thể này dường như gây bệnh nhẹ hơn Delta.

Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn nhưng gây ra bệnh nhẹ hơn Delta nên đã thúc đẩy quan điểm rằng COVID-19 ít gây ra rủi ro hơn so với trước đây.

Trong trường hợp đó, một số người đặt câu hỏi tại sao phải cố gắng hết sức để tránh nhiễm SARS-CoV-2 ngay bây giờ vì sớm muộn gì cũng tiếp xúc với vi rút?

Đây là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng chưa đến lúc tự mãn trước Omicron:

‘Nên tránh nhiễm SARS-CoV-2 vì sau này sẽ có nhiều loại thuốc và vắc xin tốt hơn’

Nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron có nhiều khả năng dẫn đến trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng hơn so với các biến thể trước đó. Với những người nhiễm Omicron có các triệu chứng, một tỷ lệ cao hơn bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như đau họng hoặc chảy nước mũi, không có tình trạng khó thở điển hình như các biến thể SARS-CoV-2 trước đó.

Thế nhưng, sự lây lan nhanh bất thường của Omicron ở nhiều quốc gia có nghĩa là sẽ có nhiều ca COVID-19 hơn, dẫn đến người mắc bệnh nặng hơn. Đặc biệt, dữ liệu gần đây từ Ý và Đức cho thấy những người chưa tiêm vắc xin dễ bị tổn thương hơn rất nhiều khi phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt và thậm chí tử vong.

Chuyên gia vi rút Michel Nussenzweig của Đại học Rockefeller (Mỹ) cho biết: “Tôi đồng ý rằng sớm hay muộn thì ai cũng sẽ bị phơi nhiễm, nhưng muộn hơn thì tốt hơn. Tại sao? Vì sau này chúng ta sẽ có nhiều loại thuốc và vắc xin tốt hơn”.

Omicron gây lây truyền vi rút không triệu chứng cao hơn các biến thể trước
Những phát hiện sơ bộ từ hai thử nghiệm lâm sàng ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có tỷ lệ "truyền tải không triệu chứng" cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Điều này có thể giải thích tại sao nó lây lan nhanh như "cháy rừng" trên toàn cầu.
Một nghiên cứu được thực hiện khi số ca nhiễm Omicron gia tăng ở Nam Phi vào tháng trước. Một nghiên cứu khác lấy mẫu xét nghiệm những người tham gia cùng thời điểm.

Kết quả cho thấy một số lượng lớn hơn những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng so với các thử nghiệm trước đây.

Trong thử nghiệm Ubuntu đánh giá hiệu quả vắc xin Moderna ở những người nhiễm HIV, 31% trong số 230 người tham gia khám sàng lọc cho kết quả dương tính với COVID-19, với tất cả 56 mẫu có sẵn để phân tích giải trình tự đều là biến thể Omicron.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ dương tính trước khi Omicron xuất hiện, dao động từ dưới 1% đến 2,4%”.

Trong thử nghiệm Sisonke đánh giá hiệu quả vắc xin Johnson & Johnson, tỷ lệ lây truyền không có triệu chứng trung bình đã tăng lên 16% trong giai đoạn dịch Omicron bùng phát, so với 2,6% trong đợt bùng phát dịch Beta và Delta.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của Sisonke bao gồm 577 người được tiêm vắc xin trước đó, với kết quả cho thấy tỷ lệ lây truyền cao ngay cả ở những người đã tiêm phòng COVID-19”.

Họ nói thêm rằng "tỷ lệ lây truyền không triệu chứng cao hơn có thể là một yếu tố chính trong sự phổ biến nhanh chóng và rộng rãi của biến thể Omicron, ngay cả trong những quần thể có tỷ lệ mắc COVID-19 cao trước đó".

Nam Phi trải qua đợt tăng ca mắc COVID-19 từ cuối tháng 11.2021, vào khoảng thời gian các nhà khoa học cảnh báo với thế giới về Omicron. Song, số ca COVID-19 mới ở quốc gia châu Phi gần đây đã giảm trở lại và các dấu hiệu ban đầu cho thấy làn sóng dịch Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn những đợt dịch trước đó.

Bộ trưởng Bộ Y tế Joe Phaahla cho biết vắc xin và tỷ lệ mắc COVID-19 cao ở Nam Phi dường như đang bảo vệ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng hơn từng thấy trong 3 đợt dịch trước đó.

Bạn có thể truyền vi rút cho người khác

Akiko Iwasaki, người nghiên cứu miễn dịch học vi rút tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết bạn có thể chỉ bị bệnh nhẹ khi nhiễm Omicron, nhưng dễ truyền vi rút cho người khác có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, ngay cả khi có kháng thể do tiêm vắc xin hoặc mắc COVID-19 trước đó.

co-the-bi-trieu-chung-covid-19-keo-dai-va-cac-ly-do-nen-tranh-nhiem-omicron.jpg
Luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng là một trong những cách tránh nhiễm Omicron - Ảnh: Reuters

Hậu quả lâu dài do Omicron gây ra là không biết trước được

Nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, bao gồm nhiễm trùng nhẹ và các trường hợp nhiễm đột phá dù đã tiêm vắc xin đầy đủ, đôi khi gây ra hội chứng COVID-19 kéo dài, suy nhược cơ thể.

Akiko Iwasaki nói: “Chúng ta chưa có dữ liệu về tỷ lệ nhiễm trùng với Omicron gây triệu chứng COVID-19 kéo dài. Những người đánh giá Omicron gây bệnh nhẹ đang tự đặt mình vào nguy cơ mắc bệnh suy nhược có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm".

Cũng chưa rõ liệu Omicron sẽ có bất kỳ tác động thầm lặng nào như từng thấy ở các biến thể SARS-CoV-2 trước đó không, chẳng hạn như có nồng độ kháng thể tăng cao có thể tấn công nhầm các cơ quan và mô của chính mình, suy giảm tinh trùng và thay đổi tế bào sản xuất insulin.

Xem thêm: Người khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ kháng thể tăng cao tấn công nhầm cơ thể

Hạn chế thuốc điều trị Omicron

Các phương pháp điều trị Omicron bị hạn chế đến mức các bác sĩ phải chia nhỏ để sử dụng. Hai trong số ba loại thuốc kháng thể đơn dòng được sử dụng trong các đợt COVID-19 trước đây không có hiệu quả với biến thể này. Loại kháng thể đơn dòng thứ ba là sotrovimab từ GlaxoSmithKline (Anh) đang thiếu nguồn cung.

Paxlovid, thuốc uống kháng vi rút từ Pfizer, dương như hiệu quả với Omicron nhưng cũng chưa có nhiều.

Nếu nhiễm Omicron, bạn có thể không được tiếp cận với các phương pháp điều trị hiệu quả.

Bệnh viện đang quá tải

Với những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và nhận mũi tăng cường mà không bệnh nền, Omicron sẽ không gây hại quá nhiều", theo David Ho, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Columbia (Mỹ). Tuy nhiên càng ít người nhiễm SARS-CoV-2 càng tốt, đặc biệt là hiện nay, "khi các bệnh viện đã quá tải và đỉnh điểm của làn sóng Omicron vẫn chưa đến với hầu hết vùng ở nước Mỹ", David Ho cho hay.

Do số lượng người mắc COVID-19 tăng kỷ lục, các bệnh viện ở Mỹ đã phải hoãn các ca phẫu thuật tự chọn và điều trị ung thư. Trong những đợt bùng phát dịch vừa qua, các bệnh viện quá tải đã không thể điều trị đúng cách các trường hợp khẩn cấp khác, chẳng hạn như bệnh nhân bị đau tim.

Nhiều người nhiễm Omicron có thể tạo cơ hội cho vi rút đột biến hơn

Omicron là biến thể SARS-COV-2 đáng lo ngại thứ năm dựa trên đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và còn phải xem liệu khả năng đột biến thêm của vi rút có chậm lại không.

Tỷ lệ lây nhiễm Omicron cao cũng tạo cho vi rút nhiều cơ hội đột biến hơn và không có gì đảm bảo rằng biến thể SARS-CoV-2 tiếp theo sẽ lành tính hơn chủng cũ.

David Ho nhận xét: “SARS-CoV-2 đã gây ngạc nhiên cho chúng ta theo nhiều cách khác nhau trong 2 năm qua và chúng ta không có cách nào dự đoán được quỹ đạo tiến hóa của loại vi rút này”.

Hôm 12.1.2022, Tổng giám đốc (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết biến thể Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta nhưng vẫn là "vi rút nguy hiểm", đặc biệt với những người chưa được tiêm vắc xin.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hơn 90 quốc gia chưa đạt được mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho 40% dân số của mình và hơn 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa nhận được một liều nào.

Người đứng đầu WHO nói: “Chúng ta không được phép cho loại vi rút này lưu hành tự do hoặc vẫy cờ trắng, đặc biệt là khi rất nhiều người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm vắc xin”.

Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần của mình, WHO cho biết số ca mắc COVID-19 tăng 55%, tương đương 15 triệu, vào tuần tính đến ngày 9.1.2022 so với một tuần trước đó. Theo WHO, đến nay đây là số ca COVID-19 được báo cáo nhiều nhất trong một tuần.

Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận xét: “Sự gia tăng đột biến số ca COVID-19 này là do Omicron, biến thể đang nhanh chóng thay thế Delta ở hầu hết các quốc gia”.

Ông cho biết phần lớn những người nhập viện trên khắp thế giới vì COVID-19 đều chưa tiêm vắc xin và nếu việc lây truyền không được hạn chế thì sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện một biến thể khác thậm chí có thể lây truyền cao hơn, gây tử vong nhiều hơn Omicron.

Bài liên quan
Tỉnh đầu tiên ở  Trung Quốc chống chọi dịch Omicron lẫn Delta: ‘Tình hình rất đáng báo động’
Hà Nam (miền trung Trung Quốc) đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước phải chống lại cả biến thể Omicron và Delta cùng lúc, sau khi thành phố An Dương xác nhận có hai ca nhiễm Omicron hôm 11.1.2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có thể bị triệu chứng COVID-19 kéo dài và các lý do nên tránh nhiễm Omicron